Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, VN-Index rộng đường tìm về đỉnh cũ
Kinh doanh - Ngày đăng : 21:02, 09/10/2021
Theo thống kế của VietTimes, tuần vừa qua (4/10 - 8/10/2021), có tới 18 trên 27 mã ngân hàng tăng giá, 1 mã đứng giá và 8 mã giảm giá.
Trong đó, SHB là cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng mạnh nhất tuần, với mức tăng 10,73%. Đây cũng là tuần giao dịch cuối cùng của SHB trên sàn HNX trước khi chính thức giao dịch trên sàn HoSE vào ngày 11/10 tới.
Sau SHB, cổ phiếu SSB của SeABank là mã tăng mạnh thứ hai với mức tăng 6% trong tuần vừa qua, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10 ở mức 38.000 đồng/cp.
Một số mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng đáng kể tiếp theo là OCB (tăng 5,92%), STB (tăng 4,9%), TCB (tăng 3,89%), LPB (tăng 2,44%), KLB (tăng 2,27%). Trong khi đó, VPB, VCB, MBB, BID chỉ ghi nhận mức tăng trên dưới 1%.
Sự khởi sắc của cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ bởi các tin tức về lợi nhuận quý 3/2021. Mới đây, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã công bố lợi nhuận ước tính quý 3/2021 của 8 ngân hàng. Trong đó, có tới 7/8 ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Cụ thể, TCB có thể lãi trước thuế 5.200 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% kể từ đầu năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của TCB ước đạt 16.700 tỉ đồng, tăng trưởng 56,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà băng khác được SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số như: ACB (tăng 13-15%); MBBank (tăng 10-12%); VPBank (tăng 14% lên 3.200 tỉ đồng); HDBank (tăng 15% lên 1.700 tỉ đồng).
Với VietinBank, SSI ước tính lãi trước thuế quý 3/2021 tăng nhẹ 3,3% lên 3.000 tỉ đồng, nhờ tăng trưởng tín dụng 6,5% và huy động vốn tăng 7,5% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 33,6% so với cùng kỳ, đạt 13.900 tỉ đồng.
Ngược lại, ngân hàng duy nhất được SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận âm là VIB.
Cụ thể, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3 của VIB đạt 1.300 - 1.400 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng dự báo đạt 5.500 tỉ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Là nhóm ngành có vốn hoá dẫn đầu thị trường, diễn biến của cổ phiếu ngân hàng sẽ có tác động lớn tới diễn biến của thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm 2021.
Trong báo cáo chiến lược thị trường công bố mới đây, SSI cho biết xu hướng ngắn hạn của VN-Index sẽ được xác nhận nếu chinh phục thành công kháng cự 1.360 điểm, khi đó chỉ số này có thể hướng tới các vùng mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.380 - 1.388 điểm.
Trong khi đó, nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại có phần thận trọng hơn. Đơn vị này cho rằng, tháng 10 - tâm điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 - sẽ là thời gian để thị trường thực sự đo lường mức độ tiêu cực của đại dịch đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Đối với ngành ngân hàng, chuyên viên của VDSC ước tính lợi nhuận trong quý 3 có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý 2/2021. Bức tranh nợ xấu cũng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.
“Chúng tôi vẫn duy trì dự báo nợ xấu và nợ được cơ cấu lại tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành, đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng”, VDSC nhận xét.
Theo VDSC, tính đến ngày 28/9/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 7,5%. Hiện nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới, và đây sẽ là động lực cho ngành ngân hàng trong quý cuối năm 2021./.