Để giữ cho Trái Đất "đủ ấm", sản lượng nhiên liệu hóa thạch phải lập tức đạt đỉnh để còn tụt dốc
Tin tức - Ngày đăng : 23:00, 18/09/2021
Nghiên cứu mới được xuất bản cho thấy để giữ cho mức nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng tới 1,5 độ C, một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch sẽ không được nhìn thấy ánh Mặt Trời.
Các nhà khoa học tại Đại học College London sử dụng mô hình giả lập để tìm phương án giúp nhân loại đạt được chỉ tiêu 1,5 độ C nêu trên. Với tỷ lệ thành công 50%, thì phần lớn lượng nhiên liệu hóa thạch sẽ phải nằm lại trong đất. Báo cáo nghiên cứu mới cũng tiếp tục phân tích diễn biến tiếp theo xảy đến với các doanh nghiệp, các quốc gia và cư dân toàn cầu khi viễn cảnh trở thành sự thực.
Năm 2015, 196 quốc gia ký vào Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, đồng lòng quyết tâm giữ cho mức nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới mức 2 độ C, và lý tưởng nhất sẽ là 1,5 độ C (nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất hiện tại là 1,02 độ C). Để đạt được mốc 1,5 độ C, chúng ta phải hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Dựa trên kết quả của nghiên cứu năm 2015 về tính khả thi của mốc nhiệt độ 2 độ C, báo cáo mới tiếp tục nhấn mạnh vào việc con người cần giảm thiểu lượng khí thải ngay lập tức. Trong nghiên c, mô hình chỉ ra rằng ta phải dừng sử dụng một phần ba lượng dầu mỏ còn lại trong lòng đất, một nửa số khí đốt đã đo đạc được và hơn 80% lượng than chưa khai thác.
Nghiên cứu mới còn đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn. “Chúng tôi tin rằng báo cáo khoa học mới tiếp tục hậu thuẫn những nghiên cứu gần đây, chỉ ra sản lượng dầu mỏ và khí methane hóa thạch toàn cầu cần phải đạt đỉnh ngay”, đồng tác giả nghiên cứu mới Dan Welsby nói tại một buổi họp báo.
Tỷ lệ 50/50
Theo nghiên cứu mới, từ giờ tới năm 2050, chúng ta phải bỏ lại trong lòng đất gần 60% lượng dầu mỏ và khí đốt, 90% lượng than đá thì mới có 50% cơ hội giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Điều này đồng nghĩa với việc những dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, dù là đang thai nghén hay đã đang vận hành, phải dừng lập tức. Chưa hết, sản lượng dầu mỏ và khí đốt phải đạt đỉnh trong thập kỷ tới, và giảm đều đặn 3% mỗi năm cho tới 2050.
Nghiên cứu chia vùng ra để phân tích, rồi có được những con số khác nhau theo từng địa phương. Ví dụ, tới năm 2050, Canada phải để lại 83% lượng nhiên liệu hóa thạch, một trong những lý do là chi phí sản xuất nhiên liệu hóa thạch tại đây rất cao. “Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng tài nguyên chưa được khai thác tại Bắc Cực phải nằm lại trong đất”, Welsby nói.
Nếu những thay đổi này diễn ra, những quốc gia dựa nhiều vào dầu mỏ và khí đốt, những công ty buôn bán thứ nhiệt liệu già cỗi này sẽ gặp khó khăn. Đồng tác giả Steve Pye nhận định các doanh nghiệp cần nhận ra rằng những khoản đầu tư tương lai không thể quan trọng bằng mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính được. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khẳng định những nền công nghiệp sống dựa nguyên liệu hóa thạch cần phải được hậu thuẫn để thay đổi.
Vẫn còn những quốc gia đang phát triển cần nguyên liệu hóa thạch. Báo cáo khẳng định những nước đã phát triển cần có chính sách giúp đỡ, giúp các quốc gia yếu thế có thể xanh hóa ngành công nghiệp.
Hy vọng vẫn còn khi giá thành năng lượng tái tạo, như điện gió và điện Mặt Trời, vẫn đang giảm ngày một sâu; xe điện ngày một thịnh hành, lấy mất thị phần của xe động cơ đốt trong. Theo lời James Pryce, một nhà nghiên cứu khác tại Đại học College London và đồng tác giả báo cáo mới, nhận định mức nhiệt 1,5 độ C là khả thi về mặt kỹ thuật. “Thực tế, trường hợp này là ý chí cưỡng lại cái cám dỗ của việc khai thác triệt để nhiên liệu hóa thạch”, nhà nghiên cứu Pryce nói tại buổi họp báo.