Lưu ý quan trọng khi hùn vốn chung mua đất tránh rủi ro, thu lãi đậm

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:00, 13/09/2021

Nhiều trường hợp bạn bè, người thân góp tiền mua chung đất đã không thể nhìn mặt nhau do phát sinh tranh chấp về việc khai thác hoặc định đoạt “số phận” mảnh đất đó.

Việc góp vốn mua chung đất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Luật Đất đai của Việt Nam có quy định rõ về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp góp vốn mua chung.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận. Trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Rủi ro thường gặp khi góp vốn mua chung đất

Ưu điểm của hình thức góp vốn mua chung đất là chỉ phải bỏ ra khoản tiền nhỏ, bạn cũng có thể đồng sở hữu một mảnh đất. Tuy nhiên, góp vốn mua chung cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Lưu ý quan trọng khi hùn vốn chung mua đất tránh rủi ro, thu lãi đậm
Góp tiền mua chung đất đi kèm nhiều rủi ro nên lập hợp đồng thoả thuận cụ thể giữa các bên về phần đóng góp, tỉ lệ sở hữu của mỗi bên, các vấn đề về quản lý, phân chia đất, chia lợi nhuận... (Ảnh minh hoạ)

Rủi ro lớn nhất là bạn không có toàn quyền quyết định về mục đích sử dụng hoặc định đoạt “số phận” mảnh đất đó. Đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất nên khi muốn chuyển quyền sử dụng hoặc sử dụng vào các mục đích khác với thỏa thuận, người có nhu cầu phải được sự đồng ý của những người góp vốn khác.

Ví dụ mua chung đất để đầu tư, người thì muốn bán vì đã có lợi nhuận, người lại muốn chờ đợi để có lãi cao hơn. Nếu không tìm được tiếng nói chung, những người đồng sở hữu mảnh đất rất dễ phát sinh mâu thuẫn, kiện cáo.

Không ít người cho rằng, khi tài chính chưa cho phép thì cứ góp vốn mua chung, đứng tên chung trong sổ đỏ, lúc có điều kiện sẽ tách sổ. Tuy nhiên thực tế việc tách sổ không phải bao giờ cũng thuận lợi. Nếu mảnh đất mua chung diện tích nhỏ thì sẽ không thể tách sổ do không đáp ứng được quy định của pháp luật về diện tích tối thiểu.

Trường hợp thửa đất các bên cùng đứng tên đủ điều kiện để tách thửa theo quy định của pháp luật, người sử dụng có thể làm các thủ tục tách thửa, cấp Giấy chứng nhận và chuyển nhượng phần đất mình có quyền sử dụng. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục này vẫn cần sự đồng ý của người cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận. Nếu họ không đồng ý, việc tách thửa cũng sẽ gặp khó khăn.

Những người góp vốn mua chung đất thường có mối quan hệ quen biết hoặc thân tình. Vì thế, phát sinh tranh chấp có thể sẽ là cái kết chấm dứt mối quan hệ đó, không thể nhìn mặt nhau được nữa.

Cách hạn chế rủi ro khi góp tiền mua chung đất

Khi góp vốn mua chung đất, sẽ tồn tại 2 trường hợp. Thứ nhất là số tiền góp vốn của các bên là bằng nhau. Thứ hai là số tiền góp vốn chênh lệch người ít, người nhiều.

Với trường hợp góp vốn bằng nhau thì tất nhiên quyền lợi sẽ như nhau. Tuy nhiên, ở trường hợp thứ 2 sẽ dễ phát sinh tranh chấp về lợi ích. Để phòng tránh, tốt nhất nên lập hợp đồng thoả thuận cụ thể giữa các bên về phần đóng góp, tỉ lệ sở hữu của mỗi bên, các vấn đề về quản lý, phân chia đất, chia lợi nhuận, định đoạt tài sản chung....

Nhiều trường hợp góp tiền mua chung đất nhưng thỏa thuận để một người đại diện đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để hạn chế rủi ro, cũng cần có văn bản thỏa thuận về việc này.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc bắt buộc lập thành văn bản hay công chứng, chứng thực hợp đồng (thỏa thuận) góp tiền mua đất. Tuy nhiên, đất đai là tài sản lớn, có giá trị, thời gian sử dụng lâu dài, vì vậy người tham gia góp tiền mua đất vẫn nên công chứng, chứng thực hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nếu không lựa chọn hình thức hợp đồng bằng văn bản hoặc không có đủ điều kiện lập thành văn bản, hợp đồng phải thực hiện bằng lời nói thì cần có các đoạn ghi âm, ghi hình để chứng minh giao dịch.

Trường hợp giao dịch góp tiền mua chung đất xảy ra tranh chấp, các giấy tờ liên quan đến giao dịch sẽ là căn cứ để tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên đối với phần giá trị đã đóng góp.

Nếu hợp đồng xác nhận việc góp tiền mua chung đất đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, khi phát sinh tranh chấp, những người góp vốn nhưng không đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ có nhiều khả năng được hoàn trả lại phần giá trị đã góp.

Cách giải quyết khi phát sinh tranh chấp mua chung đất

Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.

Nếu các bên không thể thống nhất, hòa giải được thì gửi đơn lên UBND xã nơi có đất tranh chấp đất để được giải quyết.

Trường hợp không thể giải quyết ở UBND cấp xã, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Minh Châu (Tổng hợp)

Minh Châu