Doanh nghiệp miền Trung: Vượt lên khó khăn, san sẻ yêu thương với cộng đồng
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:21, 13/10/2021
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang đẩy các doanh nghiệp đứng trước rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản. Tại thành phố Đà Nẵng, trong đại dịch này, nhiều doanh nghiệp chung tay với chính quyền địa phương, giúp dân vượt qua gian khó.
Nửa tháng qua, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, các thành viên Doanh nghiệp tư nhân Phúc Vạn Phúc luôn có mặt giúp đỡ hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía Nam về quê ngang qua thành phố Đà Nẵng. Những ngày đầu, trên đỉnh đèo Hải Vân, anh Trương Vĩnh Phúc, Giám đốc Phúc Vạn Phúc cùng các thành viên chia nhau hỗ trợ bà con từng chai nước, ổ bánh mỳ, hộp cơm gà đến chén súp nóng hổi khi trời mưa lạnh... Ngoài ra, anh còn kết nối với các nhóm thiện nguyện khác hỗ trợ sửa chữa, thay nhớt xe máy để bà con tiếp tục hành trình an toàn. Trước đó, chương trình “Chuyến xe không đồng” do anh Trương Vĩnh Phúc làm trưởng nhóm cũng đã vận chuyển miễn phí, giúp đỡ hàng trăm người bệnh hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng về các tỉnh, thành phố khắp cả nước.
Ít ai biết rằng, 2 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của anh Trương Vĩnh Phúc và gia đình cũng lao đao. Hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch đóng băng, anh cũng nghỉ việc. Hiện, nhà anh trông dựa vào nguồn thu từ cửa hàng bán hoa tươi trên đường Trần Phú do vợ anh quản lý. Anh Trương Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng chứng kiến những hoàn cảnh nghèo khó người dân từ các tỉnh phía Nam trên đường trở về quê phía Bắc khiến anh và bạn bè tiếp tục đi làm việc thiện.
“Khi mình tiếp xúc với bà con thấy họ còn khổ hơn mình, nhiều cảnh thương lắm. Như 15 ngày ở trên đèo Hải Vân thấy khổ lắm, người ta bồng bế con, nhiều cảnh mới sinh ra mấy ngày cũng đi. Thấy được những hoàn cảnh đáng thương như vậy nhìn vào xúc động, muốn rơi nước mắt nên anh em chỉ biết làm và làm, cố gắng giúp được cái nào hay cái đó.” - Anh Phúc tâm sự.
Từ đầu tháng 5 đến nay, khi thành phố bùng phát dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành với chính quyền thành phố trong phòng chống dịch bệnh. Tổng Công ty Điện lực miền Trung là một trong những doanh nghiệp luôn đi cùng với thành phố trong nhiều hoạt động an sinh. Tổng Công ty đã hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 và gần 6 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội ở các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ Đà Nẵng 6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp lớn, nhỏ đều góp sức với thành phố chống dịch. Với Công ty Cổ phần Đất Xanh miền Trung, dù 2 năm qua không thể hoạt động nhưng vẫn ủng hộ gần 7,4 tỷ đồng và mua tặng máy xét nghiệm RT-PCR, kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, trang thiết bị y tế hỗ trợ thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Bình và Phú Yên chống dịch.
Ông Phạm Văn Viên, Phó Tổng Giám đốc khối vận hành, Công ty Cổ phần Đất Xanh miền Trung cho biết: “Một doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn và đóng góp cho xã hội thì phải có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, chia sẻ với cộng đồng trong lúc khó khăn nhất. Chúng tôi trích 1 phần kinh phí ra hỗ trợ cho các tỉnh vừa tiền mặt, vừa hiện vật mong muốn đại dịch hết để chúng ta cùng chung tay phát triển và đóng góp cho xã hội tốt hơn.”
Thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 20/9, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ cho thành phố hơn 64 tỷ đồng để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó hơn 44 tỷ đóng góp vào Quỹ vaccine, còn lại hỗ trợ vào công tác phòng chống dịch, mua trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm hỗ trợ người dân.
Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong những lúc khó khăn như hiện nay: “Các doanh nghiệp trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đồng hành cùng với thành phố, san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch. Có doanh nghiệp đóng góp 20 tỷ đồng, có doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm ngàn tấn rau quả... tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng lòng để mọi người dân đều có cuộc sống ổn định trong thời gian giãn cách xã hội. Thay mặt cho Ban thường trực Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, chúng tôi tri ân, cảm ơn những doanh nghiệp đã đồng hành cùng với thành phố Đà Nẵng.”
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc đảm bảo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp đã hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống dịch.
Đầu tháng 8, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng nhưng 500 sinh viên quê Khánh Hòa đang ở thành phố Hồ Chí Minh đã được Tỉnh Đoàn Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan đón về Nha Trang an toàn. Toàn bộ chi phí xét nghiệm, vận chuyển các em đều được miễn phí từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp. Sắp đến, hằng tuần, tỉnh Khánh Hòa sẽ đón khoảng 500 người dân đang sống tại các tỉnh phía Nam trở về quê. Ông Trần Trương Khôi, Giám đốc Chi nhánh Nha Trang, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang cho biết, ngoài việc vận chuyển miễn phí cho người dân trở về, đơn vị đã hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trị giá 6 tỷ đồng.
“Chương trình đồng hành chở người dân về tỉnh Khánh Hòa, chở không giới hạn người dân. Nếu đưa về bao nhiêu thì xe Phương Trang sẽ hỗ trợ về tối đa. Thời điểm này không phải là lùi về vấn đề kinh doanh mà dùng các phương tiện, nhân lực hiện có của Tập đoàn chung tay với cả nước. Khi vượt qua khó khăn thì mình mới có cơ hội để tiếp tục kinh doanh.” - ông Khôi nói.
Dịch bệnh Covid-19 tác động khiến việc lưu thông, tiêu thụ các loại nông sản, thủy sản tại Khánh Hòa gặp nhiều trở ngại. Ốc hương, cá mú, mía tím, sầu riêng… trước đây là đặc sản nhưng nay lại rớt giá, khó tiêu thụ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời thu mua, giải quyết đầu ra cho người dân. Chợ truyền thống dù chưa hoạt động, các loại đặc sản này đã được phân phối thông qua siêu thị, các điểm bán hàng ngoài trời. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã kêu gọi công nhân mua nông sản để chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.
Những ngày tỉnh Khánh Hòa thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó” thì Nhóm thiện nguyện xe bán tải đã tìm đến giúp bà con. Hơn 30 thành viên của nhóm, đa phần là các chủ doanh nghiệp nhỏ đã vận chuyển khoảng 500 tấn hàng cứu trợ của tỉnh Khánh Hòa đến với những người dân ở các khu cách ly, phong tỏa. Anh Huỳnh Hồng Lãm, Giám đốc Công ty sàn gỗ Gia Hân, thành viên của Nhóm thiện nguyện xe bán tải cho biết, mưa, gió, dịch bệnh rất căng thẳng nhưng các anh đã cố gắng đưa hàng cứu trợ đến với những người hoàn cảnh khó khăn.
“Ban đầu cũng rất bỡ ngỡ, rất ngại, không ai biết vào khu cách ly phải mặc đồ bảo hộ như thế nào. Bây giờ mọi cái anh em đã quen không còn khó khăn gì về vấn đề này nữa. Chúng tôi bỏ tiền túi, chi phí các khoản. Một số anh em đến giờ này cũng rất khó khăn về tài chính nhưng với tinh thần là mình còn khỏe, mình có được thời gian thì mình giúp được gì thì cứ giúp.” - anh Lãm chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã nhận được rất nhiều sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh này đã nhận được 40 tỷ đồng của các doanh nghiệp hỗ trợ để mua vaccine phòng Covid-19, 22 tỷ đồng ủng hộ kinh phí phòng chống dịch, 450 tấn gạo, 200 tấn rau, củ cùng rất nhiều thiết bị y tế và hơn 10.000 liều thuốc đặc trị Covid-19.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, các doanh nghiệp đã chung sức, chung lòng cùng địa phương từng bước vượt qua dịch bệnh: “Tất cả số tiền, số quà, chúng tôi đã chuyển cho các địa phương để hỗ trợ cộng đồng. Đây là sự cố gắng rất lớn, tôi thấy rằng các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động cứu trợ, nhiều chuyến xe 0 đồng đến ủng hộ. Sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp cùng với tỉnh sớm ổn định tình hình. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, từ tấm lòng người dân Khánh Hòa rất biết ơn, không có sự hỗ trợ thì sự quản lý của Nhà nước cũng khó”./.