Nhói lòng nghe cô thầy hỏi thăm trò F0: “Em đã khoẻ hơn chưa?”
Xã hội - Ngày đăng : 16:35, 06/10/2021
Giáo viên vất vả hơn dạy trực tiếp
Sau một tháng thầy trò vùng dịch TP.HCM tiến hành năm học mới theo phương thức trực tuyến, thông tin từ các giáo viên cho biết vẫn còn nhiều gia đình cho các con về quê kỳ hè chưa kịp quay lại TP.HCM, vướng cảnh khóc dở mếu dở khi ở quê thiếu thiết bị, gia đình có mấy người con giờ đều học online thì không có điều kiện đầu tư. Thậm chí, đến cả vở, bút viết cũng không có đủ, vì tình hình giãn cách, nhiều học sinh phải chép tất cả các môn vào một quyển vở duy nhất.
Dạy học qua internet, theo giáo viên cho biết, thầy cô vất vả hơn rất nhiều. Để có những tiết học trực quan, sinh động, các thầy, cô giáo phải chịu khó mày mò, đầu tư công sức trong chuyên môn, kỹ thuật dạy học; soạn lại bài giảng, làm các file minh hoạ sinh động nhất để học trò có thể tiếp thu kiến thức.
Với các môn như khoa học, công nghệ, tiếng Anh, tiếng Pháp… thì dù sao thầy cô giảng dạy các môn này cũng thường xuyên sử dụng các phương tiện hỗ trợ media, nhưng với các môn học lúc bình thường chỉ có thể dạy trực tiếp, như môn thể dục chẳng hạn, thì thầy cô thực sự vất vả với việc soạn giáo án theo phương pháp giáo dục mới.
Kiểm soát học sinh trên lớp trực tuyến được các thầy cô phản ánh, khó khăn hơn trên lớp trực tiếp nhiều. Chỉ một quy định là toàn bộ học sinh đều phải mở camera để thầy cô quản lý lớp học, nhưng nhiều học sinh vẫn chủ động tắt camera, vì nhiều lý do, một số em muốn đứng lên uống nước, hoặc thậm chí chưa kịp ăn sáng do giờ học bắt đầu khá sớm, từ 7 giờ sáng mỗi ngày; một số em chưa quen với việc camera cứ đưa hình ảnh mặt mình lên màn hình, và còn tuỳ từng lứa tuổi, nên thầy cô không thể quá khắt khe với học sinh ở lứa tuổi “ô mai”, các em còn chưa thành người lớn.
Cô trò cùng cố gắng với hình thức học trực tuyến giữa vùng dịch TP.HCM. Ảnh: Bình Minh |
Giáo viên các trường cho biết, vất vả nhất là các lớp đầu cấp vì học sinh đổi môi trường mới, chưa quen thực hiện kỷ luật. Mà khi camera bật hết, thì một vài ngày thầy cô lại phải xử lý một “vụ việc”, có bạn cởi trần ngồi trước máy tính, cô phải nghiêm khắc nhắc nhở em mới đi mặc đồ; có bạn văng tục ngay trong cửa sổ chat của lớp, cô phải lập biên bản, làm việc với phụ huynh, nhưng không thể tắt cửa sổ chat của mọi tiết học vì nhiều lúc học sinh vẫn phải phản hồi tới cô, nhất là những khi cô cho câu hỏi trả lời qua văn bản.
Vừa kiểm soát chất lượng bài giảng của mình, vừa phải quan sát, kiểm soát mấy chục học sinh qua màn hình, nhiều cô giáo “đuối” luôn bởi sáng cô phải dậy từ 5h30 bật máy lên, vào mạng quản lý học sinh để mạng chạy ổn định, rồi mới quay ra làm đồ ăn sáng cho gia đình. Cô vào lớp dậy học lúc 7 giờ kém 15 mỗi sáng trong khi chính các con cô cũng đang ở nhà, có đứa cũng phải học online, có đứa nhân lúc mẹ dạy học lo “quậy” tanh bành mỗi ngày.
Học trực tuyến, tất tần tật phương pháp dậy và học của thầy và trò đều thay đổi. Cách cô đăng bài mẫu, bài giảng lên trang quản lý học tập, nếu học sinh không chú ý sẽ không thể bắt kịp; cách tiến hành làm bài kiểm tra, nộp bài kiểm tra, nộp bài tập đều thay đổi, khác hẳn so với học trực tiếp. Mỗi bài kiểm tra, thầy cô đều rất đau đầu khi đúng ngày kiểm tra thì mạng lại lỗi, học sinh không nộp được bài. Có lớp 40 học sinh thì chỉ 30 em nộp được bài, cô phải soạn lại câu hỏi kiểm tra, chuyển 10 em chưa thực hiện bài sang một tiết kiểm tra khác.
Bài giảng môn thể dục được giáo viên chuẩn bị với nhiều video minh hoạ về các môn thể thao khác nhau. Ảnh: Hoà Bình |
Nhói lòng “Em đã khoẻ hơn chưa?”
Rất nhiều trường trên địa bàn TP.HCM, thầy cô giáo đã trở thành F0 trong đợt lây nhiễm bùng phát mạnh vừa rồi. Một số lớp, thầy cô đang dậy thì trở thành F0 và phải ngừng dạy, nhà trường điều phối giáo viên khác dạy thay. Một số thầy cô là F0 nhưng thể nhẹ nên vẫn ráng online dạy học trực tuyến mỗi ngày.
Rất nhiều học sinh cả gia đình cùng là F0, được đưa đi điều trị ở các bệnh viện khác nhau. Thầy cô biết có học trò F0 trong lớp nào thì những câu hỏi nhói lòng mà sáng nào học trò vùng dịch cũng được nghe cô thầy hỏi là: “Em đã khoẻ hơn chưa?”; “Em có ăn được đồ ăn trong khu cách ly không? Nhà em có ai âm tính chưa?”
“Dạ cô! Em ăn được ạ. Ba chị em em thì âm tính rồi, nhưng ba mẹ em thì chưa ạ!” – Những câu hỏi của giáo viên và câu trả lời của học sinh khiến người nghe nhói lòng, bởi khi cả gia đình cùng mắc, đi điều trị cách ly F0 trẻ em và F0 người lớn là những bệnh viện khác nhau.
Thầy cô và học sinh vùng dịch TP.HCM đã cùng nhau đi qua một tháng đầu tiên của năm học 2021-2022 vô cùng đáng nhớ. Nhiều thầy cô và học sinh là F0. Nhiều người đã vượt lên bệnh tật, ráng online để truyền thụ kiến thức đến học sinh.
Buổi họp phụ huynh đầu tiên của năm học 2021-2022 cũng được tiến hành trực tuyến trong vùng dịch TP.HCM. Ảnh: Bình Minh |
Các bé là F0 hầu hết cũng ở thể nhẹ nên vẫn tham gia học trực tuyến. Tuy giờ giấc ăn uống trong khu cách ly có khác một chút so với điều kiện ở nhà, không có ba mẹ lo lắng, chăm sóc, chuẩn bị cho các em, nhưng các em trưởng thành hơn, biết tự lập, tuân thủ kỷ luật, theo học đều đặn, làm bài kiểm tra đầy đủ. Một số học sinh F0 còn rất được bạn cùng lớp tín nhiệm, bầu làm tổ trưởng các tổ học tập chuyên môn, dù thầy cô đã nhắc nhở các bạn hãy chọn thêm người khác để phụ giúp công việc cho bạn F0 đang điều trị chưa được về nhà.
Nhịp sống của vùng dịch TP.HCM đang dần trở lại bình thường mới, với sự chấp nhận và vượt lên trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn trước rất nhiều. Trong bình thường mới của vùng dịch, có nỗ lực lớn của đội ngũ giáo viên và học sinh, đang từng ngày miệt mài trải qua những bài tập, bài thi.