Nuôi dạy bé trai không dễ, con lớn lên có tương lai tốt hay không phụ thuộc vào cách giáo dục ở giai đoạn phát triển đặc biệt này
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:00, 29/09/2021
Các bé trai và bé gái sẽ có giai đoạn phát triển về ngoại hình và tính cách khác nhau. Theo các nhà tâm lý học, bé trai cần được chú ý nhiều hơn bởi tâm lý các bé vốn dĩ không đơn giản như cha mẹ nghĩ. Vì vậy, để nuôi dạy con trai tốt, trở thành một người đàn ông xuất sắc, yêu thương gia đình và có tinh thần trách nhiệm, cha mẹ phải hiểu rõ các giai đoạn phát triển khác nhau của bé trai để có phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm từng thời kỳ sinh trưởng của bé.
Đặc điểm tâm lý của các bé trai ở từng giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ sơ sinh đến 6 tuổi
0 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển vàng của trẻ. Ở giai đoạn này cùng với sự phát triển ngôn ngữ, trẻ có thể chủ động giao tiếp với người lớn và vừa nói vừa làm. Sự phát triển tâm lý của trẻ 1 - 6 tuổi theo hướng tích cực hay tiêu cực là phụ thuộc vào cách giao tiếp và hành xử của người lớn. Đây là giai đoạn trẻ đã có thể hiểu bố mẹ, người lớn nói gì, chính vì thế hãy nói những lời yêu thương nhiều hơn với trẻ.
Cũng trong giai đoạn này, cái tôi của trẻ em đã được hình thành. Trẻ bắt đầu nhận thức về giới tính và hay đặt ra những câu hỏi. Trẻ cũng đã nhận ra được vị trí của mình với mọi người và thoát khỏi những đòi hỏi tuyệt đối.
Giai đoạn 2: Từ 6 đến 13 tuổi
Giai đoạn từ 6 đến 13 tuổi là lúc trẻ bắt đầu đi học, bước vào môi trường mới và phải hoạt động tư duy, sử dụng trí nhớ nhiều hơn. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong tương lai của trẻ. Những trẻ được học trong môi trường tốt và nhận được sự quan tâm, dạy dỗ từ bố mẹ sẽ có quá trình phát triển tâm lý tốt hơn.
Quá trình phát triển tâm lý trẻ em giai đoạn này sẽ song song với quá trình hình thành nhân cách sau này của bé, gắn liền với những thói quen, nếp sống về sau. Sự hướng dẫn của thầy cô, gia đình sẽ giúp trẻ hình thành những hành vi có ý thức, khép mình vào các quy tắc, chuẩn mực xã hội và những giá trị bản thân được chấp nhận.
Giai đoạn 3: Từ 14 tuổi đến trưởng thành
Đây là giai đoạn có nhiều biến động nhất trong sự phát triển của trẻ. Những diễn biến phát triển tâm lý trẻ em giai đoạn này cũng khá phức tạp, bị ảnh hưởng và chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan để chuẩn bị cho quá trình dậy thì, trưởng thành.
Ở giai đoạn này, trẻ có những thay đổi rõ rệt về hình thức, tâm sinh lý, trẻ cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Chính vì thế, đôi khi chỉ một lời khen nhỏ cho thành công nhỏ cũng sẽ khiến trẻ trở nên tự cao, tự mãn và đánh giá cao bản thân mình. Ngược lại, những thất bại nhỏ khi bị chê trách cũng có thể khiến cho trẻ rụt rè, tự ti.
Cha mẹ nên làm gì để nuôi dạy một bé trai thành người đàn ông thật tốt?
1. Thay vì ở nhà, người mẹ nên đi làm
Như nghiên cứu đã chỉ ra, việc có một người mẹ đi làm có thể ảnh hưởng tích cực đến con cái của cả hai giới. Được những người mẹ như vậy nuôi dưỡng, trẻ em gái khi lớn lên có khả năng tìm được việc làm với mức lương cao hơn và đảm nhiệm các vị trí giám sát, các bé trai lại có xu hướng giúp đỡ việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình hơn. Các bé trai cũng có thái độ tiến bộ hơn đối với vai trò của từng giới.
2. Khuyến khích trẻ đánh giá cảm xúc của mình
Nhiều cậu bé được cha mẹ ép vào lối mòn con trai phải “nam tính”, dẫn đến việc lớn lên e ngại bày tỏ cảm xúc của mình. Họ trở thành những người đàn ông không thể giao tiếp tốt, khiến bản thân gặp khó trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác và giữ mối quan hệ ổn định, lành mạnh. Vì vậy, khi nuôi dạy bé trai, điều quan trọng là dạy con trai bạn thể hiện cảm xúc của mình và đề cập tới những cảm xúc cá nhân một cách cởi mở.
3. Dạy cho trẻ ranh giới và sự tôn trọng
Khi bạn bắt đầu dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể như mắt, tai, miệng, tay, chân... Cha mẹ thường né tránh dạy trẻ về các bộ phận “riêng tư”. Điều này không nê. Hãy nói tên các bộ phận này cho trẻ, tên đúng của chúng chứ không phải các tên ngộ nghĩnh cha mẹ bịa ra. Trẻ cần biết gọi tên chính xác các bộ phận để nếu như có ai đó xâm phạm khu vực ấy, trẻ sẽ tự ý thức được chuyện đang xảy ra.
4. Chế ngự hành vi bạo lực
Để ngăn chặn suy nghĩ bạo lực của trẻ, cha mẹ cần chỉ cho trẻ rằng mặc dù tức giận và thất vọng là những cảm xúc bình thường, trẻ không nên thể hiện chúng bằng cách đe dọa hoặc bạo lực. Cha mẹ cần giúp trẻ tìm ra phương pháp thích hợp để xử lý những cảm giác tiêu cực đó. Với người bố, điều quan trọng nữa là trở thành ví dụ về nam tính lành mạnh cho con.
5. Học cách tôn trọng người khác
Để tránh cho con trai trở thành người ích kỷ và bảo thủ hay gia trưởng, nên dạy trẻ học cách tôn trọng lựa chọn của người khác, bất kể phản hồi của họ là thế nào đi nữa. Đó cũng là cách cha mẹ dạy trwe về việc ứng xử sao cho người khác luôn tôn trọng các quyết định của trẻ.
6. Hãy để con tương tác thật nhiều với bố
Nhiều gia đình bỏ mặc con cái cho người mẹ chăm nom, giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, vì bố còn bận công việc, vì bố đi làm xa... Một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) chứng minh, khi tương tác với bố ít nhất 2 tiếng mỗi ngày, trẻ sẽ thông minh hơn và thành công hơn. Thêm vào đó, khi trưởng thành, các bé trai này sẽ mạnh mẽ hơn trong tương tác xã hội so với những đứa trẻ chỉ do mẹ chăm sóc, dạy dỗ.
Theo Mộc - VietNamNet