Chuyến đò ‘ken cứng’ người qua dòng sông chảy xiết ở Thanh Hóa
Xã hội - Ngày đăng : 05:10, 23/09/2021
Cầu phao xã Cẩm Vân bắc qua sông Mã sang xã Cẩm Tân đã tồn tại vài chục năm nay. Đây cũng là cây cầu chính giao thương của 7 xã phía Nam của huyện Cẩm Thủy, hàng ngày có cả nghìn lượt người qua lại.
Khoảng nửa tháng nay, nước sông Mã dâng cao, chảy xiết chính quyền địa phương phải cắt cầu, người dân phải đi lại bằng đò.
Chuyến đò "ken cứng" người |
Nước chảy xiết nguy cơ tiềm ẩn tai nạn |
Mỗi ngày có cả nghìn lượt người qua lại ở bến thuyền |
“Chúng tôi là người dân sống ở đây, đã quen với việc đi lại kiểu như thế này rồi. Nước cạn đi cầu phao, nước to qua lại bằng đò. Tuy nhiên khi tan tầm, công nhân, học sinh đi học về đò chở chật cứng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chính vì vậy, người dân rất mong mỏi có một cây cầu cứng để qua lại”, ông Tuấn, người dân ở đây cho biết.
Cũng theo người dân, mùa này nước sông mặc dù có cao nhưng còn qua lại được, như mùa lũ thì chịu. Người dân bị cô lập, ngưng trệ sản xuất, học sinh phải nghỉ học.
Ghi nhận của VietNamNet, vào giờ tan học, học sinh ra về đi trên chuyến đò này rất đông, lên đến cả trăm người, tuy nhiên không có một cái áo phao nào....
Giờ cao điểm chủ yếu là học sinh qua đò |
Học sinh ngồi chênh vênh giữa dòng nước trên đầu cầu phao chờ đò |
Sợ lỡ chuyến, học sinh thi nhau chạy xuống đò |
“Vẫn biết chen chúc nhau trên đò để sang sông là rất nguy hiểm, nhưng nếu không như vậy thì chúng em sẽ muộn giờ học. Khi tan học cũng phải về nhanh còn ăn cơm chuẩn bị cho buổi học chiều. Để đi đường bộ, chúng em phải đi ngược lên thị trấn Phong Sơn quay xuống, quãng đường cả mấy chục cây số”, một học sinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết, bến đò cầu phao này phục đi lại cho nhiều xã phía Nam huyện Cẩm Thủy. Bên cạnh đó, có hàng trăm học sinh phải qua sông đi học ở trường cấp 3. Ngoài ra, người dân xã Cẩm Vân còn phải thường xuyên qua sông để sản xuất nông nghiệp. Mùa nước cạn còn đỡ vất vả, mùa mưa rất khó khăn, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt bị ngưng trệ.
Theo bà Lan, đò ngang đang hoạt động tại đây được Sở GTVT cấp phép và quy định số lượng người khoảng 20 người/lượt, đò này phục vụ người dân địa phương, không thu tiền. Đối với khách từ nơi khác đến thì nhà đò có thu để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
“Phần lớn người dân qua lại bằng cầu phao. Mùa mưa lũ như hiện tại nước sông cao, cầu phao không thể qua lại được, nên thay thế bằng đò. Việc đò chở người với số lượng đông như phản ánh, chúng tôi cũng đã chấn chỉnh nhiều lần rồi.
Sau khi tiếp nhận thông tin, xã sẽ làm việc lại với nhà đò và đồng thời cử người giám sát chặt chẽ về việc này để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại”, bà Lan cho biết.
Lê Dương