Cú hích cho ngành đóng tàu chiến của Pháp

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:29, 01/10/2021

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký thỏa thuận bán 3 tàu khu trục cỡ nhỏ Belharra cho Hy Lạp. Đây là cú hích cho ngành đóng tàu chiến của Pháp, khi mà trước đó chưa đầy hai tuần, Australia đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm tấn công từ tập đoàn Naval của nước này.

Thỏa thuận tỷ USD

Ý định thư về việc mua sắm hai tàu khu trục cỡ nhỏ Belharra của Pháp đã được Athens và Paris ký kết vào tháng 10-2020. Ngay sau đó, Mỹ đã gửi thư cho Hy Lạp đề nghị nước này cân nhắc mua 4 tàu chiến đa năng MMSC của Pháp. Theo Tạp chí quốc phòng Doureios Ippos, trong lá thư trên, Washington đã cung cấp thông tin về giá cả và tính khả dụng trên tàu MMSC. Khi đó, báo chí Hy Lạp đưa tin Athens sẽ ký thỏa thuận mua 4 tàu của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận mua các tàu chiến của Pháp. Mọi thứ tưởng như đã ngã ngũ thì ngày 28-9 vừa qua, Tổng thống Macron tuyên bố Athens sẽ mua 3 tàu khu trục Belharra của Pháp. Lễ ký kết diễn ra cùng ngày ở thủ đô Paris trước sự chứng kiến của Tổng thống Macron và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

Theo Báo Le Monde, tàu khu trục cỡ nhỏ Belharra với lượng giãn nước 4.460 tấn, dài 122m, có thể đạt tốc độ tối đa 50km/giờ với hải trình tối đa 9.300km và thời gian hoạt động liên tục 45 ngày. Tàu chiến này có thủy thủ đoàn 110 người, bao gồm 15 nhân sự vận hành trực thăng. Pháp và Hy Lạp cho biết các con tàu này sẽ được bàn giao từ năm 2024 nhưng chưa công bố trị giá của thỏa thuận trên. Tuy nhiên, một số nguồn tin Chính phủ Hy Lạp cho hay, hợp đồng mua 3 tàu khu trục Belharra của Pháp trị giá khoảng 3 tỷ euro (3,51 tỷ USD). Trong khi đó, truyền thông Pháp ước tính giá trị thương vụ này vào khoảng 5 tỷ euro.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại lễ ký thỏa thuận bán 3 tàu khu trục Belharra cho Hy Lạp. Ảnh: Getty Images

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận trên sẽ giảm bớt phần nào “nỗi đau” cho Tập đoàn đóng tàu Naval sau khi Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân trị giá hàng chục tỷ euro của Pháp. Thay vào đó, Canberra sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bởi công nghệ của Mỹ và Anh theo thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).

Bước đi hướng tới sự tự trị chiến lược châu Âu

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận, Tổng thống Macron nhấn mạnh, hợp đồng mua khí tài này đánh dấu bước đi đầu tiên hướng tới sự tự trị chiến lược châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp mô tả quyết định của Athens là động thái cho thấy sự tin tưởng của Athens vào ngành quốc phòng của Paris. Về phần mình, Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh, đây là một sự kiện lịch sử trong quan hệ Hy Lạp-Pháp và hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ tác quốc phòng song phương. Theo ông Mitsotakis, Hy Lạp và Pháp đã xây dựng “liên minh vững chắc” vượt ngoài những cam kết tương ứng của hai nước với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Mitsotakis khẳng định, thỏa thuận mua tàu của Pháp sẽ không ảnh hưởng đến một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mà nước này và Mỹ đang thảo luận. Thủ tướng Mitsotakis cho biết thêm, Hy Lạp cũng đang cân nhắc mua thêm một tàu nữa nhằm củng cố lực lượng vũ trang và tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Paris.

Đây không phải lần đầu Hy Lạp chi một số tiền khủng để mua vũ khí Pháp. Hồi đầu năm, nước này thông báo mua 18 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, trở thành nước đầu tiên trong EU mua loại máy bay này của Paris. “Pháp đang lấp đầy khoảng trống an ninh trong khu vực. Có một thỏa thuận phòng thủ chung, vì vậy nếu chúng tôi gặp rắc rối, chúng tôi có năng lượng hạt nhân và thành viên thường trực của Hội đồng An ninh bên cạnh”, ông Mitsotakis nói.

Theo Politico, thỏa thuận ký kết hôm 28-9 sẽ tạo một cú hích cho ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp, đồng thời thúc đẩy mong muốn của Tổng thống Macron trong việc dẫn đầu các nỗ lực quân sự của châu Âu. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh sự tự chủ của châu Âu không phải để thay thế mối quan hệ liên minh với Mỹ mà là “lục địa già” muốn nhận trách nhiệm giữ vai trò trụ cột trong NATO.

BÌNH NGUYÊN