Ngày đầu TP.HCM mở cửa trở lại: siêu thị ‘đắt khách’, chợ truyền thống vẫn chưa mở
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:00, 01/10/2021
Ngày 1/10, giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng, cho biết hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op sẽ mở cửa theo khung giờ hoạt động bình thường theo quy định của lãnh đạo thành phố và phục vụ khách có thẻ xanh trên các ứng dụng y tế hiện hành.
Đại diện hệ thống bán lẻ trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Satra) gồm Satramart siêu thị Sài Gòn, Satramart siêu thị Phạm Hùng, Satramart siêu thị Củ Chi và chuỗi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 21 giờ hằng ngày.
Ngoài ra, khách hàng có thể tiếp tục mua hàng thông qua các ứng dụng đặt hàng như Be, Zalo, G1-mart hoặc điện thoại trực tiếp vào số điện thoại chăm sóc khách hàng của các siêu thị, đường dây nóng của các cửa hàng Satrafoods.
Tập đoàn Centrai Retail cho biết từ ngày 1/10, tại TP.HCM, hệ thống bán lẻ thuộc Central Retail gồm GO!/ Big C và Topsmarket đã mở cửa hoạt động trở lại từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
AEON Việt Nam cho hay siêu thị và khu ẩm thực tự chọn bán mang về tại AEON Tân Phú Celadon và AEON Bình Tân mở cửa từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Trung tâm bách hóa tổng hợp mở theo khung giờ từ 10 giờ đến 22 giờ.
LOTTE Mart cho hay siêu thị LOTTE Mart quận 7 mở cửa từ 7 giờ 30 đến 22 giờ, 3 siêu thị cùng hệ thống tại quận 11, Gò Vấp, Tân Bình hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ.
Các siêu thị đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo yêu cầu của địa phương; tuân thủ 5K; kiểm soát, phân luồng khách hàng vào siêu thị hợp lý, đảm bảo quy định giãn cách và quan tâm vận động, tranh thủ sự đồng thuận, hợp tác của người dân, các đối tác… cùng chung tay thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch để chuyển đổi thành công sang trạng thái “bình thường mới”.
Trong ngày 1/10 đại diện các siêu thị cho hay lượng khách hàng đi mua sắm trong ngày ghi nhận khá đông. Tuy nhiên các siêu thị đều thực hiện các bước hướng dẫn người đi mua hàng khai báo y tế, có kẻ vạch, phân luồng xếp hàng vào cửa, sắp xếp lượng khách vào cửa hàng đảm bảo an toàn giãn cách. Do vậy không có tình trạng ùn ứ tại các siêu thị. Các siêu thị cũng cho hay sẽ mở nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút mua sắm trở lại trong những ngày tới đây.
Trong khi các kênh bán lẻ hiện đại có điều kiện thuận lợi để mở cửa bán hàng bình thường thì kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang xây dựng lộ trình mở cửa. Toàn thành phố mới có 14 chợ đang hoạt động tại huyện Cần Giờ và Củ Chi. Theo Sở Công Thương TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ nhanh chóng xây dựng kế hoạch, phương án mở lại 220 chợ truyền thống với điều kiện đáp ứng Bộ tiêu chí hoạt động an toàn chợ truyền thống.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố sáng 30/9, đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM nhắc lại là các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đánh giá điều kiện thực tế để mở lại chợ truyền thống. Những chợ trong khu vực đang phong tỏa sẽ không được mở; thành phố cấm tuyệt đối chợ tự phát; sẽ có lộ trình mở dần đối với 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn. Trước mắt, 3 chợ này tiếp tục tổ chức hoạt động của các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Cũng từ ngày 1/10, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, sẽ thực hiện theo lộ trình, tăng số ô vựa hoạt động hằng đêm tại chợ từ 20 ô vựa lên 40 ô vựa với khả năng cung cấp khoảng 300 tấn hàng hóa hằng ngày cho khu vực TP.HCM.
Đối với việc cung cấp hàng hóa, nhất là các sản phẩm thực phẩm tươi sống, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị thành viên của Satra, một trong những nhà nhà cung cấp chính cho hệ thống bán lẻ Satra, có khả năng cung ứng khoảng 80 tấn/ngày. Đối với các mặt hàng còn lại, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, hệ thống bán lẻ Satra cũng đã chủ động tăng lượng hàng hóa với nhiều chủng loại, tiến hành sắp xếp kho bãi nhằm tối ưu hóa khối lượng lưu trữ cũng như không ngừng tìm kiếm, đàm phán với các nhà cung cấp mới nhằm đa dạng hóa nguồn hàng cũng như không để đứt gãy nguồn cung.