Long Nhật: 'Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ như nhát roi quất vào tim'
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:02, 24/09/2021
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Bộ quy tắc dành cho nghệ sĩ. Bộ quy tắc không chỉ áp dụng cho nghệ sĩ trực thuộc các nhà hát mà cả nghệ sĩ tự do. Dù chưa chính thức được ban hành nhưng thông tin này đã gây chú ý.
Bởi thời gian qua, nhiều nghệ sĩ gây tranh cãi trong dư luận về việc ứng xử, chuyện đời tư… Ca sĩ Long Nhật cho biết anh ủng hộ Bộ quy tắc này ra đời, nhưng vẫn thấy buồn.
Ca sĩ Long Nhật buồn vì Bộ quy tắc ứng xử ra đời, nghĩa là nghệ sĩ đã không làm đẹp được hình ảnh của mình
Thế hệ nghệ sĩ trước rất mực thước
- Khi nghe về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, anh nghĩ gì về điều này?
Đây thực sự là điều chưa có tiền lệ. Từ xưa đến giờ, hình ảnh nghệ sĩ luôn rất đẹp, lấp lánh trong mắt công chúng. Đó thực sự là công của những nghệ sĩ đi trước. Tôi luôn ngưỡng mộ cô Thu Hiền, Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, thầy Quang Thọ…
Ai cũng đẹp từ đạo đức, tâm hồn, cách nói chuyện tới cách hát, cả các sản phẩm âm nhạc. Cách hành xử của họ trước mọi vấn đề đều rất mực thước. Đến giờ, mẹ Giao Linh vẫn luôn nói chuyện chỉn chu, thận trọng ngay cả khi nói với các con cháu, thế hệ sau của mình.
Gần đây, tôi làm MC của chương trình Duyên Phận, được trò chuyện với rất nhiều nghệ sĩ thế hệ trước. Trong chương trình, họ thậm chí còn nói “dạ” trước khi chia sẻ dù tôi nhỏ tuổi hơn họ. Đó là phông văn hóa của nghệ sĩ. Họ làm gì, nói gì cũng thận trọng.
Có thể nói, các nghệ sĩ thời trước được công chúng yêu quý vì chừng mực trong lời ăn tiếng nói, có đức có hạnh.
- Còn nghệ sĩ ngày nay, anh có nghĩ đã khác xưa?
Nghệ sĩ bây giờ thì… Tôi nghĩ, để Bộ VH,TT&DL phải đưa ra Bộ quy tắc ứng xử thì mọi người phải tự nhìn nhận lại mình.
Việc ứng xử như thế nào mà để Bộ Văn hóa phải đưa ra quy tắc đó? Trong khi, mỗi người luôn cần phải nói lời hay ý đẹp.
Theo Long Nhật, các nghệ sĩ thế hệ trước luôn chừng mực trong lời ăn tiếng nói, cách hành xử
- Theo anh, lý do gì đã dẫn tới hệ quả này?
Tôi nghĩ có lẽ một phần từ sự bùng nổ của mạng xã hội. Ai muốn nói gì cũng được. Đôi khi, nói dài, nói dai lại thành nói dại. Cũng có lúc nóng giận mất khôn, sẽ buông ra những lời cay đắng.
Trong khi, một người mất bình tĩnh sẽ có thể mất tất cả. Lúc tức giận, người ta cứ nói cho đã cái tôi của mình, rồi không biết rằng hậu quả lại gây ảnh hưởng tới bao nhiêu người.
Ngày xưa, nghệ sĩ không ra đường, không tụ tập, cũng chẳng ai bán hàng online hay livestream nói gì. Công chúng muốn gặp nghệ sĩ cũng khó.
Lứa của chúng tôi, 9h sáng đã đi thu âm cho đài truyền hình, thu cho sớm để kịp chiều quay hình, tối đi diễn.
Nam ca sĩ cho rằng, sự bùng nổ của mạng xã hội dễ khiến nghệ sĩ buông ra những lời "nói dại"
Ngày nào cũng làm việc như vậy nên không có thời gian rảnh rỗi để gây ra chuyện gì. Vả lại trước đây, nghệ sĩ chỉ thuần làm nghề. Các sản phẩm như CD, DVD đều phải duyệt và được cấp phép mới được phát hành. Khâu quản lý khá chặt chẽ.
Còn bây giờ, Youtube tràn lan nhiều sản phẩm mà không ai kiểm duyệt. Ai lên đó làm gì, nói gì cũng không bị kiểm soát.
Thương nghệ sĩ chân chính bị đánh đồng
- Anh có cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử có nghệ sĩ là thực sự cần thiết?
Thực ra, tôi cho rằng Bộ quy tắc này rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để chấn chỉnh lại những điều không hay. Đúng là thời gian qua, đã xảy ra quá nhiều chuyện. Có điều, với cá nhân tôi, đây là điều đáng buồn.
Việc Bộ Văn hóa đưa ra quy tắc như vậy, giống như một nhát roi quất thẳng vào tim nghệ sĩ và rướm máu. Bởi điều đó có nghĩa, giới nghệ sĩ đã không làm đẹp được hình ảnh của mình trong mắt công chúng.
Tất nhiên, không phải tất cả nghệ sĩ. Chỉ là lỗi ở một số người nhưng lại làm công chúng đánh đồng cả giới nghệ sĩ. Tôi thương các nghệ sĩ đàng hoàng chân chính, những nghệ sĩ lớn tuổi khi bỗng dưng bị đánh đồng, bị quy chụp là “giới nghệ sĩ”.
Long Nhật ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ, đồng thời mong có chế tài xử phạt với những người vi phạm
- Có ý kiến cho rằng, ứng xử thuộc về phạm trù văn hóa và đạo đức. Bộ quy tắc đưa ra nhưng không có chế tài, không dễ đạt được hiệu quả. Anh nghĩ thế nào?
Dù không có chế tài nhưng có cảnh báo vẫn hơn không. Ví như con cái đi ra xã hội, bố mẹ chỉ dặn hãy ăn nói đàng hoàng tử tế, đi về sớm, cẩn thận… Dù chưa biết con có nghe lời hay không nhưng có một lời căn dặn vẫn hơn. Tất nhiên, sẽ có đứa chấp hành, có đứa không.
Nói 1 lần không nghe, nói 100 lần sẽ nghe. Có một thời gian xôn xao mấy vụ nghệ sĩ trình diễn ăn mặc lố lăng, phản cảm. Cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc và một thời gian cũng đỡ mấy vụ thế này. Có nhắc nhở vẫn hơn không đấy!
Nhưng đúng ra, nghệ sĩ đừng để cho Bộ phải đưa ra quy tắc như thế. Nghệ sĩ ra sân khấu cũng biết trang điểm đẹp, hát một bài cũng biết nắn nót cho hay thì ứng xử cũng nên như vậy.
Tôi cũng mong nếu được, Nhà nước nên có chế tài xử phạt những người vi phạm quy tắc, quy định. Cứ làm mạnh tay với những nghệ sĩ thiếu đạo đức, ứng xử kém bằng cách cấm sóng, cấm diễn… Kiểu gì có lẽ cũng có tác dụng.
Theo Baogiaothong