Nhật Bản chọn thời điểm bầu Thủ tướng mới, nguy cơ 'trống Hạ viện' trong thời gian ngắn trước tổng tuyển cử

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:39, 21/09/2021

Ngày 21/9, chính phủ Nhật Bản thông báo, quốc hội nước này sẽ tiến hành một phiên họp đặc biệt vào ngày 4/10 để bầu ra thủ tướng mới.
Nhật Bản chọn thời điểm bầu Thủ tướng mới, nguy cơ 'trống Hạ viện' trong thời gian ngắn trước tổng tuyển cử. (Nguồn: Mainichi)
Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Nhật Bản tiến hành tổng tuyển cử sau khi Hạ viện hết nhiệm kỳ. (Nguồn: Mainichi)

Ngày 17/9 vừa qua, cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã chính thức bắt đầu với 4 ứng cử viên gồm Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký điều hành LDP Seiko Noda.

Theo kế hoạch, LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới vào ngày 29/9 và bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ gần như chắc chắn trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide do đảng LDP cầm quyền đang nắm đa số ghế tại Hạ viện.

Với việc ấn định cuộc họp bầu thủ tướng vào ngày 4/10, Nhật Bản sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11 tới sau khi các thành viên Hạ viện kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 21/10, đồng nghĩa với việc Hạ viện sẽ bị "bỏ trống" trong ít nhất 10 ngày.

Kyodo giải thích rằng,nếu muốn tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước khi các nghị sỹ Hạ viện hết nhiệm kỳ, Nhật Bản sẽ phải khởi động các chiến dịch tranh cử từ ngày 5/10 để bỏ phiếu muộn nhất là vào ngày 17/10 tới.

Tuy nhiên, do thủ tướng mới sẽ có các hoạt động như công bố các thành viên nội các, phát biểu về chính sách nên dường như Nhật Bản sẽ không thể thực hiện đúng theo lộ trình này.

Do vậy, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng sẽ xảy ra một trong hai kịch bản: hoặc Nhật Bản sẽ khởi động chiến dịch tranh cử vào ngày 26/10 để hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7/11 hoặc kịch bản thứ hai là chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu từ ngày 2/11 để tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14/11.

Dù là kịch bản nào, nếu xảy ra thì đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản tiến hành tổng tuyển cử sau khi Hạ viện hết nhiệm kỳ.

Trong khi đó, kết quả thăm dò của nhật báo Yomiuri cho thấy, có ít nhất 925 ứng cử viên sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản sắp tới, trong đó có 835 người chuẩn bị ra tranh cử ở các khu vực bầu cử một ghế và 90 người khác sẽ chỉ tranh cử theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Theo tờ Yomiuri, trong số 465 ghế ở Hạ viện, 289 ghế được phân bổ cho các khu vực bầu cử một ghế, trong khi 176 ghế còn lại sẽ được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền dự kiến sẽ giới thiệu 279 ứng cử viên tranh cử ở các khu vực bầu cử một ghế, bao gồm cả những người đang trong quá trình xét duyệt, trong khi Đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền hiện nay - dự kiến sẽ giới thiệu 9 ứng cử viên theo hình thức này.

Đối với hình thức bầu cử đại diện tỷ lệ, LDP dự kiến sẽ giới thiệu 21 ứng cử viên, trong khi Đảng Công minh sẽ giới thiệu 26 ứng cử viên.

Về phần mình, Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản, dự kiến sẽ giới thiệu 215 ứng cử viên tranh cử ở các khu vực bầu cử một ghế, nhưng vẫn chưa lựa chọn ai tranh cử theo hình thức đại diện tỷ lệ.

CDPJ hy vọng sẽ giới thiệu hơn 233 ứng cử viên với mục tiêu giành đa số ghế tại Hạ viện.

Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) sẽ giới thiệu 126 ứng cử viên tranh cử ở các khu vực bầu cử một ghế và 20 ứng cử viên theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Trong số các đảng đối lập còn lại, đảng Duy Tân Nhật Bản (JIP) giới thiệu 77 ứng cử viên và đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) giới thiệu 20 ứng cử viên ở các khu vực bầu cử một ghế.

Liên minh giữa các đảng đối lập có dấu hiệu rạn nứt khi CDPJ và JCP dự định sẽ giới thiệu ứng cử viên của riêng mình ở 70 khu vực bầu cử.

Việt Hà