Covid-19 thế giới 12/10: Nga 'trôi' vào làn sóng thứ 4; WHO đổi ý về mũi tăng cường; Indonesia có miễn dịch cộng đồng qua lây nhiễm tự nhiên?

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:28, 12/10/2021

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 239 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,87 triệu ca tử vong và gần 216,3 triệu bệnh nhân bình phục.
Covid-19 thế giới 12/10:
Số ca mắc mới ở mức cao cho thấy Nga đang diễn ra làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. (Nguồn: Reuters)

Tình hình dịch Covid-19

Ngày 11/10, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này giảm do người dân đã có khả năng miễn dịch qua đường lây nhiễm tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-Cov-2 hoặc qua tiêm chủng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Budi cho rằng, để có chứng cứ khoa học, cần tiến hành nghiên cứu cụ thể với việc lấy mẫu ngẫu nhiên. Theo đó, Bộ Y tế Indonesia sẽ tiến hành lấy mẫu từ 21.880 người tại 100 huyện và thành phố trên khắp cả nước.

Bộ trên cũng sẽ hợp tác với Khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành các xét nghiệm, định kỳ 6 tháng một lần.

Kết quả khảo sát dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 12 tới nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình trạng miễn dịch hoặc kháng thể của tất cả người dân ở 34 tỉnh thành trên toàn quốc.

Tại Nga, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Moscow Tatyana Ruzhentsova nhận định, số ca mắc mới ở mức cao cho thấy nước này đang diễn ra làn sóng dịch Covid-19 thứ tư.

Bà Ruzhentsova nói thêm, chủng virus corona đang phổ biến ở Nga là chủng Delta và nước này đã xác định được 35 phân nhánh của chủng này, đòi hỏi các mức độ bảo vệ khác nhau.

Trong vòng 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận 29.409 trường hợp nhiễm Covid-19, mức cao nhất kể từ đầu năm 2021, trong đó, số ca tử vong mới cũng cao nhất thế giới tính theo ngày, với 957 trường hợp.

Latvia công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 11/10, do số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong khi tỷ lệ tiêm vaccine tại nước này vẫn thuộc nhóm thấp nhất Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, người dân Latvia bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở trong những tòa nhà công cộng và công chức phải tiêm vaccine phòng Covid-19 chậm nhất là đến ngày 15/11. Tất cả người dân Latvia được khuyến khích làm việc tại nhà nếu có thể.

Latvia hiện ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trên 1.000 ca, trong khi dân số của quốc gia Baltic này chỉ là 1,9 triệu người. Các bệnh viện của nước này đã quá tải với bệnh nhân Covid-19. Hiện mới chỉ có 48% dân số Latvia được tiêm phòng đầy đủ - tỷ lệ thấp thứ 4 trong EU sau Bulgaria, Romania và Croatia.

Kể từ ngày 11/10, chính phủ Đức dừng chi trả chi phí xét nghiệm nhanh kháng thể đối với người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/11, những người chưa tiêm chủng sẽ không nhận được khoản bồi hoàn nào nếu phải trích lương để chi trả cho việc phải cách ly chống dịch. Trước đây, mọi chi phí cho việc phải đi cách ly hoặc không thể đi làm do nghi nhiễm hoặc mắc Covid-19 đều được nhà nước đài thọ.

Dựa trên các số liệu thống kê gần đây, Đức dường như đã tránh được đợt dịch thứ 4 khi tỷ lệ mắc Covid-19 liên tục giữ ổn định trong vài tuần qua ở mức khoảng 60 ca mắc/100.000 người.

Tuy nhiên, giới chức y tế khuyến cáo hiện nước Đức đang bước vào mùa Đông, với nhiều hoạt động đời sống xã hội diễn ra trong không gian trong nhà nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tại Nam Phi, Bộ Quản trị hợp tác và các vấn đề truyền thống (CoGTA) cho biết, Bộ trưởng bộ này Nkosazana Dlamini Zuma đã ký ban hành các quy định sửa đổi của Đạo luật Quản lý thiên tai, cho phép khán giả tham dự các sự kiện thể thao tại "đất nước Cầu Vồng".

Theo quy định mới, các sự kiện thể thao (cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) tổ chức trong nhà được cho phép tối đa 750 khán giả tham dự và không quá 2.000 người đối với hoạt động thể thao ngoài trời.

Việc điều chỉnh quy định nói trên dựa trên cơ sở số ca nhiễm mới Covid-19 ở Nam Phi trong thời gian gần đây giảm mạnh.

Đợt dịch Covid-19 thứ 3 đang diễn ra tại Nam Phi kéo dài hơn 140 ngày. Thời điểm đỉnh dịch đầu tháng 7 ghi nhận mức nhiễm hơn 22.000 ca/ngày. Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày gần nhất là 818 người (tỷ lệ 9 ca nhiễm mới/100.000 người).

Vaccine và điều trị

Ngày 11/10, nhóm tư vấn vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên tiêm liều vaccine tăng cường (mũi thứ 3) phòng Covid-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch, áp dụng với các tất cả vaccine phòng Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt.

Các chuyên gia WHO nêu rõ, những người bị suy giảm miễn dịch ở thể trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm liều vaccine tăng cường vì cơ thể những người này ít có khả năng sinh kháng thể đầy đủ nếu họ chỉ được tiêm chủng vaccine theo tiêu chuẩn cơ bản (2 mũi) và họ có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 thể nặng.

Đây là khuyến cáo mới nhất của các thành viên Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO. Trước đây, WHO kêu gọi các quốc gia hoãn tiêm mũi vaccine tăng cường để tập trung nguồn vaccine tiêm cho ít nhất 10% dân số cho mỗi quốc gia trên toàn cầu.

Tại Italy, nỗ lực nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 bằng đạo luật yêu cầu tất cả người lao động phải xuất trình thẻ xanh để được đến nơi làm việc kể từ ngày 15/10, đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo dữ liệu được chính phủ Italy công bố ngày 11/10, trong tuần tính đến ngày 8/10, khoảng 410.000 người đã được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, giảm 36% so với tuần trước và là con số hàng tuần thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2021.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét cấp phép lưu hành thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve để điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc Covid-19 ở người trên 12 tuổi.

Trong thông báo ngày 11/10, EMA nêu rõ, quy trình đánh giá sẽ tập trung phân tích dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của liệu pháp này trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện ở các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị ngoại trú cũng như kết quả một nghiên cứu khác về hiệu quả phòng ngừa đối với người lớn và trẻ em trong các gia đình có người mắc bệnh.

Sau khi xem xét, cơ quan này sẽ đưa ra kết luận trong vòng hai tháng tới. Hiện EMA mới chỉ cấp phép cho thuốc kháng virus remdesivir của Gilead trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bảo Hà