Trung thu mùa Covid-19 là lúc chúng ta học cách sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn

Xã hội - Ngày đăng : 21:39, 21/09/2021

Trung thu mùa Covid-19 là lúc chúng ta cần học cách sống chậm lại, bớt đòi hỏi, biết chia sẻ, dành nhiều thời gian và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ.
Tết Trung thu, nghĩ về
Tết Trung thu, trẻ cần được yêu thương nhiều hơn. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Năm nay, Tết Trung thu thật đặc biệt. Nhiều đứa trẻ không cảm nhận được niềm vui đêm trăng. Rất nhiều bạn nhỏ đã và đang giữ trong mình những áp lực, có những bất ổn, thậm chí trầm cảm mà không sao giải tỏa được.

Năm nay, phố Trung thu không sáng đèn. Hàng quán bán đồ Trung thu không rộn ràng như trước. Nhiều đứa trẻ không có đèn ông sao, bánh dẻo, bánh nướng cũng ít. Tiếng trống gọi trăng chỉ lác đác vang lên ở một số địa phương đang yên ổn về dịch. Đâu đó, sự lặng im đã khiến đêm Trung thu khá im ắng.

Trung thu năm nay, các bạn nhỏ cũng không gặp nhau, không được rước đèn phá cỗ. Thay vì trêu ghẹo nhau, ríu rít cười đùa, râm ran trò chuyện, đám trẻ âm thầm ngồi trước màn hình học trực tuyến hoặc cặm cụi làm bài tập.

"Để có thể chăm lo tốt cho các con, nhất thiết chúng ta phải lập một đường dây nóng giải quyết mọi vấn đề cho trẻ. Đó là chữa trầm cảm mùa dịch, bảo dưỡng tâm hồn trẻ, để các em không bị cô đơn khi ở trong nhà quá lâu, để các em được nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực".

Với trẻ lớp Một, sự đột ngột xuất hiện của các bạn mới trên máy tính, điện thoại thật sự xa lạ. Những ngày ngồi làm bạn với thiết bị công nghệ, viết bài, làm toán, đọc chữ thật đáng sợ. Lác đác có một số em lăn ra ngủ, chui xuống gầm bàn trốn, hờn dỗi. Tiếng mắng mỏ, dỗ dành bất lực của cha mẹ vang lên.

Trung thu năm nay, cha mẹ cũng mệt mỏi và bất lực hơn. Thất nghiệp, công việc kinh doanh bị ảnh hưởng, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” bủa vây... Có cha mẹ xa con mấy tháng trời, hàng ngày ngắm con qua điện thoại.

Như một cơn cuồng phong độc hại, Covid-19 quét qua, tìm cách chặn đứng mọi sợi dây hạnh phúc của con người. Dịch bệnh, thiên tai - những thứ khiến con người sợ hãi nhưng cũng thức tỉnh, biết dừng lại, sống chậm lại, ngẫm nghĩ về những gì đã qua. Ta nhận ra trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống, biết tích lũy. Và hơn hết, ta biết lo lắng cho trẻ em nhiều hơn.

Với hơn 1.000 đứa trẻ mồ côi sau Covid-19, trường học miễn phí dành cho các em là vô cùng đáng quý. Nhưng các con còn cần tình yêu thương, sự chở che, bù đắp. Mong rằng, chúng ta sẽ có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, xây dựng được lộ trình nuôi dưỡng, chăm sóc các em với đầy đủ tình yêu thương. Rồi dịch Covid-19 sẽ trôi qua như cơn ác mộng độc hại. Trái đất sẽ bình an. Hy vọng Trung thu năm sau niềm vui sẽ quay trở lại với tất cả trẻ em.

Để có thể chăm lo tốt cho các con, nhất thiết chúng ta phải lập một đường dây nóng giải quyết mọi vấn đề cho trẻ. Đó là trầm cảm mùa dịch, “bảo dưỡng” tâm hồn trẻ, để các em không bị cô đơn khi ở trong nhà quá lâu, để các em được nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.

Tết Trung thu, nghĩ về
Trẻ cũng cần học kỹ năng sống, kỹ năng biểu lộ cảm xúc, kỹ năng xử lý những vấn đề gặp phải chứ không thể bù đắp bằng vật chất. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Trường lớp, kinh phí đi học, các vấn đề rèn luyện liên quan là một phần của kế hoạch. Bên cạnh đó, những người đỡ đầu, sẵn sàng chia sẻ, an ủi, động viên và giáo dục trẻ sẽ cần xuất hiện ngay khi các con cần.

Việc nhận nuôi về mặt tinh thần không nhất thiết phải là người thân, hoàn toàn có thể là những người có tấm lòng nhân ái ở khắp nơi. Nếu không thể thu xếp sống chung, họ vẫn có thể bên các con mọi lúc khi việc kết nối số đã quá thuận tiện. Những cuộc trải nghiệm, khám phá và cả giây phút đầm ấm, quây quần vào dịp lễ tết dành cho các con cũng cần tính tới. Bởi lẽ, không thể đáp ứng mọi nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu tinh thần của các con bằng tiền.

"Phụ huynh, hãy gác bớt công việc lại, hãy dành thời gian cho trẻ nhiều hơn, hãy dạy trẻ biết yêu thương nhiều hơn chứ không phải bù đắp cho các con bằng những món quà đắt tiền mỗi dịp Tết Thiếu nhi hay Trung thu về".

Trung thu mùa Covid-19 cũng là lúc chúng ta cần phải học cách sống chậm lại, bớt đòi hỏi, biết chia sẻ và cống hiến nhiều hơn. Chúng ta cần học cách tích góp, tiết chế nhu cầu, dành nhiều thời gian cho cộng đồng, cho gia đình và bố trí cuộc sống hợp lý hơn. Việc này không chỉ các bạn trẻ, mỗi người đều cần thay đổi và hoàn thiện hơn.

Hơn hết, đối tượng cần quan tâm nhiều nhất là những đứa trẻ. Trẻ không chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp, học viết chữ đẹp, làm toán nhanh. Trẻ không chỉ cần được học ngôi trường tốt là đủ. Các con cũng không chỉ cần những món đồ chơi đắt tiền mỗi dịp Trung thu về. Trẻ cần học kỹ năng sống, kỹ năng biểu lộ cảm xúc, kỹ năng xử lý những vấn đề gặp phải.

Trẻ cần được dạy biết cho đi và nhận lại, cần được kết nối với cha mẹ nhiều hơn, cần được tiếp sức mỗi khi áp lực trong học tập dồn nén. Phụ huynh, hãy gác bớt công việc lại, hãy dành thời gian cho trẻ nhiều hơn, hãy dạy trẻ biết yêu thương nhiều hơn chứ không phải bù đắp những ngày tháng học hành vất vả bằng những món quà đắt tiền mỗi dịp như Tết Thiếu nhi hay Trung thu về.

TS. Vũ Thu Hương