Bất động sản cho thuê: Khó trụ vững trong mùa dịch
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:48, 30/09/2021
Các nhà đầu tư gặp khó
Gần đây, thị trường xuất hiện các thông tin rao bán, chuyển nhượng khách sạn 3, 4 sao trên các tuyến đường ở quận 1, TP.HCM với giá khoảng từ vài trăm đến 1.000 tỷ đồng. Anh Hiếu hiện đang rao bán một khách sạn 3 sao, 7 tầng trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 với giá 310 tỷ đồng cho biết: “Khoảng 1 năm qua, tôi đã giảm giá phòng khoảng 80%, nhưng lượng khách đặt phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi đã cắt giảm phần lớn nhân sự nhưng nguồn thu vẫn không đủ bù vào chi phí vận hành”.
Theo một sàn môi giới BĐS ở quận 7, TP.HCM, gần đây, lượng khách hàng đăng ký gửi bán khách sạn ngày càng nhiều, có thời điểm lên đến 30 - 40 căn/tháng. Phần lớn các khách hàng đều yêu cầu tìm cách bán gấp, chấp nhận giảm giá thêm nếu người mua có thiện chí. Tình trạng bán tháo khách sạn cũng diễn ra đồng loạt ở một số địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.
Một căn hộ khách sạn trước dịch Covid-19 được dùng cho người nước ngoài thuê, lưu trú thì nay đóng cửa rao bán. |
Theo một nhà đầu tư ở Khánh Hòa, thị trường căn hộ khách sạn - condotel thời gian qua cũng “chết chìm” vì dịch Covid-19 kéo dài. Khánh Hòa là địa phương từng được xem là thủ phủ condotel, thì nay nhiều căn được chủ nhà rao bán cắt lỗ từ 100 - 300 triệu đồng/căn. Thậm chí, có những căn condotel rao bán cắt lỗ lên đến 500 - 600 triệu đồng. “Hơn 1 năm xảy ra dịch Covid-19, đến thời điểm này, tôi không thể gồng gánh nổi nữa vì lãi suất ngân hàng tháng nào cũng phải đóng”, anh Nghĩa - 1 nhà đầu tư condotel trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang chia sẻ.
Hướng đến mục tiêu dài hạn
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường condotel gặp khó do ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 kéo dài, khiến hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Ngoài ra, pháp lý có nhiều vấn đề khiến nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng. Chính những hạn chế như trên đã khiến BĐS du lịch nói chung và condotel nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào BĐS du lịch.
Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng: “Khi dùng “đòn bẩy” tài chính trong đầu tư BĐS càng lớn thì lợi nhuận tạo ra càng lớn, nhưng nó cũng khuếch đại khoản lỗ khi thị trường biến động. Sau gần 2 năm dịch bệnh, đến nay, các khoản lỗ khuếch đại quá giới hạn chịu đựng của các chủ đầu tư, buộc họ phải bán. Trong khi đó, cũng do dịch bệnh, người mua đang ở trạng thái phòng thủ nên việc chốt giao dịch rất khó dù chủ đầu tư chấp nhận giảm giá”.
Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers International Việt Nam, 2 năm nay, ngành du lịch vắng du khách khiến các chủ khách sạn phải gồng mình chịu lỗ hoặc rao bán khách sạn để cắt lỗ. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào ngành du lịch có thể quay lại trạng thái bình thường. Nếu khống chế thành công đại dịch sớm, ngành du lịch cũng khó hồi phục ngay mà cần thêm 1 - 2 năm.
“Các chủ sở hữu BĐS khách sạn cho thuê cần đánh giá lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, nhằm phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Các biện pháp này không chỉ để thích nghi và tồn tại trong hiện tại mà còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khách sạn, kinh doanh BĐS trong tương lai”.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA).
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các chủ khách sạn ở TP.HCM nên tập trung mạnh vào các chương trình kích cầu nội địa, hướng đến phân khúc khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam; đồng thời, có các giải pháp để trở thành điểm đến hàng đầu của khách hạng sang, có nhu cầu lưu trú dài ngày cũng nên được tiến hành bài bản hơn. Chủ đầu tư khách sạn, nhà hàng cũng nên tính toán lại dòng tiền, cân đối danh mục đầu tư, “thắt lưng buộc bụng” để cầm cự và hướng đến các mục tiêu dài hạn.