Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng

Du lịch online - Ngày đăng : 11:32, 26/09/2021

Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Châu Đốc, An Giang trước đây có tên là “vùng Thất Sơn”. Nhắc đến Châu Đốc thì không thể không nhắc đến chùa Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng khắp cả nước. Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, đây là địa danh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí.

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 1

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang

Theo truyền thuyết, tượng Bà Chúa Xứ là một pho tượng cổ rất thiêng nằm trên đỉnh núi Sam từ rất lâu. Thêm một điểm sẽ khiến du khách bất ngờ khi được biết tượng Bà Chúa Xứ thực ra là tượng nam được sách kỷ lục An Giang ghi nhận là pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam. Đáng tiếc là phần đầu của tượng hiện đang thờ tại miếu Bà không phải là nguyên gốc, mà được chế sau bằng loại đá khác với thân tượng.

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 2Tượng Bà Chúa Xứ - Châu Đốc

Khoảng năm 1820, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau trốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về nước. Nhưng khi vừa khiêng đi được một đoạn đường ngắn, tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được. Khi đó, một tên trong bọn giặc tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.

Theo nhân gian truyền miệng thì vị trí đặt tượng bà hiện nay cũng là do Bà chọn. Khoảng 200 năm trước, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, chỉ bảo dân làng phải khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Tuy nhiên, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyển nổi tượng Bà.

Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết: “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”. Dân làng làm theo lời và quả đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng. Khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 3

Tượng Bà khi chưa mặc xiêm y hoàn chỉnh

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ban đầu được cất đơn sơ bằng tre, đất và đất. Về sau năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãn và Nguyễn Bá Lăng.

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 4

Miếu Bà nằm trên đỉnh núi Sam linh thiêng được rất nhiều người đến cúng viếng

Hàng năm, cứ đến ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch thì chính quyền nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà rất trang trọng. Lễ hội diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch với 5 nghi thức lễ khác nhau như:

- Lễ “tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.

- Lễ “thỉnh sắc” tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24.

- Lễ túc yết và Lễ xây chầu: Lễ “túc yết” là lễ dâng lễ vật (lễ vật chính là con heo trắng) và tiến hành nghi thức cúng Bà, lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26. Ngay sau đó, là “Lễ xây chầu” mở đầu cho việc hát bộ (còn gọi là hát bội hay hát tuồng).

- Lễ chánh tế được cử hành vào 4 giờ sáng ngày 27.

- Lễ hồi sắc được cử hành lúc 16 giờ chiều cùng ngày, ngay sau khi Lễ chánh tế kết thúc. Đây là lễ đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 5

Chánh điện thờ phụng Bà Chúa Xứ

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 6Khu vực trưng bày cổ vật trong miếu

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 7Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 8Khách thập phương đổ về rất đông mỗi khi Châu Đốc tổ chức lễ Vía Bà

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng - 9Khách du lịch chụp ảnh trước sảnh miếu Bà Chúa Xứ

Trong quá trình diễn ra lễ, người dân đến kính viếng, xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh bùa Bà… để về làm ăn. Năm 2005, lễ hội Vía Bà (lễ hội vía bà Chúa Xứ) được Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Tấn An