Học giả Ấn Độ 'chỉ điểm' những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa New Delhi và AUKUS

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:00, 21/09/2021

Tác giả Arjun Gargeyas* trong bài viết trên tờ Asia Times đã chỉ ra rằng, Ấn Độ và AUKUS có nhiều khía cạnh hợp tác tiềm năng, trong đó phải kể đến lĩnh vực công nghệ, quốc phòng, hạt nhân và chuyên môn kỹ thuật.
Cách thức để Ấn Độ hợp tác cùng liên minh AUKUS
Hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Australia (AUKUS) được cho là có nhiều dư địa hợp tác với Ấn Độ. (Nguồn: Financial Times)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chuẩn bị tới Mỹ để tham gia hội nghị trực tiếp đầu tiên của Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ tứ), dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Nhóm Bộ tứ, gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ, đã nhận được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi thành lập năm 2020.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động quyết đoán ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự trở lại của Bộ tứ được xem như một đối trọng với tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực này.

Tuy nhiên, có vẻ sự trở lại của Bộ tứ chỉ là bước khởi đầu để các liên minh tiềm năng ở phương Tây phản ứng trước ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thành lập hiệp ước an ninh ba bên mới với Vương quốc Anh và Australia, được gọi là “AUKUS”, trong đó đặc biệt tập trung vào khía cạnh an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây sẽ là cơ sở để cả ba nước thành viên tham gia hợp tác quốc phòng và công nghệ, đồng thời hợp tác quản lý các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và không gian mạng.

Mặc dù việc Ấn Độ tham gia Bộ tứ là điều cần thiết, song cũng có nhiều lý do thực tế để New Delhi phối hợp với các nước AUKUS nhằm giúp liên minh này đạt được các mục tiêu.

Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Modi và ông Biden có thể là cơ sở để Ấn Độ hợp tác với AUKUS.

Mối đe dọa từ chiến tranh công nghệ

Khi mới thành lập, Bộ tứ coi an ninh hàng hải là một trong những lĩnh vực trọng tâm của nhóm. Với việc Trung Quốc tăng cường năng lực hải quân trong suốt hai thập kỷ qua, Bộ tứ nhắm tới mục tiêu xây dựng các liên minh với phần còn lại của khu vực dưới dạng thức tập trận hải quân chung và đầu tư vào công tác phát triển các hạm đội hải quân tối tân.

Trước việc một số công nghệ then chốt trở thành trung tâm của các cuộc cạnh tranh địa chính trị trong suốt 5 năm qua, công nghệ mới nổi vẫn là một tài sản chiến lược to lớn đối với mỗi nước.

Trong tương lai, công nghệ nhiều khả năng sẽ là “chiến trường mới” để các nước tranh giành vị thế địa chính trị, thay cho chiến tranh thông thường. An ninh mạng, không gian và thông tin liên lạc cũng đang nổi lên là những lĩnh vực tiềm ẩn xung đột giữa các quốc gia.

Trong AUKUS, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ, nhưng Vương quốc Anh và Australia lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Với những đóng góp cho hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, Ấn Độ có thể mang lại lợi thế to lớn về cả nguồn nhân lực lẫn vốn để AUKUS hợp tác trong các công nghệ mới nổi.

Sự hợp tác xuyên biên giới này, đặc biệt là trong các công nghệ chiến lược, có thể giúp các nước của khu vực "giải tỏa" nguy cơ tấn công trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều bất ổn do sự xuất hiện của các cường quốc hạt nhân ở châu Á. Nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân là rất lớn.

Thời gian qua, khu vực này đã chứng kiến nhiều hoạt động phát triển năng lực hạt nhân. Dù không phải là một nước theo đuổi vũ khí hạt nhân, song Hàn Quốc vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Triều Tiên đã đáp trả bằng cách thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo của nước này, khiến cuộc chạy đua vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng.

Trong khi đó, theo một số nhà quan sát, tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và nguy cơ vũ khí hạt nhân của Pakistan lọt vào tay những phần tử cực đoan cũng có thể gây ra nhiều mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực.

Dự kiến, liên minh AUKUS sẽ tập trung vào khả năng phòng thủ dưới nước. Với việc dồn trọng tâm phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, động thái này tái khẳng định rằng, chính sách đối ngoại mà Tổng thống Biden đang xây dựng là một cách để tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặt khác, Ấn Độ hiện là một trong những cường quốc hạt nhân có nền công nghệ phát triển nhất khu vực và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu INS Arihant, được Ấn Độ hạ thủy vào năm 2009, là tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không nhằm trong nhóm 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Kinh nghiệm của Ấn Độ trong lĩnh vực chiến tranh dưới nước và sự gần gũi với khu vực sẽ là động lực chính để AUKUS và đất nước sông Hằng hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ hạt nhân, tập trung đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.

Củng cố chuyên môn kỹ thuật

Đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình toàn cầu hóa và thương mại quốc tế bị đình trệ. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được tái cơ cấu để bảo vệ nền kinh tế, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, chẳng hạn như thiếu chip silicon.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, sự tự chủ về công nghệ vẫn còn khó nắm bắt, do có quá nhiều nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc cải thiện chuyên môn kỹ thuật trong một lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp ích cả về mặt chiến lược và kinh tế.

AUKUS đặt mục tiêu xây dựng một liên minh có thể hợp tác công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Chuyên môn của Mỹ về công nghệ quốc phòng và ngành công nghiệp sản xuất đất hiếm của Australia chỉ là hai trong số nhiều lĩnh vực có tiềm năng chuyển giao công nghệ.

Về phần mình, Ấn Độ cũng có thể đóng góp chuyên môn trong các công nghệ mới nổi. Chương trình không gian chi phí thấp, cùng với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh của Ấn Độ có thể là một hình mẫu để các nước khác học hỏi.

Vì vậy, AUKUS và Ấn Độ có thể hợp tác để phát huy thế mạnh của nhau, trong đó có việc mở rộng hợp tác về quốc phòng và công nghệ, từ đó nâng cao vai trò và đảm bảo đáp ứng các mục tiêu ban đầu của nhóm này.


*Arjun Gargeyas là nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Takshashila - tổ chức tư vấn chính sách công ở Bangalore, Ấn Độ.

Minh Tuấn