Chủ mới biệt thự tại Tam Đảo đề nghị bồi thường 13 tỷ thay Trịnh Xuân Thanh
Pháp luật - Ngày đăng : 18:59, 27/09/2021
XEM CLIP:
Hôm nay (27/9), Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ Ethanol Phú Thọ ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Trong số 6 người kháng cáo có bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961, cựu Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án, PVB), Khương Anh Tuấn (SN 1975, cựu Phó Trưởng phòng Thương mại, PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB) đã chấp hành xong hình phạt tù. Các bị cáo này kháng cáo xin giảm trách nhiệm hình sự.
Trình bày tại tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) cho rằng mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho PVB và đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá đúng mức độ, vai trò của bị cáo.
Các bị cáo tại tòa |
Ông Hà kháng cáo vì cho rằng, nguyên nhân chủ quan khiến gây ra thiệt hại là do quá trình triển khai dự án đã xảy ra sai phạm từ phía chủ đầu tư PVB, từ nhà thầu...
HĐXX cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường dân sự 100 tỷ đồng là chưa hợp lý và mức án 6 năm 6 tháng tù mà bị cáo phải nhận là quá nghiêm khắc.
Bị cáo Khương Anh Tuấn thì cho rằng, trong vụ án này, PVB là chủ đầu tư, đã không thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình để ngăn chặn thiệt hại, khiến thiệt hại xảy ra.
Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX lại đưa ra phán quyết để PVB được hưởng bồi thường thiệt hại là không hợp lý.
Luật sư của bị cáo Khương Anh Tuấn đưa ra quan điểm, tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đến trách nhiệm của Ngân hàng Seabank và PVcombank. Khi dự án Ethanol Phú Thọ bị dừng thi công từ năm 2015, nhưng đến năm 2018, phía ngân hàng không có động thái thu hồi công nợ, phát mại tài sản.
Bản án sơ thẩm cho rằng, quan hệ tín dụng giữa PVB và Seabank, PVCombank có nhiều nội dung khác nhau, quá trình giải quyết còn liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo. HĐXX cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết trong vụ án này. Các bên tự giải quyết và có quyền khởi kiện bằng vụ án dân khác khi có yêu cầu. |
Đề nghị bất ngờ
Trình bày tại tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chủ mới biệt thự Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh là ông Kiều Đào Lâm (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Mai Phương – Công ty Mai Phương) tỏ ra xúc động khi nhắc đến những khó khăn vấp phải sau khi mua lại biệt thự của Trịnh Xuân Thanh.
Ông Lâm đã bật khóc và bất ngờ đưa ra đề nghị về việc Công ty Mai Phương sẽ đứng ra bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh và ông Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ PVC Kinh Bắc) đối với khoản tiền gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC.
Ông Kiều Đào Lâm |
Kèm theo đó, ông Lâm đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên trả lại cho Công ty Mai Phương Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo.
Trong phần trình bày, ông Lâm cho rằng, PVC thiệt hại hơn 13 tỷ đồng và chỉ yêu cầu bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền này, nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên án thu toàn bộ mảnh đất này để trả lại cho PVC.
“Trong khi đó tôi đã mua lô đất với giá 45 tỷ đồng bằng tiền hợp pháp của cá nhân tôi, và đã được cơ quan điều tra xác minh. Điều này là quá thiệt thòi cho doanh nghiệp chúng tôi”, lời ông Lâm.
Vẫn theo lời ông Lâm, để có tiền mua được mảnh đất này, ông đã huy động toàn bộ tài sản và vay mượn từ nguồn khác. Nếu mảnh đất này bị thu hồi, phía công ty chắc chắn sẽ phá sản...
Trước ý kiến của ông Lâm, đại diện PVC cho hay, cần báo cáo cụ thể và xin ý kiến lãnh đạo sau.
Khi được HĐXX hỏi, đại diện Công ty Mai Phương xác nhận, nếu được HĐXX đồng ý, phía công ty sẽ nộp khoản tiền bồi thường thiệt hại 13 tỷ đồng ngay trong quá trình diễn ra phiên tòa này. Công ty đề nghị tòa tạm dừng phiên xử để nộp khoản tiền khắc phục này.
T.Nhung