Người thừa kế Huawei chuẩn bị cho cuộc sống hậu phóng thích
Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:10, 25/09/2021
Bà Mạnh Vãn Chu tham dự phiên điều trần tại Vancouver, Canada ngày 10/8/2021. (Ảnh: Reuters) |
Như nhiều giám đốc hàng đầu Trung Quốc khác, bà Mạnh luôn là nhân vật bí ẩn. Một số nguồn tin cho rằng một ngày nào đó, nữ Giám đốc tài chính (CFO) 49 tuổi của Huawei sẽ nắm quyền công ty do cha mình thành lập.
Tuy nhiên, bà Mạnh lại bị bắt tháng 12/2018 tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ buộc tội bà gian lận ngân hàng, gây nhầm lẫn cho HSBC Holdings về các thỏa thuận kinh doanh tại Iran.
Sau khi bà Mạnh đạt thỏa thuận với công tố viên Mỹ ngày 24/9, thẩm phán Canada cũng hủy bỏ phiên điều trần dẫn độ của bà. Tiếp đó, chính phủ Canada ra tuyên bố xác nhận bà có thể tự do rời khỏi đất nước. Theo nguồn tin thân cận của Reuters, bà đã lên chuyến bay về Trung Quốc cùng ngày.
Trả lời phóng viên và người ủng hộ khi ra khỏi phòng xử án Vancouver sau phiên điều trần, bà Mạnh bày tỏ: “Cuộc đời tôi đảo lộn trong 3 năm qua. Đó là những ngày tháng gián đoạn với tư cách một người mẹ, người vợ”.
“Dù vậy, tôi tin rằng mỗi đám mây đều có quầng sáng. Nó thực sự là trải nghiệm vô giá trong đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên tất cả lời chúc tốt lành mà tôi nhận được từ mọi người trên thế giới”.
Bà Mạnh luôn giữ vẻ ngoài vô cảm mỗi lần xuất hiện trước đám đông kể từ khi bị bắt, song vào sáng 24/9, bà cười rạng rỡ khi rời nhà đến tham dự phiên điều trần ảo giữa Vancouver và Brooklyn (Mỹ).
Vụ bắt giữ bà Mạnh dồn mọi sự chú ý vào Huawei tại thời điểm toàn cầu ngày một lo ngại về an ninh công nghệ. Trong hàng chục phiên tòa, các luật sư xây dựng hình ảnh “ái nữ Huawei” như một người qua đường vô tội bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bà Mạnh bị giam lỏng tại nhà ở Vancouver. Theo các điều khoản, bà có thể đi lại trong thành phố vào ban ngày và quay về nhà vào ban đêm. An ninh tư nhân giám sát bà 24/7, chi phí do bà chi trả.
Chồng, con trai và con gái bà đến thăm bà trong thời kỳ Covid-19. Dựa vào lá thư bà viết gửi nhân viên Huawei nhân 1 năm ngày bị bắt, bà Mạnh giết thời gian bằng cách vẽ tranh, đọc sách và làm việc.
Theo website Huawei, bà Mạnh gia nhập công ty năm 1993, nhận bằng Thạc sỹ tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung năm 1998, trải qua nhiều vị trí, hầu hết liên quan tới tài chính.
Bà là Giám đốc Bộ phận Kế toán quốc tế, CFO Huawei Hong Kong, Chủ tịch Bộ phận Quản trị tài chính.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước báo chí Trung Quốc năm 2013, bà Mạnh nói công việc ban đầu của bà là thư ký, người chuyên gọi các cuộc điện thoại. Năm 2011, bà trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Người trong công ty mô tả bà là người có năng lực và chăm chỉ.
Dù anh trai bà Mạnh, Mạnh Bình cũng như vợ và em trai ông Nhậm đều làm việc tại Huawei và các công ty liên quan, không ai nắm chức vụ quản lý cao như vậy.
Theo Reuters, bà Mạnh được nội bộ xem là người thừa kế sáng giá của ông Nhậm Chính Phi. Ông Nhậm, 76 tuổi, thành lập Huawei năm 1988 và tương đối kín tiếng.
Hầu hết “thị phi” xoay quanh Huawei đến từ việc ông Nhậm từng công tác trong Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA), nơi ông là kỹ sư dân sự trong gần một thập kỷ cho tới khi rời đi năm 1983.
Quan chức một số nước, đặc biệt là Mỹ, lên tiếng lo ngại về mối quan hệ gần gũi giữa Huawei và Trung Quốc. Huawei liên tục nhấn mạnh Bắc Kinh không có ảnh hưởng với họ.
Vào thời điểm bà Mạnh bị bắt, doanh thu Huawei chia đều giữa nội địa và quốc tế. Một nửa đến từ cung ứng thiết bị cho các nhà mạng khắp thế giới. Song, từ đây, phương Tây lần lượt tránh xa gã khổng lồ Trung Quốc. Năm 2019, Huawei có mặt trong danh sách Entity List của Bộ Thương mại Mỹ, cấm tiếp cận công nghệ quan trọng nguồn gốc Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng thiết kế chip riêng và mua linh kiện từ các nhà sản xuất khác.
Lệnh cấm đặt bộ phận thiết bị cầm tay của Huawei dưới áp lực nghiêm trọng. Công ty phải bán thương hiệu smartphone bình dân Honor cho một liên minh vào tháng 11/2020 để duy trì sự sống cho nó. Hiện tại, doanh thu từ bộ phận tiêu dùng chiếm hơn nửa tổng doanh thu, 66% đến từ Trung Quốc, theo báo cáo thường niên năm 2020.
Du Lam (Theo Reuters)