Hoàn thành nhiệm vụ, các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM sẽ lần lượt ngừng hoạt động

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:50, 09/10/2021

Các bệnh viện dã chiến Thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và tiến trình này dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 12/2021.

Ngừng hoạt động các bệnh viện Dã chiến

Trước những diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn, Thành phố đã liên tục có những kịch bản nhằm chủ động ứng phó với thực tế diễn biến dịch bệnh, nhanh chóng thiết lập các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo đó, tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, thành phố đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường được trưng dụng từ khu nhà tái định cư của thành phố, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng, với nhiệm vụ thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Sở Y tế TP.HCM nhận định, vai trò và chức năng của các bệnh viện dã chiến đã được khẳng định và không thể thiếu trong công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo cách ly điều trị các trường hợp F0 vừa góp phần giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19. Do đó, việc duy trì các bệnh viện dã chiến vừa là nhu cầu tất yếu trước mắt, vừa là một trong những chiến lược lâu dài trong tình hình mới. Tuy nhiên, do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư của thành phố, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài.

Trước tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư đi vào cuộc sống phục vụ người dân, ngành Y tế Thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Sẵn sàng lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến - Ảnh 2.

Lộ trình dự kiến dừng hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 tại TP.HCM

Theo đó, dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021, đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố trong thời gian qua, sẽ tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình.

Ngoài ra, bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).

Sẵn sàng hệ thống tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tuyến cơ sở

Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Sẵn sàng lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến - Ảnh 3.

Nhiều quận, huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 trên địa bàn

Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận, huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận, huyện giúp thu dung điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thành phố.

Sở Y tế TP.HCM đánh giá, mô hình bệnh viện dã chiến quận, huyện càng phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp cho các bệnh viện quận, huyện chuyển đổi trở lại công năng ban đầu để thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.

Hơn nữa, khi giải thể các bệnh viện dã chiến của thành phố, rất cần các bệnh viện dã chiến của quận, huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Tính đến ngày 08/10/2021, đã có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường. Theo kế hoạch, các quận, huyện còn lại sớm thành lập bệnh viện dã chiến, với quy mô từ 300 - 500 giường/bệnh viện, trong đó có 30 - 50 giường oxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện thành phố trên cùng địa bàn đảm trách. Đối với bệnh viện dã chiến quận, huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.

Mô hình bệnh viện đa tầng điều trị COVID-19

Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Sẵn sàng lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến - Ảnh 5.

Mô hình bệnh viện đa tầng điều trị COVID-19 sẽ được triển khai trong giai đoạn tới

Trong thời gian qua, mô hình tháp 3 tầng trong điều trị COVID-19 đã phát huy hiệu quả khi vừa đảm bảo tập trung, tối ưu hóa nguồn lực trong điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch nhưng đồng thời đảm bảo khả năng tiếp nhận, thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nhẹ, trung bình.

Song song với lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến, Sở Y tế TP.HCM cũng sẽ tham mưu triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng".

Theo chia sẻ từ Sở Y tế TP.HCM, mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" dự kiến sẽ được triển khai tại các bệnh viện dã chiến số 16, số 13 và số 14 tương ứng với các trung tâm hồi sức nằm kế cạnh. Các trung tâm hồi sức nêu trên sẽ sáp nhập với bệnh viện dã chiến số 16, số 13, số 14 trở thành các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng".

Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng". Các bệnh viện đảm trách trung tâm hồi sức sẽ chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho các y bác sĩ của các bệnh viện thành phố, quận, huyện trong thời gian luân phiên công tác tại các bệnh viện này.

Về tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 (thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế) khi các bệnh viện trung ương bàn giao lại cho Thành phố, Ngành Y tế TP.HCM cho biết, sẽ phân công các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Thành phố tiếp nhận và duy trì hoạt động các trung tâm hồi sức này.

Được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM sẽ tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (dự kiến tiếp nhận vào ngày 15/10/2021); Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến tiếp nhận vào ngày 20/10/2021).

Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố vận hành Trung tâm Hồi sức tại bệnh viện dã chiến số 14 cho đến cuối năm 2021, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận và vận hành trung tâm hồi sức này.

Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:


Phúc Võ