Sohu cho biết Tử Thất không muốn đưa vụ việc ra tòa. Bất lợi đang thuộc về ngôi sao 31 tuổi khi sở hữu cổ phần ít hơn Lưu Đồng Minh - CEO của Vô Niệm Hàng Châu. Cô cũng không có tên trong hội đồng quản trị hay đảm nhận bất kỳ chức vụ quan trọng nào trong công ty này. Năm 2016, khi Lý Tử Thất vẫn còn là cái tên xa lạ với khán giả, cô ký hợp đồng với Lưu Đồng Minh. Vô Niệm Hàng Châu sẽ làm cầu nối, giúp sao nữ liên hệ và trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hiệu. Một năm sau, mô hình hợp tác giữa hai bên chuyển từ hợp đồng sang liên doanh. Lý Tử Thất bỏ 1 triệu NDT thành lập Tử Thất Tứ Xuyên với tư cách đại diện pháp nhân, còn cổ đông lớn nhất lại là Lưu Đồng Minh. Dù hoạt động độc lập, thực chất Tử Thất Tứ Xuyên là công ty con của Vô Niệm Hàng Châu. Nhiều năm qua, một phần thu nhập của Tử Thất Tứ Xuyên cũng đến từ việc cấp phép nhãn hiệu cho Vô Niệm Hàng Châu như sản phẩm bún ốc, sau đó thu phí ủy quyền và trả cho Lý Tử Thất dưới hình thức cổ đông. Ngược lại, Vô Niệm có nghĩa vụ dùng nguồn lực tài chính của mình để quảng bá cho tên tuổi Lý Tử Thất. Trên Sina, luật sư Dư Kiến Minh cho biết sự không cân xứng trong việc chia cổ phần, tỷ lệ góp vốn ngay từ đầu, đang khiến Lý Tử Thất tổn thất lớn. Với cách phân chia cổ tức và chức vụ hiện tại, cô gái chỉ là công cụ kiếm tiền "nuôi sống" hai công ty mà cô không có quyền điều hành. Theo ông, thời điểm chưa nổi tiếng, tỷ lệ ăn chia như trên có thể nói là lợi cho Tử Thất, nhưng hiện tại là không phù hợp. Nhìn vào con số 1,6 tỷ NDT cô mang về cho công ty trong năm 2020, có thể thấy là Vô Niệm Hàng Châu đang dùng tiền Lý Tử Thất kiếm được quảng bá và trả lợi nhuận cho chính người đẹp. "Lý Tử Thất nhận ra được điểm bất lợi, nhưng quá muộn. Điều khoản hợp đồng lẽ ra nên được cô chủ động đàm phán lại khi độ nổi tiếng và số tiền kiếm được tăng theo cấp số nhân", luật sư Dư Kiến Minh nói. Ông cho biết với tình thế hiện tại, không luật sư nào dám đảm bảo có thể giành lại quyền sở hữu nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh cửa hàng trực tuyến cho Lý Tử Thất khi vụ việc cần đến sự can thiệp từ luật pháp. Theo Sina, nếu không thể giải quyết ổn thỏa với Vô Niệm Hàng Châu, công sức và tiền bạc đổ vào việc xây dựng thương hiệu riêng của Lý Tử Thất xem như mất trắng. Rủi ro bị biến thành công cụ kiếm tiền Trong những năm gần đây, nền tảng video trực tuyến nở rộ ở Trung Quốc tạo cơ hội kiếm tiền cho influencer và streamer trẻ. Rất nhiều người khi gia nhập ngành này đều đầu quân cho công ty MCN (mạng đa kênh) như Vô Niệm Hàng Châu bằng hình thức góp vốn, nhằm đảm bảo đầu ra của sản phẩm để nhanh chóng nổi tiếng và cuối cùng thực hiện thương mại hóa.
Các công ty MCN đang khiến nhiều ngôi sao mạng nếm trái đắng vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Ảnh: Sohu.
Theo điều tra của Tân Hoa Xã vào năm 2020, có đến 90% người nổi tiếng trên Internet ký hợp đồng với công ty MCN tại Trung Quốc, trích bài viết MCN: Bàn tay đứng sau các ngôi sao mạng.
Các công ty MCN chịu trách nhiệm sàng lọc và ươm mầm những người nổi tiếng trên Internet. Họ còn đảm nhận một loạt nhiệm vụ như phát triển và quản lý nội dung, kết nối tài nguyên và thương mại hóa tên tuổi của sao mạng.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến sự bất cập và rủi ro cho người nổi tiếng, nhất là trong việc phân chia lợi nhuận. Phần lớn công ty này đều hưởng đến 70% tổng thu nhập của các ngôi sao mạng. Sự mất cân đối trong việc hưởng lợi ích kinh tế khiến không ít người xảy ra tranh chấp với công ty chủ quản.
Theo Sina, năm 2020, ngôi sao Chu Nghị phải rời công ty quản lý tay trắng sau khi kiến nghị thay đổi tỷ lệ chia hoa hồng. Anh không hài lòng với việc nhận mức lương quá thấp so với số tiền chục triệu NDT bản thân kiếm được mỗi năm.
Trên Sina, anh thất vọng khi công sức và vốn đầu tư bị công ty quản lý "nuốt chửng". Chu Nghị cho biết ngày ra đi còn bị đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ là nội dung quay video do anh sáng tạo.
Tháng 4 vừa qua, blogger Lâm Thần cũng chia tay công ty quản lý với lý do tương tự. Cô cho biết không thể chấp nhận việc thu nhập không tương xứng với chất xám và công sức bỏ ra.
"Tôi biết ơn công ty đã tạo điều kiện cho mình, nhưng mọi thứ cần phải công bằng. Sau khi tôi trả đủ số tiền đầu tư, họ phải có nghĩa vụ làm lại hợp đồng với tư cách đối tác, không thể bắt tôi mãi làm việc dưới thân phận con nợ hay công cụ kiếm tiền ", Lâm Thần bức xúc.
Phụng Hựu Sinh - chủ tịch của công ty livestream Yingke cho biết - hầu hết đơn vị quản lý và môi giới người nổi tiếng trên mạng đều có những điều khoản hợp đồng tận thu bắt buộc. Điều này xuất phát từ việc độ hot của ngôi sao mạng thông thường chỉ duy trì trong 2-3 năm. Cho nên, sau một năm bỏ tiền đầu tư, năm tiếp theo họ bắt buộc phải lấy nhiều hơn ở chỗ nghệ sĩ dưới trướng.
Với những công ty theo mô hình PGC (sáng tạo nội dung chuyên nghiệp), thông thường tỷ lệ ăn chia sẻ sẽ cân đối theo mức thu nhập của ngôi sao mạng, sao cho có lợi cho cả hai bên.
Như trường hợp của Phùng Đề Mạc, cô kết thúc hợp đồng với Douyu - công ty livestream nổi tiếng nhất Trung Quốc - trong hòa bình, không xảy ra tranh chấp kinh tế. Theo QQ, tổng thu nhập mỗi năm của Đề Mạc nhận được từ Douyu lên đến 1 tỷ NDT. Hiện tại, cô đã thành lập công ty riêng và trở thành bà chủ.
Trong khi đó, một số đơn vị MCN lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các ngôi sao để tạo ra "bẫy" tài chính và quyền sở hữu trí tuệ hoặc kinh doanh trong hợp đồng. Nếu không tiếp tục làm theo thỏa thuận, họ chỉ có thể ra đi tay trắng do hoàn toàn thua thiệt về mặt pháp lý.
Ngày 18/9, Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc thông báo thành lập Ủy ban môi giới và giám sát hoạt động biểu diễn trực tuyến trên mạng xã hội. Nhân Dân nhật báo cho biết 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực livestream và video ngắn đã ký cam kết với giới quản lý.
Theo quy định mới, streamer không được thực hiện hành vi phản cảm như khoe thân, khoe của, có phát ngôn gây sốc trong lúc livestream. Ngoài ra, họ còn bị nghiêm cấm tổ chức hoạt động kêu gọi người hâm mộ đóng góp, tặng vật phẩm đắt tiền. Cá nhân vi phạm sẽ bị tẩy chay, khóa tài khoản có thời hạn tùy theo mức độ vi phạm.
Không chỉ vậy, các công ty quản lý bất kể là MCN hay PGC đều được yêu cầu minh bạch thu nhập của các ngôi sao mạng để phục vụ công tác thanh tra thuế thường kỳ, và phải đăng ký giấy phép biểu diễn thương mại cho nghệ sĩ theo đúng quy định.
Động thái của Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc nhằm mục đích chấn chỉn tình trạng bát nháo trên không gian mạng. Không ít ngôi sao trực tuyến đã dùng chiêu trò thô tục, lố lăng để gây chú ý.
Tiểu Phan Phan đưa lên Internet nội dung không phù với tiêu chuẩn cộng đồng. Ảnh: iFeng.
Ngày 22/9, nữ ca sĩ Tiểu Phan Phan, nổi tiếng với bài hát Học tiếng mèo kêu năm 2018, bị CCTV phê bình vì cải biên quá lố ca khúc dân gian thuộc thể loại Kinh kịch truyền thống Nữ phò mã, sang giai điệu hiện đại.
CCTV nhận định hành vi của Tiểu Phan Phan không tôn trọng tinh hoa văn hóa dân tộc, khiến giới trẻ có nhận thức sai lầm về ca khúc dân gian của Trung Quốc. Theo Sina, vụ việc của cô đã được báo cáo lên Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc xem xét xử lý.
Trước làn sóng tẩy chay, Tiểu Phan Phan lên tiếng xin lỗi, đồng thời gỡ bỏ video gây tranh cãi trên mạng xã hội. Sohu cho biết người đẹp sinh năm 1992 hiện tìm mọi cách cứu vớt hình ảnh sau vụ lùm xùm để tránh án phạt nặng. Theo quy định mới, cô có thể bị khóa tài khoản thời gian dài.