Tin thế giới 28/9: Ukraine nóng lòng kéo cả châu Âu về vụ thỏa thuận Nga-Hungary; Moscow 'nhắc nhẹ' Kiev; Trung Quốc bóng gió với NATO

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:32, 28/09/2021

Căng thẳng Hungary-Ukraine liên quan thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Budapest và Moscow, quan hệ Nga-Mỹ, Triều Tiên thử tên lửa, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và NATO, Anh xin gia nhập CPTPP... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Tin thế giới 28/9: Ukraine nóng lòng kéo cả châu Âu về vụ thỏa thuận Nga-Hungary; Moscow 'nhắc nhẹ' Kiev; Trung Quốc bóng gió với NATO
Thỏa thuận cung cấp khí đốt mới giữa Nga-Hungary đang gây bất mãn cho Ukraine, kéo theo căng thẳng mới giữa Kiev và Budapest. (Nguồn: Today Nation News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Hungary-Ukraine căng thẳng liên quan thỏa thuận cung cấp khí đốt mới giữa Budapest và Moscow

Ngày 27/9, Hungary đã ký một thỏa thuận mới đặt hàng khí đốt từ Nga trong 15 năm tới, với nhà xuất khẩu khí đốt độc quyền Nga Gazprom.

Ngày sau động thái trên, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, Kiev ngạc nhiên và thất vọng trước việc Budapest ký thỏa thuận với nhà xuất khẩu Nga, khẳng định thỏa thuận là một "quyết định hoàn toàn phi lý về chính trị, kinh tế" cũng như gây tổn hại cho quan hệ Ukraine-Hungary.

Ukraine tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC). Phản ứng lại, Hungary cáo buộc Ukraine can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Ngày 28/9, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã triệu Đại sứ Ukraine tại nước này vì cái mà ông Szijjarto cho là những âm mưu của Kiev ngăn chặn thỏa thuận trên.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng thông báo với hãng Reuters rằng họ cũng đã triệu Đại sứ Hungary tại nước này trong một động thái ăn miếng trả miếng.

Trong tin nhắn bằng văn bản, người phát ngôn bộ trên nêu rõ: "Việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine làm suy yếu an ninh quốc gia của đất nước chúng tôi và an ninh năng lượng của châu Âu. Phía Ukraine sẽ thực hiện các biện pháp mang tính quyết định để bảo vệ lợi ích quốc gia", song không công bố thêm chi tiết. (Reuters, Sputnik)

Điện Kremlin cảnh báo: Kiev không có quyền can thiệp thỏa thuận khí đốt Nga-Hungary

Ngày 28/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, hợp đồng mới về cung cấp khí đốt ký giữa Hungary và Gazprom không vi phạm quyền của bất kỳ ai.

Ông Peskov nói rõ: "Đây là một hợp đồng dài hạn, sẽ đảm bảo cung cấp khí đốt thường xuyên, tin cậy và có thể dự báo cho Hungary theo các tuyến đường được đảm bảo và có lợi ích kinh tế. Thỏa thuận này không vi phạm quyền của bất kỳ ai hay bất cứ quy tắc thương mại quốc tế nào".

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: "Hầu như không quốc gia nào, kể cả Ukraine, có quyền can thiệp vào khía cạnh này của quan hệ Nga-Hungary".

Về ý kiến cho rằng, Nga sử dụng khí tự nhiên như một công cụ để trừng phạt Ukraine, người phát ngôn Peskov nói: “Nga chưa bao giờ, không bao giờ và không có ý định sử dụng khí tự nhiên để trừng phạt bất kỳ ai”.

Quan chức Điện Kremlin nói thêm rằng: "Nga đã và vẫn là bên bảo đảm tuyệt đối cho an ninh năng lượng của cả lục địa Châu Âu", đồng thời khẳng định, thỏa thuận cung cấp khí đốt Nga-Hungary đơn thuần chỉ là "một phần trong quan hệ song phương". (TASS)

Triều Tiên thử tên lửa

Ngày 28/9, Hàn Quốc và Nhật Bản đều thông báo Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng vật thể không xác định ra biển Nhật Bản.

Theo đánh giá ban đầu, giới chức hai nước cho rằng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngay lập tức, Mỹ, Hàn và Nhật Bản đều lên tiếng về vụ việc, cho rằng động thái của Triều Tiên gây ra mối đe dọa với an ninh và hòa bình trong khu vực bán đảo Triều Tiên và các quốc gia láng giềng.

Cùng ngày, truyền thông cho hay, Triều Tiên dường như đã triệu tập một phiên họp Quốc hội sau vụ phóng.

Trong khi đó, vài giờ sau vụ phóng vật thể không xác định, Đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Sung Kim để thảo luận về động thái mới nhất của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Triều Tiên cho biết, những cải thiện trong quan hệ liên Triều chỉ có thể xảy ra khi Hàn Quốc từ bỏ thái độ thù địch chống lại chế độ ở Triều Tiên và thái độ hai mặt gọi các vụ thử vũ khí của Triều Tiên là "hành động khiêu khích" trong khi tự mình tiến hành các cuộc thử vũ khí tương tự.

Về quan hệ Mỹ-Triều, Bình Nhưỡng thúc giục Washington từ bỏ thái độ thù địch bằng cách dừng vĩnh viễn các cuộc tập trận chung với Seoul cũng như việc triển khai các lực lượng trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

Nga-Mỹ: Mỹ muốn sử dụng các căn cứ của Nga ở Trung Á, liệu Moscow có gật đầu?

Báo The Wall Street Journal (WST) đưa tin, trong một cuộc gặp hồi tuần trước, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã đưa ra đề xuất với Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Đại tướng Valery Gerasimov rằng, để quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ của Nga ở Trung Á.

Tuy nhiên, người đứng đầu khoa Chính trị thế giới thuộc Đại học Tổng hợp nghiên cứu quốc gia Nga Vladimir Batyuk nhận định, việc các lực lượng vũ trang của Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Nga ở Trung Á là điều hoàn toàn không thể xảy ra.

Trong một phát biểu, ông Batyuk cho rằng, ở Mỹ có những thế lực rất mạnh phản đối hợp tác quân sự giữa Washington và Moscow nói chung, cũng như bất kỳ sự hợp tác nào giữa 2 bên, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

Theo ông Batyuk, một quốc gia chỉ có thể cho phép một nước khác sử dụng căn cứ quân sự của mình khi giữa hai nước có quan hệ đồng minh quân sự khăng khít, trong khi mối quan hệ Nga-Mỹ hiện nay hoàn toàn không ở mức để bàn tới bất kỳ loại hình liên minh quân sự nào, thậm chí là triển vọng để thành lập liên minh.

Ông Batyuk lưu ý, sẽ là điều rất tốt nếu ít nhất quân đội Nga và Mỹ vẫn còn duy trì được đối thoại dù ở mức độ hạn chế, vì điều này cho phép ngăn chặn bất kỳ sự cố quân sự nghiêm trọng nào giữa các lực lượng vũ trang của 2 nước. (Sputnik)

Thiện chí đối thoại với NATO, Trung Quốc bóng gió về châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 27/9, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó bày tỏ quan ngại của liên minh quân sự này đối với kho vũ khí hạt nhân "ngày càng mở rộng và tình trạng thiếu minh bạch về tiến trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc”.

Thông cáo của NATO dẫn phát biểu của ông Stoltenberg khẳng định, mặc dù Trung Quốc không phải là kẻ thù của khối này, song Bắc Kinh phải “duy trì các cam kết quốc tế và hành động một cách có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế”.

Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh, “sự minh bạch của cả hai bên và đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí sẽ mang lại lợi ích cho cả NATO và Trung Quốc”.

Về phía Trung Quốc, cho rằng chìa khóa thúc đẩy các mối quan hệ nằm ở việc áp dụng những nhận thức đúng đắn về nhau, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ thiện chí của Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với NATO trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững quan hệ song phương.

Theo Nhà ngoại giao Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không cần thiết lập bất kỳ khối quân sự mới nào, cũng không nên có sự đối đầu được kích động bởi các nước lớn hay tạo ra bất kỳ "vòng tròn nhỏ" nào nhằm châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng NATO cần giữ cam kết đối với vị thế địa chính trị nguyên gốc của mình, và đóng vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. (AFP, THX)

Trung Quốc chỉ trích phán quyết của WTO về tranh chấp với Mỹ

Ngày 27/9, Trung Quốc chỉ trích phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tranh chấp với Mỹ liên quan các biện pháp của Washington nhằm hạn chế nhập khẩu tấm pin năng lượng Mặt Trời.

Trước đó, trong tháng này, một ủy ban của WTO đã phán quyết Mỹ thắng kiện, bác bỏ cả 4 yêu sách từ phía Trung Quốc và khẳng định rằng, những biện pháp của Washington không vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. Tuy vậy, Trung Quốc tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này.

Thông cáo của phái đoàn Trung Quốc cho hay, tại cuộc họp riêng, đại diện nước này đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước những phán xét gây hại mà báo cáo của ủy ban trên đưa ra", đồng thời cho rằng, phán quyết này là “sai lầm và nguy hiểm”. (Reuters)

CPTPP: Các nước thành viên thảo luận về việc Anh xin gia nhập

Ngày 28/9, các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên về việc Anh xin tham gia Hiệp định này.

Tại cuộc họp trực tuyến do Nhật Bản chủ trì, các bên đã thảo luận về những nỗ lực của Anh để trở thành thành viên của CPTPP, các điều luật và quy định trong nước cần được sửa đổi để đáp ứng các tiêu chí của hiệp định này.

Tháng 2 năm nay, Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP sau khi chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái.

Nếu được chấp thuận, Anh sẽ là nước đầu tiên gia nhập CPTPP, hiện đang gồm 11 thành viên, kể từ khi hiệp định này có hiệu lực hồi năm 2018. Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do này. (Kyodo)

Nhật Bản, Anh nhất trí thảo luận về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang

Ngày 28/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết, nước này và Anh đã đồng ý khởi động cuộc thương lượng về Hiệp định Tiếp cận Tương hỗ (RAA), một thỏa thuận tăng cường khả năng tương tác và hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của cả hai nước.

Ông Motegi nói: "Chúng tôi tin tưởng thỏa thuận này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh chúng tôi nỗ lực hướng tới hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Vòng đàm phán đầu tiên về RAA sẽ được tổ chức vào ngày 7/10.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang hướng tới việc ký kết một thỏa thuận tương tự với Australia sau khi nhất trí trên nguyên tắc về quy chế của hiệp ước lực lượng trong cuộc đàm phán song phương hồi tháng 11 năm ngoái.

RAA là một khuôn khổ pháp lý nhằm đơn giản hóa các thủ tục, như mang vũ khí, để các lực lượng vũ trang của một quốc gia tham gia hoạt động huấn luyện chung ở một quốc gia đối tác. (Kyodo)

Hoàng Hà