GS. Phan Văn Trường: 'Giáo dục nên tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo'

Xã hội - Ngày đăng : 15:22, 30/09/2021

Giáo dục phải tập trung tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo, lý luận sắc sảo hơn mọi phần mềm và sử dụng dữ liệu thay vì cố lưu giữ trong trí nhớ.
GS. Phan Văn Trường
Theo GS. Phan Văn Trường, khuynh hướng của giáo dục là giúp học sinh có nhiều thời gian để lớn lên, sớm trưởng thành, sớm nhận thức trách nhiệm công dân.

GS. Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là Cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, đã nêu quan điểm như vậy khi đề cập câu chuyện giáo dục thực tài, thực học và hội nhập quốc tế.

Ông nghĩ thế nào về sự thay đổi của thế giới trong tương lai?

Theo tôi, chỉ còn vài năm nữa, con người sẽ có những thay đổi nhất định. Thịt nhân tạo đã có mặt. Chúng ta sẽ sống khác, số đông sẽ chọn nơi tốt lành để sống, không nhất thiết trong đô thị.

Chúng ta sẽ làm việc khác, bệnh dịch Covid-19 đã cho chúng ta nếm mùi “làm việc tập thể một mình”, tuy một mình mà tập thể, tuy tập thể mà một mình. Chúng ta sẽ trải nghiệm trang phục khác. Vải sợi đang cách mạng hóa, quần áo chúng ta sẽ co giãn tự do, kháng khuẩn, chống mưa, nhẹ tơi, giặt chóng khô, giữ ấm…

Xe sẽ bỏ công nghệ chạy xăng mà chuyển sang điện, sẽ không có tài xế. Thậm chí, sẽ có rất nhiều người bỏ luôn "văn hoá ô tô" để đi xe đạp là chính.

Chúng ta sẽ không còn ngân hàng, chỉ còn vẻn vẹn mấy cái máy ở góc mỗi đường phố có đủ khả năng thu tiền, quản lý tiền và cho mượn tiền. Chúng ta sẽ trả tiền bằng điện thoại di động, sẽ không còn tiền giấy nữa.

Chúng ta sẽ bị kiểm soát thường trực 24/7 trong năm, vì tại mọi nơi công cộng hiển hiện hàng nghìn ống kính có khả năng nhận ra mặt của toàn thể dân chúng. Chúng ta sẽ không thể nói dối được nữa vì các phần mềm sẽ tự động kiểm tra mỗi thông tin.

Hẳn là những thay đổi đó sẽ tác động không nhỏ đến phương thức giáo dục?

Thực tế, nền giáo dục tại rất nhiều quốc gia đang lỗi thời nhanh chóng. Giá trị của một học viên không còn được đánh giá trên số lượng kiến thức thuộc lòng nữa, vì việc này đã trở thành vô dụng. Máy sẽ đảm nhiệm trao bất cứ thông tin nào chúng ta cần. Thậm chí, trong một tương lai rất gần, máy sẽ thay thế luôn chúng ta trong những việc đơn giản.

Tại hàng trăm quốc gia, trong đó có rất nhiều nước văn minh hàng đầu thế giới, nền giáo dục đã trở nên lỗi thời từ việc vẫn còn chú trọng thi cử.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, ngay chuyện kiểm tra học vấn cũng không được coi là ưu tiên; khi đi làm, khá nhiều công ty không quan tâm đến những thành tích hoặc lý lịch nữa.

Khuynh hướng của giáo dục là giúp học sinh có nhiều thời gian để lớn lên, sớm trưởng thành, sớm nhận thức trách nhiệm công dân, tập sử dụng tay chân thay vì chỉ học với trí óc. Từ đó, chương trình học nhẹ hơn, học sinh thoải mái hơn và bắt đầu khởi động khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, lý luận, đúc kết và truyền thông.

Thực tế, những điều này rất quan trọng đối với các công dân toàn cầu nhưng đôi khi lại không được nhà trường chú trọng. Ngày nay, việc làm có ích nhất trong nền giáo dục là phải tập trung vào việc tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo, lý luận sắc sảo hơn mọi phần mềm và sử dụng dữ liệu thay vì cố lưu giữ trong trí nhớ.

Tương lai này không ở mốc 2050 nữa mà rất có thể sớm hơn. Cũng giống như Covid-19 xuất hiện vào mùa Đông 2019, vậy mà ngay năm 2021 thế giới đã phản ứng rất nhanh, nhiều vaccine đã ra đời ngay. Do đó, không thể để thế giới biến chuyển mà không có sự đóng góp của Việt Nam chúng ta...

Thị trường giáo dục hiện thời đang mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức dành cho các bạn trẻ. Theo ông, làm sao để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao?

Thế giới ngày nay đã vô cùng rối ren, phức tạp, dường như chưa ngày nào qua đi mà không có một biến cố mang tầm quốc tế. Thành thử, với những bạn trẻ bỏ công bám thời sự, phấn đấu, thử thách bản thân với cuộc sống thực tế, nhào vào các cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động thì chắc chắn những bạn ấy đã mang sẵn bản lĩnh cao. Chẳng cần phải tạo thêm những thách thức để rèn luyện các bạn trẻ ấy nữa.

Nói một cách công bằng, môi trường ở nước ta còn khó khăn hơn rất nhiều quốc gia, cho nên tôi đánh giá cao sự mạnh mẽ, can trường của các bạn trẻ. Theo tôi biết, hàng triệu em tốt nghiệp từ các trường cao đẳng hay đại học đang cố gắng tự tạo cơ hội khởi nghiệp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu các đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Thử nghĩ, các em đó không có vốn, không có môi trường thuận lợi như ở Israel, Singapore hay Hoa Kỳ để khởi nghiệp, không có quan hệ, không có mặt bằng, không có cả những người đã trải nghiệm dẫn dắt, cũng như các em chưa được chuẩn bị đầy đủ hành trang để đối mặt với thực tế, các em sẽ khởi nghiệp thế nào?

Thêm vào đó, các em cũng không tìm được những thống kê chính xác để hiểu thị trường đầu ra, phải làm bao nhiêu thủ tục chồng chéo trước khi được thử thách với đời. Do đó, tôi nhận thấy các em đã thực sự can trường rồi, khỏi phải tự hỏi xem các em ấy có đủ bản lĩnh hay không nữa.

Kết luận đầu tiên có thể rút ra là nếu các bạn trẻ ấy vẫn thất bại thì chưa chắc lỗi thuộc các em. Nói một cách khác, rất hiếm em nào thành công mà không có đầy đủ mọi hỗ trợ từ các bên liên quan, do vậy vấn đề chính sách cần được xem xét đến.

Để đáp ứng với xu thế mới như ông vừa chia sẻ thì cần làm gì để có nền giáo dục thực tài, thực học, tiến tới hội nhập quốc tế?

Trong nước, có bao nhiêu người hiểu thị trường quốc tế, hiểu về thế giới chúng ta đang sống? Trong số đó, có bao nhiêu giáo viên, hiệu trưởng, hoặc những nhà quản lý giáo dục? Câu trả lời là không nhiều, nhưng chúng ta vẫn rất cần hiểu môi trường toàn cầu là thế nào?

Tôi đã được quan sát người Trung, người Hàn, người Singapore chuẩn bị cho tương lai của thế hệ trẻ xứ họ. Để đi tới những thành quả mà đất nước họ đã đạt được, họ đã động viên giới trẻ. Không những thế, để tạo ra những người tài, họ đã phải phối hợp rất nhiều bộ ngành, chứ không chỉ riêng giáo dục.

Ngày nay, giáo dục hay bất cứ bộ môn nào cũng không là lãnh địa riêng mà phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan. Hãy bỏ vĩnh viễn tư duy sai, rất cục bộ, đó là việc giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Chúng ta không nên hỏi các bạn trẻ bản lĩnh hay có thực tài không, hoặc có sẵn sàng nỗ lực không. Bởi thực tế, nước ta đang có được một thế hệ trẻ vô cùng linh động, thông minh và chuyên cần.

GS. Phan Văn Trường: 'Giáo dục nên tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn Trí thông minh nhân tạo'
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật.

Theo ông, bài toán “học thật, thi thật, nhân tài thật” phải bắt đầu từ đâu và có “điểm nghẽn” nào?

Nhân tài thật luôn sẵn có rồi nhưng ở trạng thái "thô", chưa được nhận giáo dục xứng đáng. Học thật thì thực tế rất khó, vì chúng ta chỉ học thuộc lòng với mục tiêu đi thi là chính.

Còn vấn đề thi thật, tôi cho rằng thế giới trong tương lai sẽ không còn mấy công ty tuyển trên kết quả kỳ thi, ngày càng nhiều doanh nghiệp không căn cứ vào bằng cấp. Bên Hoa Kỳ, nhiều công ty mời ứng viên vào rồi từ đó họ xem bạn làm việc thế nào, nếu không được thì bạn bị đào thải. Nghĩa là, nếu làm tốt thì bạn ở lại, thậm chí lên chức, chẳng cần biết bạn mang bằng cấp gì.

Nói cho cùng, có kỳ thi nào đánh giá trình độ thực của thí sinh về những môn như lý luận, truyền thông, kỹ năng mềm, làm việc nhóm? Có bao nhiêu người trong chúng ta đang làm việc với những kiến thức đã học tại nhà trường?

Câu trả lời là thực tế không nhiều, chỉ cần vào bất cứ một doanh nghiệp nào để khảo sát, ta sẽ bất ngờ thấy nhiều bạn làm những việc chưa bao giờ được đào tạo, không bao giờ làm những việc bạn ấy đã được học, trừ nghề bác sĩ hoặc ca sĩ. Quan trọng là chúng ta phải có đủ can đảm nhìn thẳng, nhìn thật vào thực tế này hay không.

Vậy làm sao để có học thật, thi thật, đánh giá thật, từ đó năng lực thật vượt lên trên các bằng cấp?

Khi chương trình học mang tính thực tế, tức chuẩn bị thực sự cho học viên đi vào môi trường làm việc thì tự nhiên động lực của cả nền giáo dục sẽ thay đổi. Muốn làm vậy thì việc đầu tiên cả nền giáo dục hãy cầu thị.

Cầu thị là khảo sát các doanh nghiệp, tham khảo các chương trình giáo dục tại các nước đi trước chúng ta, dự báo thế giới ngày mai trước khi lập chương trình đào tạo.

Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?

Theo tôi, không thể nâng cao chất lượng giáo dục ngay tức khắc vì phải bắt đầu bằng việc xây dựng chương trình đào tạo, rồi mới tới giáo viên. Có lẽ, chúng ta phải "quét bỏ" 80% tư duy giáo dục hiện nay.

Nói một cách đơn giản, 90% các công dân không cần thiết phải học quá nhiều để được trang bị và thành công trong cuộc sống. Đối với 10% còn lại, cần cho họ mọi điều kiện để phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.

Những nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến những yếu tố nào để đổi mới giáo dục thành công, thưa ông?

Quan sát nhu cầu thực của giáo dục, cần nhìn quyền lợi của các em nhỏ với tư duy tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Sau đó, mở tư duy tự học với nhiều hỗ trợ sau khi tốt nghiệp cho tất cả công dân nào mong muốn.

Bỏ những điều kiện tuổi tác, rút ngắn các chương trình để các em sớm vào môi trường làm việc, bỏ những thủ tục rườm rà, đặc biệt bỏ những bộ môn nào học chỉ cốt để đi thi... Tôi nghĩ, đó là học thật.

Xin cảm ơn ông!

Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là Cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2007, là "cha đẻ" của cuốn sách nổi tiếng "Một Đời Thương Thuyết"...

Yến Nguyệt