Dù COVID-19, giới hạn lương của Real cao gấp 7 lần ‘kình địch’ Barcelona
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 13:12, 30/09/2021
Tờ Goal bản Tây Ban Nha đã nhận định: “thực trạng kinh hoàng về độ an toàn tài chính của nhiều đội bóng, mà Barcelona là thê thảm nhất”.
Giới hạn tiền lương đượcc quy định trong các điều từ 34 đến 41 của điều lệ về ngân sách của La Liga. Đây là quỹ lương cho phép, tức hạn mức chi tiêu hay mức lương trần, chứ không phải mức chi tiêu tổng của các CLB.
Ủy ban đại diện của La Liga đã thông qua những thay đổi ở mùa giải 2021/2022 khi cộng thêm chi phí tiền lương vào quy định đăng ký cầu thủ để tránh các CLB tiếp tục vượt quá hạn mức dẫn đến nợ nần.
Theo đó, các đội có mức lương vượt quá giới hạn có thể đăng ký cầu thủ trong những trường hợp sau: Đầu tiên, đội bóng có thể đăng ký những cầu thủ có chi phí không vượt quá 25% hóa đơn tiền lương đã phát hành, một thông lệ phổ biến vẫn có hiệu lực từ năm 2021 đến 22. Tiếp theo, CLB có thể đăng ký những cầu thủ có chi phí không vượt quá 25% lợi nhuận ròng từ việc chuyển nhượng những cầu thủ nói trên.
Cụ thể, quỹ lương cho phép trong mùa giải trước của Barcelona là 382,7 triệu euro nhưng năm nay chỉ còn…97,9 triệu euro, từ thứ 2 tụt xuống thứ 7 tại La Liga. Đội bóng xứ Catalan giờ còn xếp sau cả những Sevilla (200,4 triệu euro), Atletico Madrid (171,6 triệu euro), Villarreal (159,3 triệu euro), Real Sociedad (127,7 triệu euro) và Athletic Bilbao (111,8 triệu euro). Barcelona sẽ rất khó khăn để xây dựng đội hình so với các CLB trên.
Trước khi tiếp quản lại Barca, Chủ tịch Laporta từng thừa nhận tình trạng tài chính đang rất xấu nhưng bảng công bố mức lương trần của La Liga cho thấy nó nghiêm trọng hơn những gì ông và ban lãnh đạo CLB cảm nhận.
Mức lương trần của Barcelona cứ giảm dần theo từng năm, ở mùa 2019/2020 còn hơn 600 triệu euro thì mùa qua chỉ còn 382 triệu euro. Gần đây, Laporta có nói rằng dù đã tìm cách cắt giảm hết mức có thể, mức lương thực lĩnh cùng các mức khấu hao khác hiện tại ở đội bóng vẫn đang chiếm đến 80% mức doanh thu dự báo trong mùa giải này là 765 triệu euro (trong khi giới hạn cho phép của La Liga là xoay quanh mốc 70%), tức quỹ lương thực tế lúc này khoảng 612 triệu euro.
Còn với Barcelona, việc chạy đua lương để mang về các ngôi sao ở các mùa giải trước đã để lại một lỗ hổng lớn trong ngân quỹ. Đội bóng Catalan từng kỳ vọng sẽ bù đắp vào bằng doanh thu gia tăng, nhưng đại dịch bùng phát đã lột sạch những kỳ vọng giả tạo khiến cách tính bị đứt gãy, dẫn tới mức lương trần bị vượt.
Trong bảng công bố này, Real Madrid vẫn dẫn đầu với 739,2 triệu euro, tức là Real Madrid có thể chi lương gấp 7 lần so với Barcelona. Trong khi đó, một tên tuổi lớn của bóng đá Tây Ban Nha là Valencia đứng đội sổ, chỉ còn 31 triệu euro trong khi mùa trước vẫn còn được 93 triệu euro. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, Los Che nhiều khả năng phải bán tài sản ngay ở kỳ nghĩ giữa mùa giải này để an toàn.
Trong khi đó Real lại tạo một bất ngờ thực sự khi có thể nới rộng mức lương trần tới 270,6 triệu euro do đã tiết kiệm đến gần 300 triệu euro mà vốn dĩ quỹ lương bấy giờ cho phép (tức là đã không dùng đến). Do đó, mùa giải 2021/22 này, họ được cộng dồn vào theo cho phép từ La Liga.
Atlético de Madrid cũng sa sút khi tụt gần 80 triệu euro, từ 250 triệu euro xuống còn khoảng 171 triệu euro nhưng vẫn xếp thứ 3 toàn giải.
Jose Guerra, giám đốc vận hành của La Liga đánh giá các CLB đã và vẫn đang phải chịu ảnh hưởng từ đại dịch, do đó các án phạt sẽ chưa được đưa ra ngay lúc này. Trong những mùa giải tới, một khi tình hình bình thường trở lại, La Liga sẽ tiến hành đánh giá, những khoản chi tiêu vượt mức cho phép không xuất phát từ yếu tố đại dịch ở các CLB sẽ dẫn tới các án phạt.
Còn hiện thời, những CLB có quỹ lương vượt mức trần, quy định 1:4 sẽ tiếp tục được áp dụng. Theo đó cứ 4 euro thì chỉ được chi 1 euro, nôm na là nếu một đội bán cầu thủ 20 triệu euro, thì chỉ 5 triệu euro thu về được dùng để chi cho việc mua cầu thủ khác.