Áp giá sàn vé máy bay: Rốt cuộc ai hưởng lợi?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:23, 17/09/2021

Áp giá sàn vé máy bay mang lợi ích cho một doanh nghiệp nhưng là đòn đánh mạnh vào tính cạnh tranh của thị trường và tước đoạt cơ hội đi máy bay của người nghèo.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều.

Dư luận gần như ngay lập tức "nổi sóng" phản đối bởi không ai tin trong thời điểm nền kinh tế kiệt quệ vì COVID-19, cần kích cầu để phục hồi mà lại đề xuất tăng giá vé máy bay.

“Chỉ có lợi cho Vietnam Airlines”

Trả lời VTC News ngày 17/9, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng áp giá sàn vé máy bay là vi phạm pháp luật, nguyên tắc quản lý giá và chỉ có lợi cho Vietnam Airlines.

Áp giá sàn vé máy bay: Rốt cuộc ai hưởng lợi? - 1

Áp giá sàn vé máy bay là vi phạm pháp luật, nguyên tắc quản lý giá và chỉ có lợi cho Vietnam Airlines.

Ông Long phân tích: Xét theo góc độ thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, việc quy định giá sàn trên thị trường hàng không nội địa là hoàn toàn không phù hợp, trái với định chế quản lý giá đã được quy định.

Trên thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó Vietnam Airlines chiếm khoảng 35%, Vietjet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%.

“Như vậy, theo Luật giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Theo đó, nhà nước chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn. Bởi đây là những doanh nghiệp bán dịch vụ vận chuyển cho người tiêu dùng, không được quy định giá sàn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả cho biết thêm, gần 10 năm trở lại đây, nước ta có 2 hãng bay hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ nên việc nghĩ tới một mức giá sàn là phi thực tế. Nên tiếp tục để các hãng tự quyết định giá bán vé. Nếu hãng nào vi phạm Luật giá, Luật cạnh tranh… thì luật pháp đã có đủ chế tài để xử lý.

“Việc áp giá sàn rõ ràng là hướng đến quyền lợi của Vietnam Airlines và hạn chế cạnh tranh của các hãng giá rẻ như Vietjet hay hãng bay còn non trẻ như Bamboo Airways. Bởi chỉ có Vietjet hoặc Bamboo Airways mới có chương trình bán vé 0 đồng”, ông Long nói.

Theo ông Long, Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước, được đầu tư khá lớn trong việc tân trang lại máy bay và thiết kế nội thất bên trong tạo sự sang trọng và chuyên nghiệp. Vietjet Air cũng có những hạng mục đầu tư khá lớn dành cho đội bay mới với các thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Vietjet Air vẫn là những tấm vé giá rẻ. Để đưa được ra các mức giá thấp như vậy, hãng phải cắt giảm chi phí của một số dịch vụ và chi phí phụ bên ngoài. Nay nếu cào bằng giá vé, thì chẳng khác nào tước vũ khí cạnh tranh của Vietjet Air trước đối thủ.

“Bộ Giao thông Vận tải không thể chỉ vì nhằm mục đích giảm bớt khó khăn cho Vietnam Airlines, giảm nguy phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước ở hãng bay này mà cố tình vi phạm pháp luật, ban hành quy định phi thị trường, phi thực tế gây hại cho hãng bay đối thủ, gây thiệt hại cho hàng chục triệu người dân và cản trở hồi phục sau dịch của các ngành du lịch, kinh tế…”, ông Long nói.

Đặc biệt, theo chuyên gia, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và Chính phủ đang chứng minh với các nước, đặc biệt là Mỹ và EU để họ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

“Chính sách giá sàn, bảo hộ Vietnam Airlines có thể làm tăng sự nghi ngờ, rằng Việt Nam không tôn trọng thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, tiếp tục bảo hộ doanh nghiệp nhà nước. Đó là bằng chứng bất lợi trên bàn đàm phán quốc tế và làm chậm việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”, ông Long nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng áp giá sàn vé máy bay đem đến nhiều hệ lụy hơn là tích cực.

Thứ nhất, việc áp giá sàn giá vé không phù hợp quy luật thị trường cạnh tranh.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khôi phục kinh tế, kích cầu du lịch.

Thứ ba, áp sàn giá vé khiến cho người có thu nhập thấp bị hạn chế khả năng tiếp cận vé máy bay giá rẻ.

“Trong bối cảnh thị trường hàng không hiện nay, việc áp giá sàn chỉ có lợi cho Vietnam Airlines, trong khi tất cả đều bị ảnh hưởng”, ông Tống nói.

Cần làm rõ động cơ phía sau

Đáng chú ý, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific từng nhiều lần đề xuất áp giá sàn vé máy bay. Do đó ông Tống cho rằng cần làm rõ động cơ nào khiến một đề xuất vừa ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh của thị trường, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, lại không thúc đẩy sự sáng tạo của doanh nghiệp lâu lâu lại được đưa ra.

“Dù bị phản đối nhiều lần nhưng họ vẫn kiên quyết đưa ra là vì mục đích gì? Ở đây không phải là câu chuyện quyền lực của cơ quan nào mà phải xem xét đề xuất có hợp lý, hợp pháp không. Dư luận đã nói rất nhiều mà họ vẫn kiên quyết làm là vì sao?”, ông Tống nêu vấn đề.

Vẫn theo ông Tống nếu cơ quan quản lý hàng không vẫn tiếp tục tái diễn những đề xuất tương tự thì cơ quan giám sát phải có ý kiến, các đại biểu quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân phải thể hiện quan điểm của mình trên diễn đàn Quốc hội.

Nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không đánh giá dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không nhưng đến nay hoạt động hỗ trợ chưa đồng đều. Trong khi Vietnam Airlines được cứu trợ rất nhiều, các hãng hàng không tư nhân lại chưa nhận được gì hết.

“Điều này là vô lý hết sức, gây tổn hại cho các hãng hàng không khác, và làm hại đến yếu tố cạnh tranh”, chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), áp giá sàn vé máy bay có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và làm khách hàng nhất là người có thu nhập thấp mất cơ hội đi máy bay giá rẻ.

“Áp giá sàn vé máy bay là thiếu tính cạnh tranh, bởi giá cả phải do quan hệ cung cầu và thị trường quyết định. Thứ nữa, khi không còn giá vé 0 đồng, ngành du lịch chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhiều người sẽ hạn chế du lịch xa do không kham nổi gánh nặng chi phí”, ông Bình nói.

Vẫn theo ông Bình, trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, việc đẩy giá vé lên cao chẳng khác nào quàng thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân, nhất là trong lúc thu nhập bị giảm mạnh.

“Việc áp giá sàn đồng nghĩa triệt tiêu vé máy bay giá rẻ, đồng nghĩa tước đoạt cơ hội đi máy bay của những người dân có thu nhập thấp”, luật sư Bình nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng lý do đề xuất áp giá sàn vé máy bay lần nào cũng vấp phải phản đối kịch liệt của công luận là bởi chính sách này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu khách hàng, nhất là nhưng người có thu nhập thấp.

Trong khi dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu người thì hiện nay mới có khoảng trên 30 triệu người được tiếp cận với dịch vụ hàng không. Nguyên nhân chủ yếu do giá vé máy bay còn cao so với thu nhập. Nếu giá vé tiếp tục tăng thì giấc mơ được bay của họ ngày càng xa vời.

“Thực tế, trước khi các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường, người dân trong nước ít có dịp đi máy bay, bởi khi đó vé do Vietnam Airlines bán ra rất đắt. Nay nếu áp giá sàn, cơ hội bay của người có thu nhập thấp một lần nữa lại bị tước đoạt”, ông Long nói.

Hòa Bình

Hòa Bình