Covid-19 ở Đông Nam Á: Malaysia chi 1,1 tỷ USD mua vaccine, ca mắc mới cao kỷ lục, Singapore vẫn kiên định mở cửa nền kinh tế

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:31, 29/09/2021

Ngày 29/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết từ tháng 11/2020 tới tháng 5/2021, chính phủ nước này đã đặt mua tổng cộng 87,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, đủ để tiêm cho 142,82% dân số.
Nhân viên y tế mang thùng vaccine CanSino tới ngôi làng nông thôn hẻo lánh để tiêm chủng cho người dân trong chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn cộng đồng, ngày 5/9 tại Kota Kinabalu, Sabah, Malaysia. (Nguồn: Getty)
Nhân viên y tế tới tận nhà để tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại Kota Kinabalu, Sabah, Malaysia, ngày 5/9. (Nguồn: Getty)

Trả lời câu hỏi liên quan tại Quốc hội, ông Khairy cho biết thêm trong số vaccine Malaysia đặt mua, nhiều nhất là Pfizer (44,8 triệu liều), tiếp đến là Sinovax (20,4 triệu liều) và 12,8 triệu liều vacccine AstraZeneca, bao gồm 6,4 triệu liều qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX.

Ngoài ra, Malaysia còn đặt mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và 3,5 triệu liều vaccine CanSino loại 1 mũi của Trung Quốc.

Theo ông Khairy, tổng cộng Malaysia đã bỏ ra 4,64 tỷ RM (1,1 tỷ USD) để mua 87,9 triệu liều vaccine nêu trên. Số lượng vaccine này đủ để tiêm cho 142,82% dân số.

Điều đó có nghĩa sau khi 100% dân số Malaysia (khoảng 32,7 triệu người) hoàn thành tiêm chủng, nước này vẫn còn có đủ lượng vaccine để tiêm ngừa Covid-19 cho 42,82% dân số nữa.

Cùng với việc Chương trình Tiêm chủng quốc gia (NIP) gia tăng độ bao phủ, công tác phòng chống Covid-19 ở Malaysia đã đón nhận nhiều thông tin tích cực từ hệ số lây nhiễm tới tỷ lệ nhập viện và điều trị tích cực đều giảm xuống.

Theo Bộ Y tế Malaysia, tới hết ngày 28/9, nước này đã có 61,1% dân số hoàn thành tiêm chủng. Nếu chỉ tính người từ 18 tuổi trở lên, Malaysia có 85,1% đã hoàn thành tiêm chủng và trong nhóm thiếu niên có 37,7% đã tiêm ít nhất 1 mũi, bao gồm 1,1% hoàn thành tiêm chủng./.

* Singapore thông báo số số ca mắc mới trong ngày 28/9 đã lên mức 2.236 ca, con số cao nhất theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm tại “đảo quốc sư tử” lên 91.775 ca.

Bộ Y tế Singapore tối 28/9 cho biết, trong số 2.236 ca nhiễm mới có 1.711 ca trong cộng đồng, 515 ca trong các khu nhà ở của lao động nước ngoài và 10 ca nhập cảnh.

Nước này cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong trong ngày 28/9, nâng tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 lên 85 ca.

Theo số liệu thống kê, số ca nhiễm mới trong trẻ em dưới 12 tuổi (chưa tiêm vaccine) tại Singapore cũng có chiều hướng gia tăng.

Trong 7 ngày qua, Singapore ghi nhận 606 ca Covid-19 mới dưới 12 tuổi (tăng so với 407 ca của tuần trước đó) và 245 ca nhiễm trong độ tuổi từ 12-18 (tăng so với 164 ca của tuần trước đó).

Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/9, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, đồng Chủ tịch Lực lượng liên bộ đặc trách Covid-19 cho biết, Singapore đang chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với khả năng số ca nhiễm mới tăng tới 5.000 ca/ngày, thậm chí hơn.

Ông Lawrence Wong cũng khẳng định chiến lược tổng thể đối phó với Covid-19 của Singapore không thay đổi và nước này tiếp tục kiên định với kế hoạch mở cửa nền kinh tế, nới lỏng dần các hoạt động xã hội một cách từ từ, cẩn trọng để tránh tạo sức ép quá lớn đối với hệ thống y tế.

* Từ ngày 28/9, Indonesia bắt đầu Tuần lễ Thể thao quốc gia Papua lần thứ 20 (PON). Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại Papua nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các địa điểm đăng cai tổ chức sự kiện này.

Ngày 29/9, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển con người Indonesia Muhadjir Effendy cho biết Bộ Y tế cùng lực lượng vũ trang (TNI-Polri) cũng đã triển khai lực lượng đến Papua, hỗ trợ thực hiện việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 9 này sẽ tiêm được cho 70% người đủ điều kiện ở tất cả các khu vực đăng cai PON.

Chính phủ cũng yêu cầu tất cả khán giả đến tham dự PON đều phải tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19.

Bộ trưởng Effendy cho biết thêm Ban tổ chức PON cho phép số người tới xem trực tiếp các trận đấu chiếm tối đa 25% sức chứa của các địa điểm.

Cùng ngày, Trưởng nhóm điều chỉnh hành vi cộng đồng, thuộc Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Indonesia, ông Sonny Harry B. Harmadi, cho biết chính tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 nhằm ngăn chặn làn sóng dịch thứ 3.

Hải An