Hậu căng thẳng Belarus-EU, khủng hoảng di cư trở lại châu Âu?

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:41, 17/09/2021

Sau khủng hoảng di cư 2015, châu Âu đang đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị xã hội mới về vấn đề người tị nạn xuất phát từ căng thẳng Belarus-EU.
Hậu căng thẳng EU-Belarus, khủng hoảng di cư trở lại châu Âu?
Lithuania đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dòng người di cư từ nước láng giềng Belarus. (Nguồn: AP)

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí The National Interest, tác giả John Ruehl* nhận định rằng Liên minh châu Âu (EU) từng ‘quay cuồng’ với cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và giờ đây đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư mới mà họ cáo buộc rằng có sự tiếp tay của Belarus.

Dòng người tị nạn gia tăng

Trong vài tháng gần đây, số chuyến bay được hành khách đặt kín chỗ từ Baghdad (Iraq) đến Minsk (Belarus) tăng dần đều. Tất nhiên, các hãng du lịch và hãng hàng không của Iraq và Belarus rất vui khi đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của du khách, nhưng sự gia tăng này dường như không tự nhiên.

Động thái này của Belarus được cho là nhằm đáp trả việc EU thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này, gia tăng áp lực lên Tổng thống Alexander Lukashenko sau vụ Minsk buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp để bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich.

Kể từ đó, hàng nghìn người di cư từ Trung Đông bay sang Belarus rồi vượt biên trái phép vào EU thông qua biên giới với một số quốc gia như Latvia, Lithuania và Ba Lan, bất chấp nỗ lực tối đa của cơ quan nhập cư của các quốc gia này và Cơ quan bảo vệ biên giới EU (Frontex).

Tại cuộc họp trực tuyến của đại diện các quốc gia thành viên EU ngày 18/8, Slovenia, quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của khối cho rằng đây là hành vi gây hấn không thể chấp nhận được và có thể coi là một cuộc tấn công trực tiếp nhằm tạo ra bất ổn và áp lực cho EU.

EU cáo buộc Tổng thống Lukashenko sử dụng người tị nạn như một thứ vũ khí chính trị, lợi dụng cam kết của khối về quyền của người tị nạn. Thông báo của Slovenia có đoạn: "Với tình hình hiện nay tại biên giới Lithuania - Belarus, EU phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và là một nhân chứng của hành động vũ khí hóa di cư bất hợp pháp được nhà nước bảo trợ ở Belarus”.

Hầu hết những hành khách đến Belarus gần đây đều xuất phát từ Iraq, số còn lại chủ yếu đến từ các nước Trung Đông khác và châu Phi.

Sau khi đến Belarus, họ tìm cách vào khối Schengen thông qua biên giới của Belarus với Ba Lan, Latvia và Lithuania.

Khối Schengen bao gồm 26 quốc gia là Áo, Bỉ, Thụy Sỹ, Cộng hòa Czech, Đức, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Lithuania, Luxembourg, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Slovenia và Slovakia.

Những người tị nạn đến châu Âu hầu hết bị thu hút bởi các quốc gia giàu có hơn ở phía Tây. Phần lớn họ chỉ đi qua các quốc gia EU nghèo hơn ở phía Nam và phía Đông, nơi cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt, và nguồn lực kinh tế kém hơn.

Với năng lực và ngôn ngữ hạn chế, những người tị nạn thường phải dựa vào sự trợ giúp của chính phủ nước sở tại để tồn tại.

Hiện EU vẫn đang tranh cãi với một số quốc gia thành viên về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Hạn ngạch người tị nạn của EU bị Nhóm Visegrad (liên minh 4 nước Trung Âu gồm Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia) phản đối sau cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015.

Hiện tại nhiều người tị nạn đã vào được Ba Lan, Latvia và Lithuania, nhưng các quốc gia này có thể không sẵn sàng nguồn lực cho họ tị nạn vĩnh viễn.

Các nhà lãnh đạo EU đang cố gắng giảm thiểu mối đe dọa về an ninh biên giới yếu kém bằng cách ra tuyên bố cho thấy quyết tâm của họ trong việc ngăn chặn tình trạng di cư không kiểm soát khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, với những cách thức và con đường ngày càng đa dạng để người tị nạn đặt chân vào châu Âu, có vẻ như không thể tránh khỏi rằng an ninh biên giới của EU sẽ tiếp tục bị đe dọa.

Hậu căng thẳng EU-Belarus, khủng hoảng di cư trở lại châu Âu?
Việc gia tăng người tị nạn không kiểm soát làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hệ thống biên giới yếu kém của EU. (Nguồn: Reuters)

Kéo theo nhiều bất ổn

Theo các nhà chức trách biên giới Lithuania, cho đến nay, nước này ghi nhận 4.100 người xin tị nạn nhập cảnh từ Belarus. Con số trên cao gấp nhiều lần so với 81 người vào năm ngoái, 46 người vào năm 2019 và 104 người vào năm 2018.

Sự gia tăng đột biến số người tị nạn đã khiến chính phủ Lithuania phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 7, và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 2/9 vừa qua.

Ngày 17/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã cáo buộc ông Lukashenko phát động "cuộc tấn công" nhằm vào EU thông qua vấn đề di cư.

Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) cũng yêu cầu Ba Lan và Latvia cung cấp cho những người tị nạn thực phẩm, nước uống, quần áo, chăm sóc y tế và nơi ở tạm thời.

Làn sóng người tị nạn dâng cao còn dẫn đến bất ổn chính trị và căng thẳng xã hội gia tăng ở các quốc gia EU.

Đơn cử tại Ba Lan, hàng chục người di cư, được cho là đến từ Afghanistan, đã bị mắc kẹt tại biên giới Ba Lan-Belarus trong nhiều tuần, dẫn đến các cuộc đụng độ giữa cảnh sát biên giới Ba Lan và các nhà hoạt động nhân quyền.

Trong khi đó, cũng có báo cáo về bạo loạn tại một trung tâm tị nạn ở Palbrade, Lithuania hồi tháng 6.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Belarus ngày càng trở nên khăng khít, các quốc gia EU lo ngại Moscow hậu thuẫn Belarus thổi bùng lên cuộc khủng hoảng di cư này. Gần đây, Thứ trưởng ngoại giao Lithuania Mantas Adomenas cho biết một số người di cư cố gắng vượt biên vào nước này từ Belarus là công dân Nga.

Belarus khẳng định rằng, nguyên nhân của làn sóng di cư này là do Minsk không đủ khả năng bảo đảm an ninh biên giới do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Mặt khác, tình trạng làn sóng xin tị nạn ồ ạt không kiểm soát làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hệ thống biên giới yếu kém của EU, vốn vẫn chưa được khắc phục đáng kể sau khủng hoảng di cư năm 2015.

Cuộc khủng hoảng hiện tại của châu Âu cho thấy châu lục này vẫn dễ bị tổn thương trước làn sóng người tị nạn và các hệ lụy của nó. Vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn khi làn sóng người tị nạn mới đến từ Afghanistan tiếp tục hướng đến lục địa già.

Nếu các nước thành viên EU không có giải pháp mới hiệu quả thì cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 sẽ tái diễn, gây xáo trộn tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh của toàn khu vực.


*John Ruehl là một học giả tại Washington DC, có bằng Thạc sĩ về xung đột và phát triển của Đại học Jaume I (Tây Ban Nha) và bằng Cử nhân của Đại học Sydney (Australia). Ông hiện đang giảng dạy địa lý và lịch sử thế giới, đồng thời có nhiều bài báo về địa chính trị và quan hệ quốc tế đã xuất hiện trên tờ International Policy Digest, Politics Means Politics,...

Thế Anh