Những ngôi trường cổ kính, đẹp mộng mơ tuổi học trò ở TP.HCM
Du lịch online - Ngày đăng : 06:00, 29/09/2021
Nữ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong một buổi lễ
Trường THPT Lê Quý Đôn được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène (trung học bản xứ).
Việc mở rộng nhận học sinh người Việt (phải có quốc tịch Pháp) được thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Trường chia thành hai khu riêng biệt: khu dành cho học sinh Pháp, gọi là Quartier Européen và khu học trò Việt gọi là khu bản xứ, nhưng hai nơi đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp.
Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay thuộc hệ thống công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do hai tác giả Thạch Phương và Lê Trung Hoa chủ biên cũng khẳng định: Năm 1874, thành lập Trường Collège Chasseloup Laubat. Như vậy, có thể xem Lê Quý Đôn là trường trung học cổ nhất Sài Gòn hiện nay, với hơn 140 năm tuổi và được chọn là một trong những di tích văn hóa của TP.HCM.
Những hàng cây cổ thụ bên trọng sân trường luôn là đề tài mà các cựu học sinh nhớ đến
Biết bao thế hệ học sinh đã để lại nhiều kỷ niệm với ngôi trường cổ ngay giữa lòng TP.HCM
Ngày nay, Trường THPT Lê Quý Đôn vẫn là nơi đào tạo ra bao nhân tài cho đất nước
Ngôi trường cổ kính nhìn từ bên ngoài
Được thành lập năm 1918, với tên gọi ban đầu là Trường cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp, Trường THPT Marie Curie chỉ dành cho các nữ sinh người Pháp và một số ít người Việt Nam, xuất thân từ các gia đình giàu có và quyền quý ở Sài Gòn thời bấy giờ. Trong giai đoạn đó, các môn học ở trường đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Năm 1946, trường được đổi tên thành Trường trung học Lucien Mossard. Trong giai đoạn từ năm 1954-1969, trường vẫn là trường trung học tư thục dành cho nữ sinh, nâng cấp đào tạo học sinh lên bậc tú tài. Đến năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh theo học.
Sau ngày 30/4//1975, Trường THPT Marie Curie do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý và trở thành Trường THPT công lập Marie Curie. Năm 2015, trường được UBND TP.HCM công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của thành phố.
Thầy cô và học sinh Trường THPT Marie Curie trong một buổil lễ
Kiến trúc cổ của trường luôn là đề tài làm say mê những người từng là học trò nơi đây
Đã có biết bao thế hệ học trò ngồi trên những cái rễ của cây cổ thụ này để học bài, tâm sự, trò chuyện
Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, được bao bọc bởi bốn giao lộ đông người, thờ ơ với những bon chen, náo nhiệt của phố phường, ngôi trường đã trở thành một chốn bình yên đi về phủ đầy cây xanh bóng mát, là đất lành nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp tri thức cho biết bao lớp học trò trưởng thành và vinh danh cho đời.
Được khởi công xây dựng từ năm 1913, từ tâm huyết của những người trí thức yêu nước quan tâm đến vấn đề giáo dục nữ giới, bên cạnh những kiến trúc phổ biến ở đầu thế kỉ XX, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vẫn ung dung khoác lên mình chiếc áo thanh tân được tô điểm bằng bao đổi thay, phát triển và vươn lên không ngừng qua từng năm tháng.
Ban đầu trường chỉ có những lớp đồng ấu (Enfantin) và những lớp cao đẳng (Supérieur) của bậc sơ học. Năm 1922 trường đã khánh thành Ban nữ trung học học đường với cái tên Collège de Jeunes Filles Indigènes (Trường con gái bản xứ). Màu tím được chọn là màu áo đồng phục cho nữ sinh thời bấy giờ, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam; vì thế trường còn được gọi là Trường Áo Tím.
Năm 1940, trường được đổi tên là Lycée Gia Long, màu áo tím của nữ sinh được chuyển sang màu áo trắng tinh khôi, cùng với huy hiệu bông mai vàng rực rỡ, lại càng tô điểm thêm những trang sử truyền thống cho ngôi trường. Và sẽ không ngạc nhiên khi trường được mang tên người nữ anh hùng bất khuất Nguyễn Thị Minh Khai. sau ngày đất nước thống nhất.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay rất nổi tiếng, không chỉ đơn thuần là vì ngôi trường có khuôn viên đẹp như một công viên, hay mái ngói rêu phong, mà còn vì phong cách, nề nếp mang một dấu ấn rất riêng của ngôi trường và những chủ nhân của nó - những con người đã, đang dạy và học ở nơi đây.
Ngôi trường cổ kính có những vòm ô cửa sổ như những lâu đài trong cổ tích