3 năm là học sinh giỏi nữ sinh vẫn 'cay đắng' trượt 16/20 nguyện vọng: Nguyên nhân vì sao?

Xã hội - Ngày đăng : 16:58, 18/09/2021

Nếu như năm 2020, điểm chuẩn đại học khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng khi có ngành lấy điểm chuẩn đến 30 điểm thì năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành tiếp tục xác lập kỷ lục mới.

“Cơn sóng thần” điểm chuẩn

Là học sinh giỏi suốt 3 năm học THPT, Đồng Thị Hà Vy (SN 2003) cựu học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) rất tự tin đỗ nguyện vọng yêu thích khi ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) em đạt 26,45 điểm.

ha-vy1.jpeg
Tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) Hà Vy đạt 26,45 điểm vẫn trượt 16/20 nguyện vọng

Trước khi biết điểm chuẩn, Hà Vy vô cùng lạc quan nghĩ kiểu gì em cũng sẽ đỗ vào ĐH Kinh tế Quốc dân như mơ ước. Bởi lẽ, 3 năm học THPT năm nào em cũng là học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp cũng khá cao so với mặt bằng chung.

“Có nằm mơ cũng chưa bao giờ em nghĩ đến là mình có thể trượt ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU). 26,45 là điểm số không thấp nhưng đánh bật em khỏi 9 nguyện vọng NEU trong một nốt nhạc.

Em thực sự đã cảm thấy rất sốc và thực sự không tin nổi là điều này có thể xảy ra. Ước mơ NEU ấp ủ từ những ngày cấp 2 đến bây giờ đã chính thức phải gác lại”, Hà Vy nuối tiếc nói.

ha-vy4.jpeg
Đồng Thị Hà Vy (SN 2003) cựu học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái

Trong tổng số 20 nguyện vọng đăng ký vào các trường, Vy đủ điểm vào 4 nguyện vọng. Trong đó, Vy “dừng chân” ở nguyện vọng thứ 16 tại ngành Ngôn ngữ Đức - Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (ULIS) khác xa những gì đã định hướng.

Với Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) thì từ tối 15/9 em vẫn thực sự sốc vì với 27,9 điểm không phải là thấp, trong đó, Toán 9 điểm, Văn 9,4 điểm và môn Anh 9,5 điểm mà không đỗ nổi vào trường ĐH Ngoại thương cũng như của ĐH Kinh tế quốc dân. Hương chấp nhận đỗ ở nguyện vọng số 8 vào trường ĐH Thương mại.

Còn với Ngô Thùy Linh (Hà Nội) em thực sự hơi thất vọng vì đã không đủ điểm để vào ĐH Ngoại thương. Năm nay, em đạt 27,1 điểm cứ nghĩ sẽ đủ điểm vào ngành có điểm chuẩn tầm trung của trường. Tuy nhiên, năm nay không ngành nào của trường dưới 28,05 điểm, những nguyện vọng sau vào ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm…cũng đều không đủ điểm đỗ.

Đi tìm lý do

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, có 3 nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng: Đó là khi phân tích phổ điểm thi, chúng ta có thể thấy ở một số môn như Tiếng Anh, kết quả cải thiện so với năm 2020. Điều này góp phần làm tăng điểm chuẩn.

Thứ hai, số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên).

Thứ ba, xu hướng chọn ngành của thí sinh (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).

cong-bo-diem-chuan5.jpeg
Ảnh minh họa

“Số lượng, tỷ lệ tuyển được năm nay cao hơn hẳn năm 2020. Chỉ những em điểm cao mà không đặt nguyện vọng vào những ngành có thể lấy thấp hơn mới trượt. Điều đó rất đáng tiếc.

Các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, các em còn cơ hội để trúng tuyển bằng phương thức khác.

Câu chuyện xét tuyển đại học là cạnh tranh. Khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình để xét tuyển các em có nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.

Đương nhiên, trong quá trình để làm sao kỳ thi đi vào thực chất hơn, để các trường đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh, bộ đang xây dựng lộ trình, phương án”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Bộ GD&ĐT thông tin, năm nay số thí sinh dự thi tăng từ 900 nghìn lên hơn 1 triệu, tăng hơn 11% so với năm 2020.

Số thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng tăng 152 nghìn (từ 643 lên 795), tăng 24% so với 2020, chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định; trong khi số nguyện vọng chỉ tăng 10 nghìn.

Số thí sinh đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác tăng 17.000 so với năm trước.

Về điểm thi, số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (tất cả tổ hợp) chiếm 4,7%. Theo Bộ GD&ĐT, đây là điều hết sức bình thường.

Về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cho hay, số mã ngành tuyển sinh từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020. Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9%.

Về điểm chuẩn đại học tăng, Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường top trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh về điểm chuẩn.

Về phương hướng tuyển sinh trong năm tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Hiện nay các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Khi phân tích dữ liệu, con số nói lên rất nhiều và rất hữu ích cho việc xây dựng chính sách. Vì vậy, chúng tôi khuyên các trường nên phân tích dữ liệu thật kỹ, điểm đầu vào, quá trình học thế nào, để từ đó thấy được phương thức nào sẽ phù hợp với trường mình.

Bộ khuyến khích các trường hợp tác liên kết để xây dựng phương án xét tuyển bổ sung vào phương thức xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có việc xây dựng các kỳ thi, bài thi để thí sinh chỉ cần dự thi ít lần, tránh vất vả cho thí sinh".

MINH AN (t/h)