Cách bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai an toàn, hiệu quả nhất

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 12:28, 30/09/2021

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phòng bệnh cho trẻ. Đối với phụ nữ mang thai, vitamin A giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi, phòng tránh nguy cơ đẻ non, sinh con nhẹ cân. Vậy cần bổ sung vitamin A thế nào để an toàn, hiệu quả?

Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai dễ thiếu vitamin A

Vitamin A là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là phát triển của các mô trong hệ cơ xương. Vitamin A giúp duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, bảo vệ mắt, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ.

Thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú vì nhu cầu vitamin A cao hơn các đối tượng khác.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi dễ thiếu vitamin A vì đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh. Độ tuổi này do sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên dễ mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, nhiễm giun… dẫn đến thiếu vitamin A.

Cách bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai an toàn, hiệu quả nhất
Trẻ bị thiếu vitamin A dễ mắc bệnh khô mắt.

- Trẻ bị thiếu vitamin A thường chậm lớn, còi cọc, da khô, khô mắt, quáng gà, dễ mắc bệnh truyền nhiễm như: viêm đường hô hấp, sởi, tiêu chảy…

- Ở phụ nữ mang thai, thiếu vitamin A có thể dẫn đến nguy cơ đẻ non tháng, sinh con nhẹ cân, kém phục hồi cơ thể sau khi sinh…

Cách bổ sung vitamin A an toàn

Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải thông qua ăn uống. Nên cách bổ sung vitamin A an toàn, hiệu quả nhất chính là sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong bữa ăn hằng ngày. Cụ thể:

Ăn uống đủ chất

Để đảm bảo dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, trước tiên cần phải đảm bảo chế độ ăn đủ các nhóm thực phẩm. Cụ thể:

- Nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc);

- Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...);

- Nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật);

- Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...).

Lưu ý sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A

Cách bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai an toàn, hiệu quả nhất
Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin A trong bữa ăn hằng ngày.

Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt cần lưu ý sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn.

Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm …

Thức ăn có nguồn gốc thực vật: Các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí…; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten). Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.

Khi chế biến thức ăn cần chú ý cho thêm dầu, mỡ để tăng cường hấp thu vitamin A.

Cho trẻ bú mẹ đầy đủ

Đối với trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ, cần cho trẻ bú mẹ đầy đủ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Cần cho trẻ bú sớm ngay sau sinh để tận dụng nguồn sữa non. Vì trong sữa non có nhiều vitamin A và các kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

- Khi trẻ được 6 tháng tuổi cần cho trẻ ăn dặm đúng cách, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như trên và lưu ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin A.

- Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.

Cách bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai an toàn, hiệu quả nhất
Cho trẻ bú mẹ đầy đủ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ.

Bổ sung vitamin A bao nhiêu là đủ?

- Nhu cầu vitamin A ở trẻ em là 400mcg/ngày.

- Đối với phụ nữ mang thai có tình trạng dinh dưỡng tốt, đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A 600mcg/ngày bằng các thức ăn tự nhiên thì không cần bổ sung vitamin A.
- Khi đã bổ sung vitamin A qua các loại thực phẩm thì không nên tự ý uống bổ sung vitamin A khi không có chỉ định của bác sĩ. Bởi vitamin A được tích trữ lâu dài trong cơ thể, nếu lạm dụng vitamin A có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau cơ bắp, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi…. Trẻ thường bị vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, thóp phồng, đau đầu, co giật...

- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi (hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh trung ương...).

- Đối với trường hợp trẻ bị vàng da do thừa beta-caroten (do ăn liên tục các thực phẩm như bí đỏ, cà rốt, dầu gấc… ) thì chỉ cần ngừng bổ sung thực phẩm giàu vitamin A là da sẽ hết vàng, không nguy hiểm.

Để phòng thiếu vitamin A hiệu quả, bên cạnh biện pháp ăn uống đủ chất dinh dưỡng và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, trẻ em trong độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi và các bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần được uống bổ sung vitamin A 2 lần/năm trong Ngày Vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế phát động.

Ngoài ra cần tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đ

Nguồn: suckhoedoisong.vn