Karaoke lo bị xóa sổ, rạp phim nguy cơ phá sản
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:09, 12/10/2021
Chuỗi karaoke ICool vừa có đơn đề xuất xin mở cửa lại ngành karaoke ở TP.HCM gửi trực tiếp tới Chủ tịch TP.HCM, Giám đốc các Sở Văn hóa và Sở Y tế TP. Bởi từ tháng 3/2020, hoạt động karaoke ở TP đã 3 lần bị tạm dừng, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư phải dừng 5 tháng, khiến hoạt động kinh doanh karaoke gặp khó khăn lớn.
Đóng băng dịch vụ giải trí
Hệ thống ICool dẫn chứng, việc kéo dài đóng cửa có thể dẫn đến xoá sổ ngành; 600 nhân viên và cộng tác viên của đơn vị không có việc làm trong thời gian dài - hầu hết đều là lao động chính trong gia đình, chỉ được trợ cấp ít ỏi từ DN. Đối tượng này chờ đợi để được quay trở lại làm việc.
ICool không có nguồn thu nhưng các chi phí vẫn phát sinh hằng tháng để duy trì cơ sở. Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng đã không còn, chi phí hỗ trợ cho nhân viên và cộng tác viên cũng vượt ngoài khả năng.
Mặt bằng một quán karaoke bị trả lại, chỉ còn bảo vệ trông coi bên ngoài (ảnh: Trần Chung) |
Các đơn vị karaoke tại TP.HCM cho rằng, dịch vụ này có khả năng sẽ bị xóa sổ (ảnh: Trần Chung) |
“Chúng tôi phải vay mượn để trợ cấp cho nhân viên, duy trì máy móc và cơ sở. Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, chuỗi 20 chi nhánh sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ, buộc phải đóng cửa”, ông Nguyễn Quế Sơn - quản lý hệ thống karaoke ICool tại TP.HCM, lo lắng.
Còn theo ông Lê Hoàng Việt - đại diện chuỗi karaoke Nnice, DN mới trả lại một mặt bằng kinh doanh ở đường Điện Biên Phủ (quận 3) do không còn đủ sức cầm cự sau thời gian dài đóng cửa. DN vẫn đang hỗ trợ một phần chi phí hàng tháng cho nhân viên lâu năm và lo trả tiền thuê mặt bằng. Ban lãnh đạo phải bỏ tiền túi và vay ngân hàng để trả các khoản chi phí trên.
Ông Lê Hoàng Minh - đại diện Hệ thống rạp BHD Star Cineplex thông tin, đơn vị gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay. Dù có lúc được mở cửa kinh doanh, nhưng doanh thu không được bao nhiêu so với chi phí phải gánh suốt 2 năm qua như mặt bằng, lãi ngân hàng, bảo hiểm, lương nhân viên, bảo trì máy móc thiết bị,...
Năm 2020, doanh thu của hệ thống rạp BHD đã giảm hơn 70% so với năm 2019. Năm nay, rạp đóng cửa gần 7 tháng nên doanh thu chắc chắn thấp hơn rất nhiều. Ngoài khó khăn về tài chính, các DN kinh doanh rạp hiện nay còn đối mặt với việc biến động nhân sự khi nhân viên không thể cầm cự được lâu, họ buộc phải tìm hướng đi mới.
“Tình hình này nếu kéo dài sang đầu 2022 thì các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, rạp chiếu phim có nguy cơ phá sản rất cao”, ông Minh nói.
Bao giờ mở cửa karaoke, rạp phim
Với quan điểm “Sống chung với Covid-19”, ICool đề xuất nhiều biện pháp phòng, chống dịch tới lãnh đạo TP.HCM. Ví như, lượng nhân viên làm việc giảm còn 30-50%, đã được tiêm vắc xin mũi 2 được hai tuần hoặc mũi 1 được bốn tuần, có xét nghiệm âm tính trước khi quay lại làm việc và đeo khẩu trang y tế suốt quá trình làm việc.
Một sân khấu kịch đã đóng cửa từ lâu (ảnh: Trần Chung) |
Hệ thống sẽ trang bị dung dịch sát khuẩn cho khách hàng, đồng thời chỉ nhận khách hàng có “Thẻ xanh Covid”, thu thập thông tin y tế khách hàng thông qua mã QR,... Ngoài ra, đảm bảo tối thiểu 4m2 trở lên có một khách hàng; micro có màng bọc, thay mới và khử khuẩn bằng tia cực tím sau mỗi lần phục vụ, mỗi phòng sử dụng 5 micro riêng biệt. Tổ chức khử khuẩn định kỳ.
Với những giải pháp trên, hệ thống này đề xuất được hoạt động trở lại vào 31/10 tới đây.
Nnice cũng mong được sớm mở trở lại và TP có một bộ tiêu chí riêng sớm cho ngành karaoke. Khi đó, lĩnh vực karaoke sẽ được chủ động, có thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong hoạt động khi đã "bình thường mới".
Qua theo dõi các cụm rạp nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á đã mở cửa, BHD cho biết sẽ khuyến khích khách hàng giao dịch “Tránh tiếp xúc trực tiếp - Contactless”. DN cam kết thực hiện đầy đủ quy chuẩn về an toàn do Bộ Y tế ban hành khi cho phép các rạp mở cửa hoạt động lại. BHD cũng đã hoàn tất việc tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho toàn bộ nhân viên.
Trước đó, theo Chỉ thị “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ở TP.HCM sau 30/9”, các hoạt động tiếp tục tạm dừng là sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ trường hợp cơ quan thẩm quyền cho phép); quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.
Trần Chung