Xác minh nguồn gốc rượu khiến nhiều người tử vong tại TP.HCM

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:53, 11/10/2021

Nhiều ca tử vong được xác định do ngộ độc methanol tại TP.HCM những ngày qua. Có trường hợp, nạn nhân uống rượu trong 3 ngày liên tiếp.

Nồng độ methanol trong máu gấp 8 lần mức ngộ độc

Ngày 11/10, Bác sĩ CKII Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, hiện đang điều trị cho bệnh nhân H.K (51 tuổi) ngộ độc methanol.

Anh Lê Quang M., người nhà bệnh nhân H.K, cho biết, cả 4 người trong nhóm nhậu cùng ông K. đều phải cấp cứu tại các bệnh viện khác nhau.

“Hai người bạn nhậu của anh tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng và tử vong. Gia đình thấy vậy nên nghi ngờ do rượu và đưa anh tôi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. May mắn, anh ấy đã qua cơn nguy kịch”, anh M. cho biết.

xac-minh-nguon-goc-ruou-khien-nhieu-nguoi-tu-vong-tai-tp-hcm.jpg

Bệnh nhân hiện đang hồi phục dần sau khi ngộ độc methanol nghiêm trọng

Do TP vừa nới lỏng giãn cách, ông K. và những người bạn rủ nhau uống rượu trong các ngày 3, 4 và 5/10. Rượu có 2 nguồn gốc: do người quen chuyển từ Đồng Tháp lên và mua từ tiệm tạp hóa thuộc phường 4, quận 8 (TP.HCM).

“Gia đình chúng tôi rất mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ, giải quyết những cơ sở sản xuất rượu nguy hiểm như vậy”, anh M. bức xúc nói.

Trước đó, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 9 ca ngộ độc methanol trong 1 tuần. Đến nay, 2 ca tử vong tại bệnh viện, 3 ca xin về với tiên lượng rất nặng, 3 ca ổn định và xuất viện, 1 ca đang điều trị.

Hiện chưa xác minh được mối liên quan của các ca bệnh này.

Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân đều có nồng độ methanol trong máu, cao nhất là 404,82 mg/dl (trong khi ngưỡng gây ngộ độc là 50mg/dl)

Trong khi đó, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận đến 12 ca ngộ độc methanol chỉ trong vòng 1 tháng. Hầu hết nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương tim mạch, giãn huyết áp. 6 ca trong số đó đã tử vong, đa số là lao động nghèo.

Khẩn trương xác minh nguồn gốc rượu


Theo ghi nhận, các bệnh nhân phần lớn đến từ huyện Bình Chánh, quận 8, Bình Tân. Ngoài ra, còn có một số lao động nhập cư từ Vĩnh Long, Bạc Liêu lên ở trọ.

Xác nhận với phóng viên VietNamNet, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, Ban đã nhanh chóng vào cuộc, lấy thông tin từ những người tham gia uống rượu, đồng thời xác minh ngưồn gốc xuất xứ của rượu đã sử dụng.

“Chúng tôi sẽ thông tin khi xác minh đầy đủ và có kết quả cụ thể”, bà Phong Lan cho hay.

Thời gian qua, TP.HCM ít ghi nhận các vụ ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp. Trước tình trạng tăng bất thường số ca ngộ độc với số ca tử vong như hiện tại, các bệnh viện đã nhanh chóng có báo cáo Sở Y tế TP.HCM.

“Trước đây, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng có rải rác các ca ngộ độc rượu, nhưng chưa bao giờ ồ ạt như vậy. Những ca xin về đều vô cùng nguy kịch và khó qua khỏi”, bác sĩ Kim Thanh cho biết.

Các bác sĩ cảnh báo, ngộ độc methanol trong rượu chủ yếu gặp ở các loại rượu rẻ tiền, pha tạp chất, bán cho người lao động nghèo. Khi đó, chất chuyển hóa của methanol là acid formic gây rối loạn toan chuyển hóa và tổn thương nhiều cơ quan.

Bệnh nhân có thể bị mờ hoặc mù mắt vĩnh viễn, tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch… thậm chí có trường hợp xuất huyết não.

Trong 12 giờ sau uống rượu, bệnh nhân thường có triệu chứng ói mửa, nhức đầu, dễ nhầm lẫn với say rượu, sau đó, lơ mơ và dần hôn mê. Bệnh nhân chủ yếu nhập viện với tình trạng nghiêm trọng khoảng 24 giờ sau khi uống rượu.

Bệnh viện Thống Nhất nhận định, tình trạng ngộ độc rượu methanol nghiêm trọng và đột biến như trên là hiện tượng rất bất thường tại TP.HCM. “Nồng độ methanol trong máu của một số bệnh nhân cực kỳ cao”, một bác sĩ khẳng định.