Phá cửa, cưỡng chế người dân đi test COVID-19: Sai luật, lãng phí vật tư y tế?

Xã hội - Ngày đăng : 11:55, 29/09/2021

Nhiều ý kiến cho rằng việc phá cửa vào nhà cưỡng chế người phụ nữ đi test COVID-19 ở Bình Dương là trái luật, lãng phí vật tư y tế.

Từ tối qua (28/9), khi đoạn clip ghi lại cảnh lượng chức năng gồm dân phòng, công an, cảnh sát cơ động... phá cửa một căn hộ, sau đó xông vào khóa tay người phụ nữ kéo đi test COVID-19 đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Vụ việc được xác nhận xảy ra tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương.

Trả lời PV VTC News tối 28/9, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú cho biết, người phụ nữ trong clip là chị H.T.P.L (38 tuổi).

Theo báo cáo của Ban quản lý chung cư, chị L. 2 lần trước đã không đi lấy mẫu và lần thứ 3 chị cũng không chịu xuống test. Khi đó ông đang cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch ngoài đường và sau khi nghe tin báo, ông Quan cùng đoàn công tác đã đến chung cư vận động chị này xuống test nhưng chị cương quyết không ra và khóa cửa không hợp tác.

"Đoàn đứng đợi 15 phút mà không thấy chị ra, tôi mới nói anh em nào có biết thợ mở khóa không thì kêu lại để hỗ trợ mình mở cửa vận động chị ra. Ở đây mới có 2 ca dương tính phát sinh trong cộng đồng mà chị trốn test đã 2 lần, đến nay cũng 10 ngày rồi, nếu không may chị bị dương tính thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân chị và ảnh hưởng đến cả khu vực này", ông Quan nói.

Đoạn clip này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội chỉ sau vài giờ xuất hiện. Dưới phần bình luận, hầu hết các ý kiến đều cho rằng hành động của lực lượng chức năng trong trường hợp này rất phản cảm, đặc biệt là trước sự chứng kiến của trẻ em (con của người phụ nữ trong clip). Nhiều người thắc mắc, dù việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 là cần thiết, tuy nhiên trong trường hợp này có đúng với trình tự pháp luật không?

Cán bộ đang làm sai luật?

Sáng 29/9, trả lời VTC News, luật sư Hà Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chưa cần xét sâu xa, nhưng trước mắt có thể thấy ngay hành động của lực lượng chức năng trong clip trên không đúng luật.

Phá cửa, cưỡng chế người dân đi test COVID-19: Sai luật, lãng phí vật tư y tế? - 1

Dân phòng, công an, cảnh sát cơ động... phá cửa căn hộ của chị L.

"Trước tiên, chỉ nhìn thôi là biết sai rồi. Vì người thi hành công vụ như cán bộ y tế, cảnh sát, dân phòng... luật đã quy định rõ ràng. Còn bây giờ, không có một văn bản pháp luật nào cho phép anh tới phá cửa, khống chế bắt một người dân đang ở trong nhà đi xét nghiệm, chưa kể là không có văn bản cưỡng chế. Nên việc này rõ ràng là sai", luật sư Hà Hải nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Hà Hải, trong trường hợp này cũng có thể xem xét những yếu tố khác, vì đây là hành vi được thực hiện trong vùng dịch bệnh, với mục đích không để dịch bệnh lây lan. Tuỳ vào độ cấp thiết, mục đích đưa người đó đi để xét nghiệm cấp bách ra sao để xem xét vấn đề.

"Việc buộc đi xét nghiệm có thể là đúng, mục đích làm có thể là đúng, nhưng cách thức thực hiện rõ ràng là sai", luật sư Hà Hải nhấn mạnh.

Làm việc máy móc, lãng phí vật tư y tế?

Hiện một thực trạng đang diễn ra không chỉ ở Bình Dương mà cả TP.HCM, đó là việc lấy mẫu xét nghiệm đang được thực hiện quá "máy móc". Có nơi, 3 ngày liên tục người dân đều được yêu cầu đi lấy mẫu.

Đơn cử, tại chung cư Marina Tower (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương; thuộc địa bàn xảy ra sự việc trong clip), cư dân cho biết, có tuần họ được yêu cầu đi lấy mẫu 4 lần. Vô lý hơn, có những lần lấy mẫu liên tục, không cách ngày.

Phá cửa, cưỡng chế người dân đi test COVID-19: Sai luật, lãng phí vật tư y tế? - 2

Ảnh chụp màn hình.

"Ban đầu chúng tôi cũng rất hợp tác việc lấy mẫu, vì tốt cho mình và cho cả cộng đồng. Thế nhưng, đến hiện tại thì chúng tôi không đồng ý nữa.

Thử nghĩ xem, sáng 18/9 họ thông báo lấy mẫu, và lấy ngay sau đó vài tiếng. Đến này 21/9 tiếp tục thông báo lấy mẫu, rồi ngày 24, ngày 25, ngày 28, chúng tôi cứ thế được yêu cầu lấy mẫu. Và vừa có thông báo đây, ngày mai (30/9) chúng tôi tiếp tục được yêu cầu lấy mẫu. Như vậy, trong vòng 10 ngày, chúng tôi bị lấy mẫu tới 6 lần", chị N.T.H.A. (cư dân Marina Tower) cho hay.

Theo chị A., từ hôm lấy mẫu ban đầu, số cư dân tham gia là hơn 2.000 người, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 500 người. Nhiều người ở yên trong căn hộ, không đồng ý lấy mẫu. Vì theo họ, trong thời gian dịch bệnh, họ không ra khỏi nhà, nên nguy ngơ nhiễm từ việc liên tục lấy mẫu cộng đồng khá cao, họ không đồng ý tham gia.

Chưa kể đến, cư dân thắc mắc về việc lấy mẫu liên tục có thực sự hiệu quả, hay gây lãng phí vật tư y tế. Đồng thời, có nguy cơ viêm nhiễm mũi.

"Hai lần mới đây lấy mẫu, tôi bị chảy máu mũi, đau rát. Cạnh căn hộ của tôi, mấy đứa nhỏ cứ nghe thông báo lấy mẫu là tụi nó la khó, kiểu ám ảnh. Mà chúng tôi thật sự không hiểu, nhiều người trong chúng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì có cần thiết lấy mẫu liên tục như vậy hay không. Hơn nữa, Vĩnh Phú là vùng xanh, tại sao cứ làm kiểu máy móc, "ép" để cho ra người nhiễm như vậy", chị A. bức xúc.

Về vấn đề này, luật sư Hà Hải cho rằng, việc lấy mẫu cộng đồng liên tục là quá máy móc và có khả năng lãng phí vật tư y tế.

"Cộng đồng đang bức xúc việc vài ngày cứ bắt người ta đi lấy mẫu một lần. Một số người âm tính, không đi đâu, chỉ đi lấy mẫu thôi lại ra dương tính. Nên họ rất hoang mang, không biết mình lây nhiễm ở đâu, có phải chỗ lấy mẫu hay không...

2 vấn đề, lệu chính sách cứ vài ngày test có phù hợp quy định pháp luật và hiệu quả hay không. Còn xét về góc độ pháp luật, rõ ràng không có quy định nào cho việc cứ vài ngày lại bế người dân đi xét nghiệm cả. Sâu xa về nguy cơ gây lãng phí vật tư thì chưa bàn tới", luật sư Hà Hải nói.

Hôm qua (28/9), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Tại khu nhà trọ ở phường Bình Hoà (TP Thuận An), khi thấy lực lượng y tế đang thực hiện hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu test nhanh COVID-19, Phó Thủ tướng đã phê bình tại chỗ về việc lãng phí vật tư y tế.

Phó Thủ tướng cho rằng, một phòng trọ chỉ nên lấy mẫu 1 người đại diện, bởi vì nếu 1 người nhiễm thì chắc chắn cả nhà cũng sẽ bị lây nhiễm. Việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dân, gây tốn kém chi phí để mua bộ kít test nhanh.

"Đã cho người dân tự test thì đâu nhất thiết phải yêu cầu họ đeo bao tay để tự lấy mẫu, như vậy là lãng phí vật tư y tế, kinh phí...

Nếu một gia đình có 3 người, mỗi người một tháng phải test nhanh 10 lần, cộng cả 3 người thì mỗi tháng phải lấy mẫu xét nghiệm 30 lần. Như vậy chi phí để mua thiết bị test nhanh tốn ít nhất 6 triệu đồng để test cho 1 gia đình... Vậy tại sao chúng ta không cho lấy mẫu đại diện cho từng gia đình để giảm bớt chi phí?", Phó Thủ tướng nói.

Thy Huệ

Thy Huệ