Minh bạch trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 14:35, 15/09/2021
Đối tượng và lộ trình thực hiện EPR được cân nhắc, lựa chọn phù hợp
Quy định EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bao gồm trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và trách nhiệm xử lý chất thải của các đối tượng này. Để thực thi EPR, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Nghị định đã quy định rõ đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải.
Một số quy định về EPR trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 được giới thiệu tại Hội thảo trực tuyến |
Theo đó, với 6 nhóm sản phẩm như: điện tử; pin-ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông; bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm từ năm đầu năm 2024, 2025 hoặc 2027 (tùy từng sản phẩm).
Còn các sản phẩm như: thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã bỉm; thuốc lá; sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện hỗ trợ xử lý chất thải từ đầu năm 2023.
Tại Hội thảo, bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên Croplife Việt Nam cho biết, chính sách EPR là một trong những chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy thực thi kinh tế toàn hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo chủ trương trên được hiện thực hóa và triển khai một cách hiệu quả, bền vững, các quy định liên quan đến đối tượng và lộ trình thực hiện EPR cần được cân nhắc và áp dụng phù hợp đối với từng sản phẩm. Riêng với sản phẩm bao bì, Croplife Việt Nam cho rằng, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp các đối tượng có liên quan chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các quy định về cách thức báo cáo và quản lý số lượng bao bì thu gom như hiện nay là chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ TN&MT cần cân nhắc việc đưa sản phẩm kẹo cao su vào nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định tại Dự thảo Nghị định.
Giải đáp những thắc mắc này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) khẳng định, việc lựa chọn, phân chia các đối tượng phải thực hiện tái chế hay xử lý chất thải, đồng thời, đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể cho từng nhóm đối tượng đã được các Ban soạn thảo chính sách cân nhắc cẩn trọng sau khi tham vấn, tiếp thu ý kiến của đông đảo các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp…
Riêng với sản phẩm kẹo cao su, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, kẹo này chủ yếu được làm từ nhựa, nên tồn tại trong môi trường tự nhiên gây tác động xấu cho môi trường; hơn nữa, việc thu gom bã kẹo cao su rất khó khăn nếu không muốn nói là không khả thi. Hầu hết các bã kẹo cao su hiện nay tại Việt Nam được thải bỏ trực tiếp ra môi trường, khó phân hủy, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
“Việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước và người dân trong việc thu gom, xử lý bã kẹo cao su”, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.
Minh bạch trong thu/chi các khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường
Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải. Mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
Đối với mỗi sản phẩm các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có lộ trình và mức đóng góp phù hợp khi thực hiện EPR |
Tuy nhiên, theo bà Đào Thu Vinh, mức phí đóng góp theo quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 là chưa có với mô hình kinh doanh và canh tác theo quy mô nhỏ như ở Việt Nam. Điều này vô hình chung sẽ tạo thêm những khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm về mức phí đóng góp, bà Trần Ngọc Ánh, Đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (EuroCham) kiến nghị, Bộ TN&MT nên cân nhắc giảm tỷ lệ thải bỏ thấp nhất xuống 40% để giảm chi phí đóng góp cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, để đảm bảo tính minh bạch, Dự thảo Nghị định cần bổ sung điều khoản quy định xử lý trách nhiệm của cán bộ Quỹ Bảo vệ môi trường nếu không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế…
Trước những ý kiến trên, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định, việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính sẽ công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định đã đưa ra các quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống EPR Quốc gia nhằm sử dụng hiệu quả các khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, tiền đóng góp vào Quỹ không phải là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Số tiền này chỉ để thực hiện nguyên tắc bù đắp những tác động môi trường mà các dòng chất thải cụ thể gây ra.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… nhằm hoàn thiện các quy định về EPR trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đảm bảo tính phù hợp, khả thi khi thực hiện các quy định này.