Tại sao Tor-M2 là vũ khí phòng không lục quân hàng đầu thế giới?

Đối ngoại - Ngày đăng : 18:06, 11/10/2021

Được đặt tên là Tor - Thần Sấm Thor trong thần thoại - tổ hợp tên lửa phòng lục quân này đã minh chứng được sức mạnh khi trút “sấm sét” lên đầu đối thủ. Và hệt như thần thoại, Tor không hề có đối trọng khi giữ vững vị trí một trong những vũ khí phòng không tầm thấp uy lực nhất thế giới suốt nhiều thập niên qua. Vị trí này của tổ hợp Tor đã được khẳng định trên chiến trường và đánh giá của chuyên gia quốc tế.

Hơn thế, trong tác chiến bất đối xứng với việc sử dụng rộng rãi vũ khí tấn công không đối đất thông minh hay tổ hợp máy bay không người lái (UAV) thông minh hiện đại, vai trò của các tổ hợp tên lửa phòng không di động, hiệu quả cao như Tor-M2 lại càng được khẳng định. Vậy điều gì đã tạo ra truyền thống và sức mạnh của dòng vũ khí phòng không lục quân hàng đầu của Liên Xô và Nga như Tor-M2?

Vũ khí phòng không “không có đối thủ”

Các kỹ sư của Viện nghiên cứu Vô tuyến Moscow bắt đầu phát triển tổ hợp tên lửa Tor từ năm 1975 để tạo ra vũ khí phòng không lục quân hiệu quả thay thế các tổ hợp tên lửa Osa (tên NATO: SA-8 Gecko) với các yêu cầu cao về khả năng cơ động, tầm bắn để tránh bị phát hiện bởi mục tiêu bay của đối phương. Vượt qua những khó khăn về công nghệ, Viện nghiên cứu Vô tuyến Moscow đã cho ra mắt dòng vũ khí với thể hiện tính năng vượt trội và không hề có sản phẩm tương tự trên thế giới.

Toàn bộ các thành phần của tổ hợp Tor, gồm bệ phóng, radar cảnh giới, dẫn bắn và trung tâm chỉ huy đều được đặt trên xe bánh xích có độ việt dã cao. Trong các bài thử nghiệm, Tor đã minh chứng khả năng chiến đấu ưu việt và nhận được sự công nhận từ các chuyên gia quân sự Liên Xô và phương Tây thời điểm đó.

Tổ hợp Tor-M2 trưng bày tại Diễn đàn Hợp tác Kỹ thuật quân sự quốc tế. Ảnh: Rostec.

Tổ hợp Tor dùng đạn tên lửa 9M330 cung cấp khả năng bắn hạ các mục tiêu bay ở khoảng cách 12km, trần bắn hơn 2km và liên tục được cải thiện ở các phiên bản Tor sau này.

Do có phương thức phóng thẳng đứng và hiệu quả tác chiến cao, tương tự như tổ hợp tên lửa S-300, Tor đã được đặt biệt danh là “S-300 mini” và nhanh chóng được biên chế cho Quân đội Nga.

Tính tới thời điểm hiện tại, tổ hợp Tor có 3 phiên bản nâng cấp chính vào các năm 1991 (Tor-M1), 2009 (Tor-M2U) và 2016 (Tor-M2). Quá trình sản xuất dòng vũ khí lục quân này do Công ty cổ phần Kupol thực hiện.

Giới chuyên giá đánh giá, sau 35 năm phát triển, phiên bản nâng cấp mới nhất là Tor-M2 có tính năng kỹ-chiến thuật rất mạnh mẽ và vẫn nằm trong top những vũ khí phòng không tầm thấp hàng đầu thế giới. Điều này đã được minh chứng trong chiến dịch chống khủng bố của Quân đội Nga tại Syria. Tor-M2 đã đối phó hiệu quả với các mục tiêu UAV cỡ nhỏ và đạn rocket của các phần tử khủng bố khi chúng tấn công căn cứ Tartus và Hmeymim của Nga ở Syria.

Chính nhờ các màn trình diễn nói trên, năm 2019, Quân đội Nga đã quyết định đặt mua thêm các tổ hợp Tor-M2 và biến thể Tor-M2DT, phiên bản được tùy chỉnh để phù hợp hoạt động trong điều kiện vùng cực.

Khả năng chiến đấu vượt trội của Tor-M2

Nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, tính năng chiến đấu của phiên bản Tor-M2 tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu thế giới. Ở trạng thái chiến đấu, tổ hợp chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu bay thấp và có độ phản xạ radar thấp. Tor-M2 có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km và dẫn bắn vào 4 mục tiêu nguy hiểm nhất. Trong khi đó, kíp điều khiển chỉ có 2 người.

Cùng với đó, với các biến thể nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 đã giúp khả năng chiến đấu của Tor-M2 có thể vươn xa. Đạn tên lửa này được thiết kế để ngăn chặn các vũ khí tấn công chiến thuật chính xác cao và UAV. Hệ thống dẫn đường chính xác cao giúp Tor-M2 có thể tiêu diệt mỗi mục tiêu chỉ thị không quá 2 đạn tên lửa. Điều này giúp nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của từng xe phóng, cũng như của cả tổ hợp.

Xe phóng Tor-M2 khai hỏa đạn tên lửa đánh chặn. Ảnh: Rostec.

Mỗi xe phóng của Tor-M2 mang theo 16 đạn tên lửa chứa trong ống phóng kiêm khoang bảo quản. Phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1000m/giây, tương đương gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Một điểm đặc biệt nữa của Tor-M2 là khả năng phóng tên lửa khi hành tiến. Xe phóng Tor-M2 có thể phóng tên lửa khi đang di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động. Phiên bản Tor-M2 cũng nổi tiếng ở thời gian triển khai và thu hồi ngắn (khoảng 3 phút). Hiện tại, không có tổ hợp vũ khí phòng không nào trên thế giới có thể làm được điều này.

Tính năng kỹ-chiến thuật đã được minh chứng qua thực chiến

Như bất kỳ loại vũ khí nào cũng cần được hoàn thiện và khẳng định qua thực chiến, Tor-M2 cũng được “thử lửa” và hoàn thiện ở chiến trường Syria. Tại quốc gia Cận Đông này, Tor-M2 được hoạt động trong hệ thống phòng không hợp nhất, kết hợp với các tổ hợp S-400, S-300V4 và Pantsir-S1.

Theo Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Aleksandr Leonov, riêng trong năm 2020, các tổ hợp Tor-M2 tại Syria đã bắn hạ ít nhất 40 UAV của phiến quân tại Syria. Chính nhờ kết quả thử nghiệm ở Syria, Quân đội Nga đang phát triển biến thể hải quân của Tor-M2.

Đánh giá về tổ hợp Tor-M2, Tư lệnh Lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov khẳng định, đây là dòng vũ khí phòng không hiệu quả nhất để đối phó với UAV trong tác chiến.

Các tổ hợp Tor-M2 tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Rostec.

Để đối phó với chiến lược bầy đàn UAV trong tương lai, tổ hợp tên lửa Tor đang tiếp tục được nâng cấp và phát triển. Giám đốc Công ty cổ phần Kupol, Fanil Ziyatdinov cho biết, đơn vị đang nghiên cứu hai phương pháp đối phó với chiến thuật sử dụng UAV bầy đàn. Ở phương án đầu tiên, tổ hợp nâng cấp Tor-E2 với hệ thống điện tử mới đã được hoàn thiện vào cuối năm 2020. Phương án thứ 2 là phát triển thế hệ đạn tên lửa đánh chặn tầm ngắn mới. Chúng sẽ nhỏ và rẻ hơn để mỗi xe phóng có thể mang được nhiều đạn tên lửa hơn và đối phó hiệu quả hơn với chiến lược sử dụng UAV mới.

TUẤN SƠN (theo Rostec)