6 điều cần lưu ý khi đeo kính áp tròng tạo màu mắt không... thuần chủng

Tổ ấm - Ngày đăng : 21:39, 13/09/2021

Kính áp tròng màu là một trong những phụ kiện làm đẹp nhằm tôn lên đôi mắt long lanh, màu sắc lạ độc ấn tượng. Nhưng khi dùng, cần chú ý các điểm sau để bảo vệ "cửa sổ tâm hồn".

Kính áp tròng không chỉ giúp điều chỉnh tật khúc xạ. Đặc biệt, kính áp tròng màu còn cực đắc lực khi giúp đôi mắt trở nên cuốn hút với màu sắc bạn hằng mong ước.

Kính giãn tròng có tác dụng giúp lòng đen của mắt lớn hơn, gây sức cuốn hút kỳ lạ cho các bạn gái.

Top 6 điều cần lưu ý khi đeo kính áp tròng tạo màu mắt - Ảnh 1.

Kính áp tròng đổi màu mắt thời trang

Khi sử dụng các loại kính áp tròng thời trang này, cần chú ý các điểm sau để bảo vệ mắt an toàn, sáng đẹp:

Chọn kính áp tròng đúng kích thước mắt

Khi chọn kính, bạn cần lựa chọn kích thước kính phù hợp với mắt, nhất là kính giãn tròng. Nếu chọn sai, đôi mắt có thể khó chịu, đỏ ngứa cũng như trở nên vô hồn, mất tự nhiên.

Hiện trên thị trường có khá nhiều size kính khác nhau, tùy vào nhu cầu bạn sẽ chọn loại phù hợp. Nếu muốn ôm vào mắt, tạo độ tự nhiên bạn nên chọn kính dao động từ 13.5-13.8mm. Nếu muốn mắt trông to và tròn, bạn chọn kích thước kính từ 14.0 – 14.2mm.

Các size kính áp tròng lớn hơn thường không phù hợp mắt nhỏ, đồng thời độ giãn tròng cao khiến người đeo thấy vướng, khó chịu.

Không sử dụng kính áp tròng quá 5 tiếng

Kính áp tròng đổi màu chủ yếu phục vụ mục đích thời trang nên tùy theo nhu cầu, tần suất sử dụng, bạn có thể chọn lens với thời hạn sử dụng phù hợp.

Đối với lens dùng trong 1 ngày, bạn chỉ nên dùng khoảng 5 tiếng trở lại và thay cái mới sau khi tháo ra. Các loại len có hạn dùng lâu ngày, bạn cũng không nên đeo quá 6 tiếng. Đừng hiểu nhầm, kính áp tròng dùng lâu ngày là bạn có thể đeo triền miên từ ngày này qua ngày khác. Đặc biệt, tuyệt đối không đeo kính áp tròng khi ngủ.

Tay sạch khi đeo lens

Trước khi dùng kính bạn nên rửa tay bằng xà bông nhằm diệt khuẩn và đảm bảo kính vô trùng. Nếu không vệ sinh tay, nguy cơ nhiễm khuẩn, gây hại nặng nề cho mắt như cộm, xốn mắt, mờ mắt, nóng hay đỏ rát, viêm giác mạc…

Top 6 điều cần lưu ý khi đeo kính áp tròng tạo màu mắt - Ảnh 2.

Dùng thuốc nhỏ mắt chứa thành phần nước mắt nhân tạo

Một trong các yếu tố cần lưu ý khi đeo kính áp tròng là mắt dễ bị khô mỏi. Khắc phục tình trạng này không gì khác là dùng dung dịch nhỏ mắt chuyên dụng. Sản phẩm chứa thành phần nước mắt nhân tạo cung cấp độ ẩm cho mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi oxy của giác mạc. Trước khi lắp và tháo kính, bạn cũng có thể nhỏ để dễ dàng hóa các khâu.

Những người mới sử dụng kính lần đầu, nên nhỏ mắt khoảng 30 phút mỗi lần, vừa làm giảm cảm giác cộm mắt, khó chịu khi đeo còn làm cho mắt đỡ khô và đỏ hơn.

Thay và vệ sinh kính đúng cách

Nếu sử dụng kính áp trong một lần, sau khi dùng bạn có thể bỏ đi ngay, không nên dùng lại. Kính dùng lâu dài, vệ sinh đúng cách không chỉ giúp bảo quản mà an toàn cho lần đeo sau. Loại kính này thường đi kèm hộp đựng và dung dịch vệ sinh.

Khi không sử dụng kính áp tròng, bạn nên ngâm kính trong hộp đựng với dung dịch làm sạch chuyên dụng.

Dung dịch ngâm và nhỏ mắt nên thay ít nhất từ 2 đến 3 tháng trở lên, không nên dùng nước ngâm và thuốc nhỏ mắt hết hạn. Không thay thế dung dịch ngâm chuyên dụng bằng nước muối sinh lý hay nước lọc bình thường.

Dấu hiệu cần tháo kính áp tròng ngay lập tức

Bị ngứa và rát sau khi đeo kính áp tròng một thời gian ngắn, có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị dị ứng với chất liệu kính áp tròng hoặc với dung dịch thấu kính của bạn.

Nếu thấy cộm và sạn hay nhìn mờ khi đeo kính, có thể quá trình lắp đã bị nhiễm bẩn, bạn cần bỏ kính ra và rửa mắt bằng nước mắt nhân tạo. Trường hợp nhìn mờ cũng có thể do mắt thiếu oxy ở giác mạc.

Theo chuyên gia nhãn khoa người Scotland - William Shaw, chia sẻ trên Daily Star, người dùng nên được tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng kính áp tròng màu để chọn đúng loại kính và chăm sóc mắt đúng cách. Bởi mang và vệ sinh không đúng, kính có thể gây nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn dẫn đến mù lòa. Đồng thời, kính áp tròng kém chất lượng có thể gây viêm kết mạc, mắt đỏ, mờ và giảm thị lực.

Nếu khi đeo, bạn cảm thấy khó chịu, bị kích ứng và đau mắt cần khám bác sĩ nhãn khoa ngay để tránh nguy cơ tổn hại mắt.

An Lê