Chung sống an toàn với dịch Covid-19: Philippines có công thức mới; Malaysia, Australia nới phong tỏa; Italy, Anh triển khai tiêm mũi thứ 3

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:50, 14/09/2021

Ngày 14/9, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez thông báo nước này đã có đủ vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho 100 triệu người dân từ nay tới cuối năm.
Chung sống an toàn với dịch Covid-19: Philippines có công thức mới; Malaysia, Australia nới phong tỏa; Italy, Anh triển khai tiêm mũi thứ 3
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19 tại Manila, Philippines. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 14/9, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez thông báo nước này đã có đủ vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho 100 triệu người dân từ nay tới cuối năm.

Theo ông Carlos Dominguez, tính tới ngày 12/9, số vaccine được tài trợ và đặt mua của chính phủ đã đạt mức 121,13 triệu liều. Khoảng 50,21 triệu liều khác được quyên góp từ các đối tác song phương và qua chia sẻ của cơ chế COVAX.

Ngoài ra, 24,12 triệu liều vaccine được các chính quyền địa phương và công ty tư nhân đặt mua sẽ giúp mở ra khả năng đủ vaccine tiêm cho 100 triệu người dân quốc gia Đông Nam Á này.

Tới nay, Philippines đã tiêm hơn 39 triệu liều vacicne ngừa Covid-19, trong đó có hơn 17 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.

Dự kiến, thủ đô Manila sẽ ngưng các hạn chế vì dịch Covid-19 diện rộng từ ngày16/9 tới trong khi Chính phủ Philippines tiến hành thử nghiệm thí điểm về giãn cách xã hội theo khoanh vùng tại thủ đô.

Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ đi kèm với 5 mức cảnh báo để xác định phạm vi được phép vận hành của các đơn vị kinh doanh. Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ nhắm đến các tòa nhà, đường phố hoặc khu dân cư nhất định thay vì bao phủ toàn thành phố như hiện nay.

Nếu thành công, “công thức” tương tự có thể được áp dụng trên khắp Philippines. Thay đổi trong chiến thuật Covid-19 của Chính phủ Philippines cũng có thể sớm tạo điều kiện cho các trường học mở lớp trực tiếp có giới hạn và những cơ sở giải trí trong nhà hoạt động trở lại ở khu vực có tỷ lệ lây lan thấp cùng năng lực y tế tương xứng.

Manila với 13 triệu người là điểm nóng dịch của Philippines. Chỉ tính riêng trong 30 ngày qua, tổng số ca mắc mới Covid-19 của Manila đã chiếm tới hơn 1/5 số ca của toàn quốc là 2,2 triệu trường hợp.

Malaysia cho phép 11 lĩnh vực kinh doanh được phép mở cửa trở lại

Ngày 14/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh Covid-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác.

Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại

Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô; siêu thị điện máy; cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp; cửa hàng nội thất; cửa hàng dụng cụ thể thao; cửa hàng phụ kiện xe hơi; trung tâm phân phối và bán xe ô tô; chợ sáng và chợ nông sản; cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện; cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Ông nhấn mạnh việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế, mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống của họ. Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng.

Đến thời điểm hiện tại, 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Đề cập đến những lưu ý khi quy định giãn cách dần được dỡ bỏ đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng, Thủ tướng Ismail cho rằng mặc dù một số lĩnh vực được phép mở cửa trở lại song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xuất trình chứng nhận tiêm chủng đủ 14 ngày.

Giới chức Australia kêu gọi cần dỡ bỏ phong tỏa an toàn để cứu doanh nghiệp

Tại Australia, Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia (RBA) Philip Lowe ngày 14/9 nhận định việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống đại dịch Covid-19 càng sớm càng tốt một cách an toàn là hết sức cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang trong tình trạng rất khó khăn.

Trong bối cảnh hai bang lớn nhất ở Australia là New South Wales và Victoria đang nới lỏng dần các hạn chế phòng chống chủng Delta và hướng tới ngưỡng tiêm chủng đầy đủ 70% trong tháng tới, Tiến sĩ Lowe cho biết các doanh nghiệp lớn đang ứng phó tương đối tốt với tác động của đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với các điều kiện rất khó khăn, chỉ có thể hoạt động trong trạng thái “chờ đợi, tồn tại” do doanh thu sụt giảm mạnh.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Australia cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ đang giúp nhiều cho các doanh nghiệp, nhưng việc kéo dài các lệnh phong tỏa sẽ khiến mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn và gây thiệt hại ngày càng lớn hơn cho các các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Đối với một số doanh nghiệp, thời gian chờ đợi là có giới hạn và do đó chính phủ cần mở cửa trở lại nền kinh tế càng sớm càng tốt một cách an toàn.

Số liệu từ công ty cung cấp phần mềm kế toán MYOB cho thấy quỹ tiền mặt của các doanh nghiệp nhỏ trong các ngành kinh doanh trực tiếp tiếp xúc với khách hàng ở các bang đang áp dụng lệnh phong tỏa đã sụt giảm nghiêm trọng 30-50%.

Về tình hình kinh tế Australia nói chung, Thống đốc RBA dự báo nền kinh tế sẽ “thu hẹp đáng kể” trong quý III năm nay, có khả năng sụt giảm ít nhất là 2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong ngắn hạn so với mức 4,6% vào tháng 7.

Tiến sĩ Lowe nhận định tiêm chủng là “lối thoát rõ ràng” cho nền kinh tế Australia khỏi những khó khăn hiện nay. Ông hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong quý cuối cùng của năm và tiếp tục đà phục hồi trong năm 2022.

Chung sống an toàn với dịch Covid-19: Philippines có công thức mới; Malaysia, Australia nới phong tỏa; Italy, Anh triển khai tiêm mũi thứ 3
Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất. (Nguồn: wantedinrome)

Italy và Anh tiêm chủng mũi thứ 3 cho những người dễ bị tổn thương

Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.

Thông tin trên được công bố đêm 13/9 sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống Covid-19 của Italy Francesco Paolo Figliuolo. Đợt thứ ba của chiến dịch tiêm vaccine ở Italy sẽ tập trung vào khoảng 3 triệu người có hệ miễn dịch yếu nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Speranza đã nói rằng các cơ quan y tế quyết định tiêm liều tăng cường cho những người trên 80 tuổi và trong các viện dưỡng lão.

Đến nay, hơn 40 triệu người Italy đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, tương đương với 74% dân số trên 12 tuổi, trong bối cảnh chính phủ gần đạt mục tiêu 80% vào cuối tháng 9.

Tại Anh, ngày 14/9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết chính phủ nước này đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi cần được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường (liều thứ 3).

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Javid nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều bổ sung là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine qua mùa Đông tới.

The Bộ trưởng, cũng giống như nhiều loại vaccine khác, hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa Covid-19 cũng giảm theo thời gian, nhất là ở nhóm người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do đó, việc triển khai tiêm liều tăng cường là biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian dài.

Ngoài ra, Bộ trưởng Javid cũng cho biết Anh rất có thể sẽ yêu cầu nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội tại vùng England phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm bảo vệ những người xung quanh họ.

Chính phủ đã tiến hành một cuộc tham vấn về việc bảo vệ những bệnh nhân dễ bị tổn thương bằng cách yêu cầu tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm và ngừa Covid-19 là một điều kiện để triển khai nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội ở England.

Trong trường hợp dịch vụ y tế không đáp ứng được tình hình dịch bệnh, chính phủ đã có kế hoạch dự phòng (Kế hoạch B), theo đó, sẽ ban hành quy định áp dụng giấy chứng chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là điều kiện bắt buộc trong một số trường hợp, bắt buộc đeo khẩu trang trong một số môi trường nhất định, đồng thời xem xét yêu cầu người dân trở lại hình thức làm việc tại nhà.

Theo giới chức Anh, số liệu mới nhất cho thấy kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, vaccine đã giúp 24 triệu người không bị mắc bệnh và ngăn chặn hơn 112.000 ca tử vong.

Nhà chức trách Anh cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiêm vaccine khi mà Thủ tướng Boris Johnson cùng các quan chức khác cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhất là khi mùa Đông sắp đến.

Đến nay, Anh đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 134.000 ca tử vong do Covid-19. Khoảng 44 triệu người tại nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine, chiếm 81% tổng số người từ 16 tuổi trở lên. Ngày 13/9, Chính phủ Anh cho biết trẻ em ở độ tuổi từ 12-15 cũng sẽ được tiêm chủng.

Phương Nguyên