Tình báo Pakistan và sự thật ngã ngửa sau 6 năm: Cú ‘honeypot’ từ kẻ mạo danh

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:30, 03/10/2021

Từ câu chuyện đóng giả làm sĩ quan Ấn Độ để thu hút sự chú ý của phụ nữ cho đến khi bị đưa vào mạng lưới gián điệp dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp cho Jitendra Singh.
Tình báo Pakistan và sự thật ngã ngửa sau 6 năm: cú ‘honeypot’ từ kẻ mạo danh
Từ câu chuyện đóng giả làm sĩ quan Ấn Độ để thu hút sự chú ý của phụ nữ cho đến khi bị đưa vào mạng lưới gián điệp dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp cho Jitendra Singh. (Nguồn: Tình báo quân đội Ấn Độ)

Hiền lành, thân thiện và sống ẩn dật. Đây là cách người dân khu vực Jolly Mohalla, thành phố Bengaluru (bang Karnataka, Ấn Độ) mô tả về Jitendra Singh, 24 tuổi. Anh ta đã bị giới chức Ấn Độ bắt giữ vào một ngày đẹp trời giữa tháng 9 với tội danh làm gián điệp cho một tổ chức nước ngoài.

Cuộc đột kích của Chi cục Tội phạm trung ương (CCB) và Tình báo quân đội Ấn Độ (MI).

Theo các nguồn tin của MI, từ năm 2016, Jitendra Singh đã bắt đầu đóng giả làm học viên sĩ quan Ấn Độ và đăng hình ảnh trên mạng xã hội với mục tiêu ban đầu là thu hút sự chú ý của phụ nữ. Khi ấy, Jitendra - một người bán quần áo đã tìm đến một cửa hàng đồ cũ của các cựu binh ở Rajasthan để mua bộ quân phục đầu tiên.

Thậm chí, anh ta còn biết chính xác quy định mặc trang phục quân đội và vị trí đeo từng loại huy hiệu khác nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh sĩ quan trên mạng xã hội của Jitendra đã thu hút sự chú ý của Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan (ISI).

Và từ đó, cuộc đời Jitendra chính thức bước sang một chương mới mạo hiểm hơn, khó lường hơn.

Các nguồn tin từ phía cảnh sát và quân đội Ấn Độ cho hay, vào tháng 3/2016, một phụ nữ tên là ‘Pooja Ji’ đã liên hệ với Jitendra qua mạng Facebook. Cô ta nói rằng đang sống ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, nhưng địa chỉ IP được tìm kiếm sau đó lại ở Karachi, Pakistan.

Thời điểm ấy, Jitendra đang sống ở Bengaluru, chuyên phân phối áo sơ mi cho những người bán hàng rong ở khu vực Chicpet. Tuy nhiên, ISI lại thực sự tin rằng anh ta là một quân nhân và không hề nghi ngờ về các hình ảnh anh ta đăng tải trên mạng xã hội.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2021, Jitendra vẫn tiếp tục đăng tải ảnh chụp tự sướng mặc quân phục và đeo quân hàm đại tá.

Các nguồn tin từ quân đội nói rằng ‘Pooja’ đã đưa cho anh ta tiền để đổi lại thông tin tình báo.

Từ quan điểm của ISI, đây là một hoạt động “honeypot” thành công bởi lẽ các nguồn tin đều cho biết họ đã bị kẻ mạo danh này thu hút.

Các quan chức thực thi pháp luật phát hiện các bằng chứng cho thấy Jitendra đã theo dõi sự di chuyển của xe tăng quân đội Ấn Độ ở Barmer, lập danh mục thay đổi các chốt bảo vệ tại Pokhran, chụp ảnh các căn cứ tiền phương tại Longewala và thậm chí chụp ảnh các địa điểm nhạy cảm khác trên khắp đất nước, bao gồm cả ở Delhi.

Hồ sơ cũng cho thấy anh ta thường xuyên bay đến nhiều thành phố khác nhau trong nước.

Cho đến tháng 7/2021, MI mới tìm ra Jitendra khi các mạng lưới gián điệp do ISI thiết lập bị đánh sập ở một vài địa điểm trên cả nước.

Phía quân đội cho biết, họ đã có thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa Jitendra và mạng lưới này trong vụ việc gần đây. Khi đó, một nhân viên bị bắt ở Ludhiana vì đang gửi tài liệu nhạy cảm qua WhatsApp cho một người tên là ‘Neha’ và tài khoản này sử dụng cùng một số điện thoại với ‘Pooja’.

Ông Sandeep Patil, Phó Cảnh sát trưởng Bengaluru (phụ trách tội phạm) cho biết họ có bằng chứng để buộc tội Jitendra theo Đạo luật Bí mật chính thức Ấn Độ, cùng với đó là tội sở hữu trái phép một bộ quân phục theo Mục 120B trong Bộ luật Hình sự Ấn Độ.

Mỹ Lệ