Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê

Xã hội - Ngày đăng : 14:59, 11/10/2021

Trong khi hàng chục ngàn người lao động ở Đồng Nai ùn ùn kéo nhau về quê thì vẫn còn nhiều người chọn ở lại cùng doanh nghiệp và địa phương phục hồi sản xuất.

Ngược với tình trạng người lao động đổ xô về quê, nhiều công nhân dù kiệt quệ tài chính vì mất việc hơn 3 tháng qua vẫn đang cố gắng bám trụ ở Đồng Nai. Những người này cho rằng có về quê cũng khó kiếm được việc làm trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên họ quyết định ở lại để cùng địa phương phục hồi kinh tế.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 1

Hàng chục ngàn người lao động rời Đồng Nai về quê các tỉnh miền Trung, miền Tây và Tây Nguyên.

Quyết bám trụ vì về quê cũng không biết làm gì  

Anh Hồ Văn Em (quê Đồng Tháp) cùng nhiều công nhân khác đang thuê trọ ở phường Phước Tân, TP Biên Hoà. Trước khi Đồng Nai nới lỏng giãn cách, anh Em được nhiều đồng hương rủ về quê nhưng anh đều từ chối.

Làm công nhân tại Biên Hoà đã 3 năm qua, đến lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Em rơi vào tình cảnh hoang mang vì mất việc làm, lại sợ nguy hiểm bởi khu vực anh đang sống có nhiều F0.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 2

Anh Hồ Văn Em từ chối về quê, quyết định ở lại cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

“Lúc mất việc làm, tôi sợ lắm. Người ở quê khuyên tôi đưa cả nhà về quê nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết từ chối. Vì giờ ai cũng về thì lấy đâu ra công nhân làm việc cho nhà máy, doanh nghiệp nữa. Khó khăn đến đâu chỉ cần còn hy vọng là tôi quyết không từ bỏ, vì lúc mình đói khổ nhất mà chính quyền địa phương và công ty không bỏ rơi mình”, anh Em nói.

Trong khu trọ tồi tàn mà anh Em đang sống, còn có chị Nguyễn Thị Lương (quê Nghệ An). Khi Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, công ty của chị Lương đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Mất việc, không kiếm ra đồng nào suốt hơn 3 tháng qua, chị Lương phải tiêu nốt số tiền tiết kiệm ít ỏi mà đáng lý ra đã gửi về quê cho gia đình.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 3

Chị Nguyễn Thị Lương (áo cam) cho biết muốn ở lại cùng địa phương chung tay phục hồi sản xuất.

Chị Lương cho biết, những ngày qua tỉnh Đồng Nai có tổ chức hỗ trợ đưa người lao động về quê nhưng chị lựa chọn ở lại làm việc. "Vì vê quê giờ nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người thân. Thêm nữa, công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng đóng cửa. Tôi ở lại để đi làm. Về quê không biết làm gì kiếm tiền hết”, chị Lương nói.

Ngay khi được PV VTC News hỏi vì sao chị không về quê, bao người đã về rồi, chị Lê Thị Huế (quê Đồng Tháp) quả quyết nói: “Không về quê làm gì cả. Các công ty đang tuyển dụng trở lại, tôi muốn cùng địa phương chung tay phục hồi sản xuất”.

Trước khi Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội chị Huế đã xin nghỉ việc ở công ty cũ, khi chưa kịp xin việc làm mới thì xảy ra dịch bệnh. Mấy tháng qua, cả nhà chị Huế sống bằng sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 4

Dù cuộc sống khó khăn nhưng nhiều người lao động vẫn quyết bám trụ lại kiếm việc làm tại các công ty, khu công nghiệp.

Khi được hỏi vì sao không về quê mà lựa chọn ở lại dù bản thân không có việc làm, chị Huế cho biết, ở lại Đồng Nai cơ hội kiếm việc làm tại các khu công nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nếu ồ ạt về Đồng Tháp lúc này, chẳng những gây khó khăn cho công tác chống dịch của quê nhà mà còn có khả năng khiến người thân đối mặt với nguy hiểm. “Quê hương thì ai mà chẳng nhớ nhưng mạng sống mới là quan trọng nhất”, chị Huế nói.

Tạo điều kiện thuận lợi để công nhân đi làm trở lại

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu tháng 10 đến nay tỉnh Đồng Nai có trên 40.000 người lao động về quê. Điều này khiến hàng loạt công ty trên địa bàn đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng.

Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại phường Hóa An, TP Hiên Hòa) đã mở cửa hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 7/10/2021.

Theo kế hoạch, Công ty này có 1.500 công nhân ở các “vùng xanh”/tổng 16.000 công nhân được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai duyệt cho đi làm trở lại. Tuy nhiên, theo bộ phân nhân sự của Công ty, ngày đầu tiên, trong số 1.500 công nhân được đi làm trở lại thì chỉ có chưa đến 1.000 công nhân đến Công ty làm việc.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 5

Người lao động ùn ùn kéo nhau về quê, nhiều doanh nghiệp đang đối diện nguy cơ thiếu hụt nhân lực.

Đại diện Công ty TNHH Advanced Multitech (đóng tại huyện Nhơn Trạch) cũng cho hay, trong nhiều năm nay Công ty có trên 1.700 công nhân làm việc ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty chỉ giữ 200 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

Số công nhân còn lại nằm trong khu vực phong tỏa hoặc đã được hỗ trợ về quê ở các tỉnh. Hiện công ty đang lên kế hoạch bổ sung lại lực lượng lao động, đảm bảo cho kế hoạch sản xuất trong 3 tháng cuối năm 2021.

Bế tắc nhưng nhiều công nhân ở Đồng Nai vẫn bám trụ đến cùng, từ chối về quê - 6

Công nhân Công ty Pou Chen Việt Nam trong ngày đầu đi làm.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam cho biết, Công ty đang thiếu hụt lao động, nguyên nhân do chỉ có 1/5 tổng số công nhân của Công ty đang ở “vùng xanh” đủ điều kiện đi làm. Nhiều lao động đang muốn quay trở lại làm việc nhưng chưa đủ điều kiện vì còn nằm trong vùng phong toả, cách ly y tế.

“Thời gian tới, nếu việc sản xuất đi vào ổn định, công ty sẽ tuyển dụng thêm lao động ở những “vùng xanh” để đảm bảo nguồn lực và hoạt động sản xuất trong tình hình mới”, ông Dũng nói.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để công nhân sớm được đi làm. Đối với những công nhân đã về quê từ nhiều tháng trước và những ngày gần đây, phải chuẩn bị phương án tổ chức đón người lao động quay trở lại Đồng Nai sản xuất.

Đối với một số doanh nghiệp được phép sản xuất trở lại, không thể đủ điều kiện để đưa đón tất cả bằng xe ô tô, mà phải để người lao động tự đi bằng xe máy. Tuy nhiên, mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, chấp hành lộ trình đi từ nơi ở đến nhà máy làm việc và ngược lại.

“UBND tỉnh đã có chỉ đạo tập trung, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng là người lao động, để họ đảm bảo đủ điều kiện quay trở lại làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh” ông Dũng nói.

KHUẤT NGUYÊN

KHUẤT NGUYÊN