Sức mạnh hải quân “đáng gờm” của Thổ Nhĩ Kỳ

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:00, 04/10/2021

Dù không được nhắc nhiều trên báo chí như các cường quốc quân sự lớn trên thế giới, nhưng những năm gần đây, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ngày một phát triển và được coi là mạnh nhất khu vực.

Đâu là lý do khiến hải quân Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh mẽ đến như vậy? Đó là nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Trên thực tế, nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều của cộng đồng quốc tế.

Một lực lượng không thể ngăn cản

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Hàng hải thuộc Đại học Haifa của Israel, những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh hải quân của mình đến mức lực lượng này được coi là hải quân nước xanh – tức là có thể tác chiến hữu hiệu ở hải phận quốc tế.

TCG Anadolu - tàu sân bay hạng nhẹ. Ảnh: Công ty đóng tàu Sedef

Báo cáo của trung tâm nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực nâng cấp hạm đội tàu ngầm và gia tăng mối đe dọa với đối thủ tiềm tàng, đồng thời nêu bật khả năng tấn công ngày càng cao và năng lực can thiệp của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo cáo, việc chế tạo Anadolu - tàu tấn công đổ bộ có thể hoạt động như một tàu sân bay hạng nhẹ, sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ khả năng tác chiến chưa từng có ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.

TCG Anadolu, theo trang Naval-technology, là tàu sâu bay nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp gia tăng đáng kể khả năng tác chiến của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Được đặt tên theo bán đảo Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ, tàu có lượng choán nước đầy tải là 27.436 tấn, thủy thủ đoàn gồm 261 người, trong đó có 30 sĩ quan, 59 thủy thủ và 49 hạ sĩ quan. Tàu có không gian chứa máy bay rộng 900m2. Đặc biệt, tàu có thể hỗ trợ tác chiến quân sự đường dài và dài ngày cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, tàu có thể vận hành liên tục 9.000 hải lý mà không cần tiếp liệu.

Ngoài hệ thống quản lý tác chiến GENESIS-ADVENT của Thổ Nhĩ Kỳ, tàu sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phóng bẫy và nhiễu; hệ thống giám sát và trinh sát quang điện tử SeaEye-AHTAPOT; hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại PIRI.

Báo cáo nhấn mạnh: “Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tự sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự, bao gồm cả tên lửa hành trình với tầm bắn hàng trăm km. Nhìn chung, Ankara đã và đang chuyển sang tự sản xuất các khí tài hải quân và dựa vào chuyên môn của Đức để đóng tàu ngầm và các loại tàu khác”.

Biến khủng hoảng thành cơ hội

Một trong những đặc điểm nổi bật của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và nền công nghiệp quốc phòng nước này là khả năng chống trả trước nghịch cảnh. Thổ Nhĩ kỳ đã có phản ứng nhanh chóng trước quyết định của Hoa Kỳ loại bỏ nước này khỏi dự án chiến đấu cơ F-35 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Theo đó, Ankara tập trung điều chỉnh kế hoạch và phát triển các giải pháp mới cho Anadolu.

Trước đây, Anadolu được thiết kế để vận hành máy bay chiến đấu F-35 JSF nên không thích hợp cho việc cất hạ cánh thông thường của dòng máy bay cánh cố định. Vì vậy, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc chuyển đổi con tàu này thành tàu sân bay dành cho máy bay vũ trang không người lái.

Theo Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành Hãng sản xuất máy bay không người lái Baykar, công ty đang phát triển một loại máy bay vũ trang không người lái (UCAV) mới sẽ hạ cánh và cất cánh thành công trên tàu LHD Anadolu. Kế hoạch của hải quân là đảm bảo rằng ít nhất 10 máy bay không người lái có vũ trang có thể tác chiến đồng thời từ tàu sân bay.

Hürjet là loại máy bay huấn luyện nhưng có thể mang tên lửa và các hỏa lực khác. Ảnh: dailysabah

Ismail Demir, Trưởng đoàn Chủ tịch công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về sử dụng máy bay không người lái có vũ trang trên tàu. Theo Demir, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai “Hürjet”, một loại máy bay do Công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) thiết kế dành cho huấn luyện nhưng có thể mang tên lửa và các loại hỏa lực khác, trên tàu LHD Anadolu. Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập vấn đề này với TAI.

Ông Demir cũng tiết lộ: “Chúng tôi đang thay đổi thiết kế của Hürjet để phối hợp vận hành với khí tài hải quân. Chúng tôi đã thực hiện nhiều thiết kế và làm các mô hình khác nhau. Thiết kế hiện nay đang đi theo hướng này. Các nghiên cứu cũng đang được thực hiện. Mục đích là biến Hürjet thành chiếc máy bay có thể vận hành từ tàu TCG Anadolu”.

Vừa đáp ứng nhu cầu trong nước…

Một trong những yếu tố chính trong kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ là Dự án tàu ngầm kiểu mới, liên quan đến việc chế tạo 6 tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) Type-214 mới theo hợp đồng ký với ThyssenKrupp Marine Systems của Đức vào năm 2009. Chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc này, Pirireis, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Tiếp đó, mỗi năm, một chiếc tàu ngầm lớp này sẽ đi vào hoạt động cho đến hết 2027. Dự án có sự tham gia của nhiều nhà thầu quốc phòng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ như Aselsan, Havelsan, MilSOFT và Defense Technologies Engineering and Trade Inc (Tập đoàn công nghệ, kỹ thuật và thương mại quốc phòng).

Chiếc tàu ngầm Pirireis dự kiến sẽ vào hoạt động vào năm 2022. Ảnh: navalnews

Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ kế hoạch hạ thủy ULAQ, tàu mặt nước không người lái có vũ trang đầu tiên của mình. Tàu có tầm hoạt động 400km và đạt tốc độ lên đến 35 hải lý/giờ. ULAQ là sản phẩm hợp tác của hai công ty quốc phòng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ là Ares Shipyard và Meteksan Defense. Tàu dài 11 mét, tốc độ 35 hải lý/giờ, có khả năng tác chiến ban ngày lẫn ban đêm. Với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc được mã hóa, tàu có thể được điều khiển từ các phương tiện di động, tàu sân bay hay tàu khu trục nhỏ.

Cùng với những điểm mạnh riêng, việc sử dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI) khiến tàu có khả năng được sử dụng cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo - giám sát - trinh sát (ISR), tác chiến đối hải, tác chiến trong chiến tranh phi tuyến tính, hộ tống và bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược. Tàu có thể thực hiện các hoạt động chung với các máy bay không người lái và được trang bị hệ thống tên lửa Cirit và L-UMTAS do Roketsan sản xuất.

Clip tàu mặt nước không người lái có vũ trang đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hải quân nước này có kế hoạch đưa vào biên chế 24 tàu mới, trong đó có 4 khinh hạm. Đây là một phần kế hoạch tăng cường sức mạnh và hỗ trợ nền công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul (F-515), hạ thủy hồi tháng 1 năm nay và được phát triển theo Dự án tàu quốc gia (MILGEM), là khinh hạm đầu tiên và lớn nhất được Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế và sản xuất trong nước. 75% vật liệu đóng con tàu này là hàng nội địa, trong khi các tàu hộ tống lớp Ada sẽ được chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa là 72%. Các kinh hạm và tàu hộ tống đa nhiệm sẽ được trang bị tên lửa đối hạm tầm xa Atmaca có độ chính xác cao do nhà thầu quốc phòng Roketsan chế tạo. Tên lửa Atmaca có thể được sử dụng trên tàu tuần tra, khinh hạm và tàu hộ tống. Với tầm bắn hơn 200km, Atmaca là mối đe dọa đối với các mục tiêu ngoài tầm nhìn và sẽ thay thế tên lửa chống hạm Harpo của Mỹ.

Istanbul (F-515) - khinh hạm đầu tiên và lớn nhất mang thương hiệu Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: turkishdefencenews

...vừa đáp ứng nhu cầu quốc tế ngày một tăng

Sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và sự tinh vi về công nghệ của các loại vũ khí do các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã thu hút sự chú ý của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Với việc xuất khẩu hơn 130 tàu quân sự sang các nước như Ai Cập, Malaysia, Indonesia, Qatar và Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một sự thay thế khả thi cho các quốc gia đóng tàu quân sự lâu đời khác.

Tháng 7 năm 2018, Hải quân Pakistan đã ký một hợp đồng lớn mua 4 tàu hộ tống lớp MILGEM của Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc đầu tiên dự kiến được chuyển giao cho Hải quân Pakistan vào năm 2023. Ba chiếc còn lại sẽ được bàn giao trước năm 2025. Hai trong số 4 tàu hộ tống sẽ được đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Karachi Shipyard & Engineering Works ở Pakistan.

Một chiếc tàu hộ tống lớp MILGEM do Thổ Nhĩ Kỳ đóng cho Hải quân Pakistan. Ảnh: dailysabah

Tháng 12-2020, Hải quân Ukraine cũng đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất các tàu hộ tống lớp Ada tại nhà máy đóng tàu Okean ở Mykolaiv, Ukraine.

Một dự án tiềm năng khác có liên quan đến Philippines, quốc gia đang tìm cách hiện đại hóa hải quân thông qua việc mua lại các nền tảng với trang thiết bị và hệ thống quản lý tác chiến hiện đại. Hải quân Philippines đang trong tiến trình loại biên những khí tài đã “có tuổi”, trong đó có những khí tài đã đưa vào biên chế sử dụng 50 năm trước. Nhận thấy cơ hội đầy tiềm năng này, Tổng công ty Quản lý Nhà máy quân sự và Nhà máy đóng tàu (ASFAT) - nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, đã có buổi tiếp phái đoàn cấp cao Philippines trong chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong chuyến thăm, theo Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, Tư lệnh Hải quân Philippines, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh khả năng quốc phòng của đất nước và các công nghệ tiên tiến mà Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển trong những năm gần đây.

Phó Đô đốc Bacordo cho biết ASFAT rất quan tâm đến việc cung cấp các giải pháp năng lực và công nghệ quốc phòng, đồng thời tham gia các dự án mua sắm tàu hải quân và các khí tài quân sự khác đang trong kế hoạch của Philippines. Điểm mạnh của công ty chính là năng lực đóng tàu đã được kiểm chứng và thâm niên hàng thế kỷ, sự bảo đảm về chất lượng cũng như dịch vụ hỗ trợ logistics lâu dài.

MAI HƯƠNG (Theo Asian Defense Technology, Military Hardware, Naval Technology)