Mất việc do Covid-19 được hưởng cao nhất 3,3 triệu từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:19, 25/09/2021
Nghị quyết nêu rõ, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, Chính phủ quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động
Mục đích nhằm thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.
Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới,duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Người lao động đang làm thủ tục hưởng chính sách từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp |
Chính phủ yêu cầu, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Việc thực hiện chính sách đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác. Có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Việc thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả; không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Doanh nghiệp được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ tiền lương
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Cụ thể, người đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng được hỗ trợ: 1,8 triệu đồng/người; đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.4 triệu đồng/người; đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2,650 triệu đồng/người; đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.9 triệu đồng/người; đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.3 triệu đồng/người.
Nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho người lao động khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 với thời gian thực hiện từ 1/10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.
Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng.
Bộ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự toán thu, chi và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức thực hiện các chính sách theo quy định và kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các khó khăn, vướng mắc để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.