Sau lùm xùm liên quan lính đánh thuê Nga, Mali tỏ nỗi ấm ức giữa Liên hợp quốc, Pháp nói gì?
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:56, 28/09/2021
Thủ tướng Mali Choguel Kokalla Maïga phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 25/9. (Nguồn: Archyde) |
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), ông Maiga nói rõ: "Diễn biến mới xuất hiện vào cuối chiến dịch Barkhane, đặt Mali vào tình thế bị bỏ rơi giữa chừng, khiến chúng tôi phải độc lập tìm kiếm các cách thức và phương tiện mới từ các đối tác khác để đảm bảo an ninh tốt hơn”.
Thủ tướng Maiga khẳng định, Nga mang đến sự ủng hộ rõ ràng với mong muốn "tìm kiếm đối tác mới" của Mali, bao gồm cả "các công ty tư nhân bán quân sự đến từ Nga".
Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, ông không nhắc tới Tập đoàn Wagner của Nga.
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Mali khẳng định, việc nước này "lấp đầy khoảng trống sẽ không khiến một số quyền ưu tiên nhất định của lực lượng Barkhane bị mất đi ở phía Bắc Mali".
Phàn nàn về thông báo đơn phương của Paris mà không có sự phối hợp ba bên với LHQ và chính phủ quốc gia Tây Phi, ông Maiga nhấn mạnh: "Mali lấy làm tiếc rằng nguyên tắc tham vấn và phối hợp, vốn là quy định giữa các đối tác đặc biệt, đã không được tuân thủ ở quyết định trên".
Thủ tướng Maiga kêu gọi "một tư thế tấn công hơn nữa" đối với 15.000 binh sĩ của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA) khi đối mặt với mối đe dọa thánh chiến ngày càng tăng ở Sahel.
Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Mali được đưa ra trong bối cảnh hồi giữa tháng, truyền thông đưa tin, quốc gia Tây Phi sắp hoàn tất một thỏa thuận thuê 1.000 lính đánh thuê của công ty an ninh tư nhân Nga Wagner để huấn luyện quân đội và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao.
Mới đây, trong một cuộc họp báo của LHQ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, Mali đã tiếp cận "các công ty tư nhân của Nga". Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cam đoan rằng việc này không liên quan đến chính phủ Nga dưới bất kỳ hình thức nào.
Phản ứng trước những cáo buộc của Thủ tướng Mali, ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Pháp một lần nữa ra tuyên bố bác bỏ, khẳng định: “Sự thay đổi trong công tác bố trí lực lượng của chúng tôi ở khu vực Sahel không phải là động thái rời khỏi Mali hoặc là một quyết định đơn phương. Thật sai lầm khi khẳng định điều trái ngược này”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre nêu rõ: "Công tác bố trí lực lượng của quân đội Pháp được đưa ra sau “những cuộc tham vấn với nhà chức trách Sahel và Mali”.
Bà Legendre nhấn mạnh: “Pháp hết sức tận tâm với phía Mali và các quốc gia khác trong Nhóm G5 Sahel (gồm Mauritania, Mali, Niger, Burkina Faso và Chad) theo đề nghị của họ trong cuộc chiến chống khủng bố, vốn vẫn là một ưu tiên tuyệt đối”.