TP.HCM: còn hàng trăm chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại

Kinh doanh - Ngày đăng : 18:15, 10/10/2021

Còn hơn 200 chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn chưa thể mở cửa trở lại do chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương.

Theo ghi nhận đến ngày 8/10, có 3 chợ trên địa bàn TP.HCM hoạt động lại, gồm: chợ Tân Định (quận 1), chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) và chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú).

Như vậy, tính từ ngày 1/10 đến nay, toàn TP.HCM có 20 chợ tại một số địa bàn đã kiểm soát được dịch mở cửa hoạt động. Hầu hết các chợ này ưu tiên mở lại các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô. Một số ít chợ mở thêm ngành hàng tiêu dùng, quần áo.

Hiện chỉ có 34 chợ truyền thống tại TP.HCM mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: BCT

Nếu tính luôn 14 chợ tại Củ Chi, Cần Giờ không bị gián đoạn hoạt động trong suốt 4 tháng dịch COVID-19, hiện TP.HCM có 34 trong tổng số 234 chợ truyền thống hoạt động, bao gồm: 7 chợ loại một, 9 chợ loại hai, 18 chợ loại ba. Đa phần các chợ đều thực hiện nghiêm phương châm 5K và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tùy theo diễn biến dịch COVID-19 và tình hình thực tế tại từng địa phương mà các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xem xét đẩy nhanh tiến độ khôi phục hoạt động kênh phân phối truyền thống để bảo đảm việc lưu thông, phân phối hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các địa phương chỉ xem xét phương án mở cửa hoạt động với những chợ truyền thống bảo đảm an toàn phòng dịch.

Cùng với đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị và 2.901 cửa hàng tiện lợi (có thêm 6 cửa hàng hoạt động trở lại so với ngày 7/10/2021) để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Theo Bộ Công Thương, tại TP.HCM sức mua tại các hệ thống siêu thị trong ngày 7/10 giảm 10% so với ngày 6/10 và tăng 10% so với ngày thường. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu người dân.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 7/10 và sáng 8/10 giảm 2,7% so với ngày hôm trước, ước đạt 5.467,9 tấn/ngày. Trong đó lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 7/10 ước đạt 1.430 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).

Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh (trung bình từ 1.000 – 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm).

Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 8/10 tương đương so với ngày 7/10, ước đạt 1.100 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 440 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 660 tấn/ngày).

Xác định sự quan trọng của chuỗi cung ứng, TP.HCM đã, đang và sẽ triếp tục triển khai những biện pháp phòng chống dịch cao để bảo đảm an toàn cho khu vực này, góp phần phục hồi nhiều hoạt động và việc làm liên quan.

Tuy nhiên chính sách mở cửa giữa các địa phương chưa đồng bộ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ. TP.HCM vẫn duy trì chuỗi cung ứng ở mức cơ bản, đảm bảo đầy đủ những mặt hàng thiết yếu cho người dân.

TP.HCM cũng xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình dần tổ chức lại hoạt động cung ứng tại các chợ đầu mối và làm việc với các tỉnh thành, Hiệp hội để kết nối chuỗi cung ứng, đảm bảo xuyên suốt hơn.

20 chợ vừa mở cửa trở lại:

Quận 1: chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Đa Kao

Quận 5: chợ Vật tư, chợ Vật liệu xây dựng, chợ Hoà Bình, chợ An Đông, chợ Kim Biên

Quận 11: chợ Thiếc, chợ Phú Thọ, chợ Bình Thới

Quận 12: chợ Thạnh Xuân, chợ Tân Chánh Hiệp

Quận Bình Thạnh: chợ Bà Chiểu

Quận Bình Tân: chợ Kiến Thành, chợ Bà Hom, chợ Võ Thành Trang, chợ Bàu Cát

Quận Tân Phú: chợ Sơn Kỳ.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)