Báo Mỹ ca ngợi vai trò lãnh đạo nổi bật của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu
Đối ngoại - Ngày đăng : 19:49, 23/09/2021
Bài viết trên trang Washington Times có tiêu đề 'Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc' ngày 21/9. |
Các phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi LHQ đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có kể từ khi thành lập.
Khủng hoảng y tế tiếp diễn cùng với đại dịch Covid-19 đã tạo ra những trở ngại cho sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ và các nước đang phát triển. Đây là vấn đề mang tính quốc tế, không chỉ của riêng lẻ một quốc gia nào. Cùng với đó, LHQ đóng vai trò tối quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Trong khi các nước phát triển đang thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, nhiệm vụ cấp bách của thế giới hiện nay là ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế này ở các nước đang phát triển như Cao ủy LHQ về người tị nạn đã khẳng định: “Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”.
Một vài quốc gia phát triển kiểm soát được đại dịch không có nghĩa là họ đã an toàn. Họ cần mở rộng phạm vi tiêm chủng, mạng lưới và nguồn cung vaccine Covid-19 cho các nước nhỏ, các nước đang phát triển, và hỗ trợ những nước này phục hồi sau đại dịch.
LHQ nói chung và các nước lớn nói riêng cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình này. Cuộc khủng hoảng sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức đối với sự phát triển hiện có. Mặc dù các chính phủ đã bắt đầu hành động, nhưng sự phục hồi của các nước đang phát triển còn gặp nhiều thử thách bởi nguồn lực hạn chế.
Ngoại giao cấp cao của Việt Nam ‘vào cuộc’
Bất chấp sự bùng phát trở lại của Covid-19 với biến thể Delta, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Chủ tịch luân phiên HĐBA vào tháng 4, cũng như năng lực và sự tự tin thúc đẩy các sự kiện mang dấu ấn riêng và các nỗ lực xây dựng hòa bình.
Khả năng lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu này được thể hiện khi lần thứ hai quốc gia mới nổi này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA luân phiên với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
HĐBA là cơ quan quyền lực nhất của LHQ bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, còn 10 thành viên không thường trực được bầu theo nhiệm kỳ hai năm một lần. |
Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và làm Chủ tịch HĐBA vào tháng 7/ 2008 và tháng 10/ 2009. Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai trong lịch sử trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.
Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc tế đã được minh chứng rộng rãi khi đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, và Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặc dù Thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận chung nào, Hà Nội vẫn nổi lên như một sứ giả xây dựng hòa bình với ngoại giao hòa giải.
Sự tái định vị của Việt Nam với tư cách là cường quốc trung dung và ngày càng đẩy mạnh vai trò xây dựng hòa bình, thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của quốc gia đóng vai trò hòa giải quan trọng trong ASEAN về các vấn đề an ninh khu vực.
Năm ngoái, trong nỗ lực xây dựng hình ảnh, Việt Nam cũng tích cực triển khai “ngoại giao khẩu trang” bằng cách xuất khẩu, viện trợ hàng triệu chiếc khẩu trang cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong ba thập niên qua, Việt Nam đã được công nhận là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quốc gia này đã áp dụng thành công các thể chế thị trường đúng đắn, dẫn đến hơn hai thập niên phát triển kinh tế ấn tượng.
Các quốc gia thành viên LHQ hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của dân tộc. Hành trình vượt bậc của Việt Nam từ tình trạng thu nhập thấp lên trung bình, đã đưa hơn 40 triệu người Việt thoát nghèo trong giai đoạn 1993-2014.
Bất chấp sự bùng phát trở lại của Covid-19 với biến thể Delta, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch luân phiên HĐBA vào tháng 4, cũng như năng lực và sự tự tin thúc đẩy các sự kiện mang dấu ấn riêng và các nỗ lực xây dựng hòa bình. |
Hành trình thành công của quốc gia này ở LHQ được đẩy nhanh nhờ những bước tiến đáng chú ý được triển khai từ năm 1995 đến năm 1999, bao gồm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Mỹ, đồng thời hợp tác với các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đáng chú ý, Việt Nam đã tận dụng khả năng hội nhập sâu rộng hơn với hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi Sổ lưu niệm tại cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: TTXVN) |
Tích cực tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ
Trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Hà Nội không ngần ngại ủng hộ các sáng kiến của LHQ, nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình.
Với sự cởi mở và gắn kết với thế giới, Việt Nam sẵn sàng có tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong LHQ. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực thành công khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014. Sự kiện này đã giúp mở rộng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, cựu thù trong quá khứ và nay là Đối tác toàn diện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia đào tạo nhân lực, cử sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Kể từ năm 2014, Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình trong việc gìn giữ hòa bình, đóng góp cho cộng đồng quốc tế bằng cách cử quân nhân đến Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Việt Nam cũng đã tham gia các khóa tập huấn chính thức của Cơ quan huấn luyện tích hợp của Liên hợp quốc (ITS) nhằm nâng cao năng lực huấn luyện cho Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, giúp họ làm quen với những bước tiến mới nhất trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ.
Không những thế, Việt Nam còn bày tỏ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố: “Chúng tôi có nhiệm vụ củng cố và phục hồi tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, đặc biệt là trước những thách thức và cơ hội to lớn trong thế kỷ XXI”.
Với sự cởi mở và gắn kết với thế giới, Việt Nam sẵn sàng có tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong LHQ. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực thành công khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014. |
Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014. (Nguồn: BVDC 2.1) |
Ủng hộ các sáng kiến về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 của LHQ
Việt Nam nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ hiện tại của biến đổi khí hậu như đường bờ biển dài 1.800 dặm dọc Biển Đông, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, mực nước biển dâng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa nuôi sống nhân dân cả nước và là quê hương của hơn 20 triệu người Việt.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đồng ý với quan điểm của LHQ rằng nghèo đói và các vấn đề môi trường có mối liên hệ với nhau. Tác động của con người đối với đại dương và các cộng đồng ven biển là rất sâu sắc, từ việc phá hủy các hệ sinh thái biển và mất đa dạng sinh học.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu dưới hình thức trực tuyến do Mỹ đăng cai tổ chức ngày 23/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Hiện nay biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu. Tại Việt Nam, riêng trong 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng”.
Với những thách thức kép của Covid-19 và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang một trạng thái bình thường mới sẽ đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia phát triển với các nước nghèo và các nước đang phát triển.
Việt Nam cam kết xây dựng tương lai của chính mình bằng việc đóng góp chủ động và có trách nhiệm cho HĐBA LHQ nhằm đáp ứng mục tiêu kép là gìn giữ hòa bình và các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Việt Nam-Liên hợp quốc: Chặng đường 44 năm tốt đẹp, tích cực, điển hình |