Đại dịch COVID-19: doanh nghiệp logistics Việt Nam “thức tỉnh”

Kinh doanh - Ngày đăng : 21:00, 07/10/2021

Đại dịch COVID-19 vừa qua các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã rút ra nhiều bài học quan trọng để tồn tại, phát triển, vượt qua đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Làng Công nghệ Logistics Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến chuyên ngành thứ hai mang tên “Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững”.

Doanh nghiệp logistics cần phải thay đổi để vượt qua đại dịch COVID-19 và tiếp tục phát triển. Ảnh: Trang Huyền

Logistics gặp khó vì đại dịch

Giữa những tác động của dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng liên tục bị đứt gãy cả ở thị trường quốc tế và nội địa. Ở nước ta, các loại hàng hóa chủ yếu được vận chuyển và đem đi tiêu thụ thông qua các huyết mạch giao thông. Những quy định phòng chống dịch tại nhiều điểm chốt đã khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều hạn chế, chuỗi cung ứng cũng vì vậy mà tắc nghẽn, các chuyên gia cho hay.

Mặt khác, khi nông sản muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cần phải được bảo quản bằng container lạnh hay các phương tiện đặc thù và nhiều yếu tố tác động khác đã gây tăng chi phí logistics, nhiều doanh nghiệp e ngại, làm giảm năng suất của chuỗi cung ứng hàng hóa, Bà Nguyễn Thị Thành Thực Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ.

Không chỉ chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả mà chính các doanh nghiệp logistics cũng chịu ảnh hưởng lớn. Trên thực tế, trong suốt thời gian 2 năm đại dịch vừa qua, ngoài các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì lực lượng logistics cũng hoạt động rất sôi động và đóng góp không nhỏ trong đại dịch. Các hoạt động góp phần vào công tác phòng chống dịch như: cung ứng vaccine, thực phẩm và nhu yếu phẩm tại những địa phương vùng dịch đều cần có lực lượng lao động của ngành logistics.

Sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 không kém là bao. Nhưng đến tháng 7, tháng 8 lại bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động. Mặc dù vậy, ngành logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch bệnh, ông Lê Duy Hiệp Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết.

Trong thời đại thay đổi liên tục, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuỗi cung ứng, trong lĩnh vực môi trường cũng như trong lĩnh vực xây dựng phát triển kinh tế dài lâu. Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thức tỉnh nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics đang tồn tại, nhiều công ty phải điều chỉnh hoạt động logistics của họ và cũng đặt ra những câu hỏi về sự bền vững của hệ thống logistics và chuỗi cung ứng, bà Megan Benger Giám đốc chuỗi cung ứng tại TMX Global cho hay.

Doanh nghiệp cần thay đổi, nỗ lực hơn

Đại dịch cũng mang lại cơ hội cho nền kinh tế khi các chuỗi cung ứng và hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chuỗi cung ứng cần phải được chuyển sang chuỗi cung ứng số và doanh nghiệp cũng cần thích nghi với vận hành chuỗi cung ứng mới đó.

Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào “trạng thái bình thường mới”, nhu cầu vận chuyển tăng vọt, các doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp sẽ ít nhiều cần thời gian để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh, các chuyên gia cho hay.

Đứng ở góc độ thương mại quốc tế, ông Bùi Huy Sơn Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Theo số liệu thống kê Hải quan mới mới nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với Mỹ ngày càng tăng. Để có thể đứng vững ở thị trường lớn và nhiều phức tạp như Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hết mình”.

Cao Cẩm Linh Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế: “Đầu tiên là nguồn lực tài chính. Thứ hai là nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao còn yếu và thiếu, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,... trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này. Thứ ba là năng lực quản trị toàn diện, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn. Thứ tư là năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng chuyển đổi số một cách kịp thời thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế. Thứ năm là năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà. Cuối cùng là năng lực về tuân thủ, doanh nghiệp muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế”.

Đối với hoạt động logistics nói chung, ông Lê Duy Hiệp cho rằng chính phủ cần điều chỉnh các quy định vận tải để giúp cho chuỗi cung ứng được thông suốt trong bối cảnh biến động hiện nay, hướng tới việc xây dựng “logistics đô thị” trong tương lai. Các doanh nghiệp logistics cũng kỳ vọng được cơ quan chính quyền hỗ trợ về hành lang pháp lý, thuế, trong giai đoạn khó khăn để có thể đảm bảo nhiệm vụ phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)