Tin thế giới 6/10: Nga-Mỹ lại đỏ mắt 'đấu' nhau; Pháp chọc giận Trung Quốc; ông Putin bóc mẽ nguyên nhân khủng hoảng năng lượng châu Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:46, 06/10/2021

Cuộc chiến thị thực Nga-Mỹ, căng thẳng Nga-Ukraine, vụ Navalny, khủng hoảng năng lượng châu Âu, vấn đề Đài Loan, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hạt nhân Iran là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 6/10: Nga-Mỹ lại 'đỏ mắt' nhìn nhau; Pháp chọc giận Trung Quốc; ông Putin bóc mẽ nguyên nhân khủng hoảng năng lượng châu Âu
Nga-Mỹ tiếp tục vướng vào cuộc chiến thị thực chưa biết hồi kết. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFPF)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Mỹ "đỏ mắt" vì cuộc chiến thị thực

Ngày 5/10, các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đã kêu gọi Washington cân nhắc trục xuất 300 nhân viên ngoại giao Nga nếu Moscow không cấp thêm thị thực cho các nhân viên Đại sứ quán Mỹ.

Các nghị sĩ Mỹ cho hay, tình trạng bất cân xứng về đại diện ngoại giao hiện nay là không thể chấp nhận được khi hiện chỉ có khoảng 100 nhân viên ngoại giao nước này đang làm việc ở Nga theo sắc lệnh hạn chế của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin trong khi có tới 400 nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc ở Mỹ.

Ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, đề xuất trên của các nghị sĩ Mỹ sẽ dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Nga, nếu đề xuất này được thực hiện.

Hãng Interfax đưa tin: "Những người đề xuất các bước đi như vậy rõ ràng đang thúc đẩy việc đóng cửa các cơ quan của Mỹ ở Nga. Họ phải hiểu rằng, trách nhiệm về việc này sẽ thuộc về họ".

Theo bộ trên, Moscow không có số lượng nhiều nhà ngoại giao như vậy ở Mỹ và đề xuất này dường như bao gồm cả các nhân viên ngoại giao trong phái bộ của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ).

Đề xuất của lãnh đạo các ủy ban đối ngoại và tình báo Thượng viện Mỹ đánh dấu sự leo thang căng thẳng kéo dài giữa Moscow và Washington về số lượng các nhà ngoại giao mà họ có ở các nước của nhau. (Reuters)

Nga-Ukraine: Kiev tung đòn trừng phạt, Moscow khuyên nên làm điều này

Ngày 5/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh trừng phạt 95 công dân của nước này và Nga liên quan tiến trình tổ chức bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga tại Crimea; trừng phạt 7 sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga mà Kiev cho rằng, có liên quan vụ đầu độc nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny.

Trong một tin khác liên quan quan hệ Nga-Ukraine, ngày 6/10, tại phiên họp của Ủy ban thứ nhất (về Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế) của Đại hội đồng LHQ, đại diện phái đoàn Nga Denis Lozinsky cho rằng, Kiev nên ngừng tìm kiếm những kẻ thù bên ngoài và bắt đầu thực hiện các cam kết theo thỏa thuận Minsk ở miền Đông Ukraine.

Nhận định việc miễn cưỡng dừng hoạt động quân sự ở miền đông Ukraine khiến tình hình an ninh trong toàn khu vực ngày càng xấu đi, nhà ngoại giao Nga cho rằng, thay vì cố gắng miêu tả Nga là "người chịu trách nhiệm cho tình hình thảm khốc hiện nay, Kiev nên bắt tay vào giải quyết các vấn đề đã tích tụ trong nước".

Ông Lozinsky kêu gọi chính phủ Ukraine "nhận thức đầy đủ những hậu quả tiêu cực đối với dân cư và cơ sở vật chất" trong các cuộc xung đột ở miền Đông nước này. (TASS)

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Ông Putin bóc mẽ nguyên nhân, Nga vạch ranh giới

Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã gây ra sự hỗn loạn và bối rối ở các thị trường châu Âu khi giá khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Nhà lãnh đạo Nga nói: "Tại sao lại xuất hiện sự hỗn loạn và bối rối trên thị trường? Bởi không ai xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Một số đang suy đoán về các vấn đề biến đổi khí hậu, một số đánh giá thấp vấn đề, còn một số khác đang bắt đầu cắt giảm đầu tư vào các ngành công nghiệp khai thác".

Trong khi đó, ngày 6/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, chỉ "những người nghiệp dư" mới cho rằng, Nga có lỗi trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Quan chức này khẳng định: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng Moscow không có lỗi về tình hình thị trường khí đốt ở châu Âu, điều này là không thể tưởng tượng được. Nga đã, đang và sẽ hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng hiện có một cách nhất quán và triệt để.

Thư ký báo chí Điện Kremlin lưu ý, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là một số yếu tố chồng chéo, trong đó có những diễn biến kinh tế hiện tại như sự phục hồi sau đại dịch, sự gia tăng tiêu thụ năng lượng, các vấn đề liên quan cơ sở lưu trữ khí đốt, cũng như sự sụt giảm đáng kể trong việc tạo ra năng lượng gió ở châu Âu.

Cùng ngày, một nhà báo của Bloomberg đã đăng lên Twitter cá nhân rằng, 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Tây Ban Nha, Czech, Romania và Hy Lạp đề nghị điều tra nguyên nhân khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng cao kỷ lục.

Theo bản sao tuyên bố không đề ngày tháng mà nhà báo này đăng tải, 5 quốc gia trên cũng kêu gọi đưa ra các quy tắc mua khí đốt chung để giảm giá vốn đang tăng mạnh, đồng thời hối thúc sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc mua khí đốt để tăng sức mạnh thương lượng chung. (TASS)

Vấn đề Đài Loan: Pháp có hành động chọc giận Trung Quốc, Tổng thống Mỹ ra thông báo

Ngày 6/10, một phái đoàn nghị sĩ Pháp do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard dẫn đầu đã tới thăm Đài Loan. Dự kiến phái đoàn sẽ có cuộc thảo luận với người đứng đầu chính quyền bán đảo này Thái Anh Văn bất chấp phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc.

Trong các bình luận gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo, chuyến thăm này sẽ làm tổn hại lợi ích của Bắc Kinh cũng như mối quan hệ song phương Pháp-Trung và "hình ảnh của Paris".

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc, cho rằng các nghị sĩ có quyền tự do đưa ra quyết định của riêng mình về các kế hoạch đi lại.

Trong diễn biến khác liên quan vấn đề Đài Loan, ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, ông đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận liên quan đến vùng lãnh thổ này.

Tổng thống Mỹ nói rõ: “Chúng tôi nhất trí rằng, chúng tôi sẽ tuân thủ thỏa thuận Đài Loan. Tôi đã nói rõ, tôi không cho là ông Tập nên thực hiện bất kỳ hành động nào khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận này”.

Theo Reuters, ông Biden dường như đang đề cập "chính sách Một Trung Quốc" mà Washington vẫn ủng hộ lâu nay cùng Đạo luật Quan hệ Đài Loan. (AFP, Reuters)

Vụ Navalny: 45 quốc gia phương Tây gửi tối hậu thư yêu cầu Nga trả lời

Ngày 5/10, một nhóm gồm 45 quốc gia - trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Canada - thông báo với hội đồng điều hành của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) rằng, các quốc gia này sẽ chính thức đưa ra những câu hỏi đối với Nga về vụ đầu độc ông Navalny theo Điều 9 của Công ước Cấm Vũ khí hóa học (CWC).

Moscow có 10 ngày để giải đáp và phải thông báo cụ thể về những bước triển khai nhằm điều tra và làm sáng tỏ hành vi sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Nga.

Ngày 6/10, Đại sứ quán Nga tại Mỹ khẳng định, Moscow luôn giữ cam kết với CWC và đã tiêu hủy toàn bộ các kho dự trữ quốc gia chứa các chất độc chiến trường vào năm 2007. Theo cơ quan đại diện Nga, chính Washington mới là bên không phá hủy kho vũ khí hóa học của họ.

Đại sứ quán Nga cũng nêu rõ, ngay từ đầu, cái gọi là "vụ việc đầu độc Navalny" là cáo buộc vô căn cứ của phương Tây. (AFP, TASS)

NATO lo ngại suy yếu sau AUKUS và ý tưởng độc lập quốc phòng của EU

Ngày 5/10, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, ý định thành lập một lực lượng quân sự riêng của EU, độc lập với NATO, đặc biệt là sau sự ra đời của AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ) sẽ làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định nhất trí rằng, bất kỳ sáng kiến an ninh mới nào cũng không nên mang tính chất cạnh tranh với NATO.

Liên quan AUKUS, tại cuộc họp của Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng LHQ, đại diện của Australia tuyên bố, liên minh này sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong vòng 18 tháng tới.

Nhà ngoại giao này nói thêm, Australia vẫn chủ trương giữ vững vị thế là một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, phù hợp với các cam kết của nước này theo OPCW. (Reuters, Sputnik)

Mỹ-Iran: Niềm tin của chính quyền ông Biden, Nga ra mặt nói giúp Washington

Ngày 5/10, Nhà Trắng dẫn phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định với người đồng cấp Israel Eyal Hulata rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden tin tưởng ngoại giao là cách tốt nhất để đảm bảo Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, cố vấn Sullivan cũng nhấn mạnh, Tổng thống Biden “đã nêu rõ nếu giải pháp ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ sẵn sàng chuyển sang các lựa chọn khác”.

Ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) trong một cuộc điện đàm cùng ngày.

Cũng liên quan JCPOA, cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian, ông Lavrov cho biết, ông muốn thảo luận về các cơ hội để thúc đẩy tiến trình nối lại toàn diện JCPOA "mà không có bất kỳ sự miễn trừ hoặc bổ sung nào". (Sputnik, TASS)

Hoàng Hà