Emma Raducanu - niềm tự hào của người Anh
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 19:24, 12/09/2021
“Lọ lem” trở thành cảm hứng của nước Anh
Cách đây 1 tháng, Emma Raducanu còn đánh giải nhỏ ở thị trấn Landisville có dân số 2117 người. Vì không được vào thẳng vòng đấu chính của US Open, cô gái 18 tuổi phải đấu 3 trận vòng loại, cộng với 7 trận chính, tổng cộng Emma đã thắng 10 trận, trở thành người nữ đầu tiên trong lịch sử phải thi đấu vòng loại và vô địch một giải Grand Slam.
Trong cả 10 trận cô không để thua một séc nào. Một kỳ tích chưa và chắc chẳng tay vợt nào tái hiện được. Emma là tay vợt nữ đầu tiên của Anh giành Grand Slam đơn kể từ khi Virginia Wade vô địch Wimbledon năm 1977.
Cách đánh của Emma Raducanu là sự kết hợp hiếm hoi giữa sức mạnh và độ chính xác. Đối thủ của Emma là Laylah Fernandez cũng chỉ mới 19 tuổi. Đây là trận chung kết Grand Slam "tuổi teen" đầu tiên kể từ năm 1999 khi Martina Hingis gặp Serena Williams, cũng tại nước Mỹ. Nhưng khi đó Hingis đã 5 lần vô địch Grand Slam và đứng số 1 thế giới. Serena lúc đó đứng số 7 thế giới, đánh bại Hingis để có cúp vô địch Grand Slam đầu tiên.
Emma và Laylah từng đối đầu một lần trước đó, ở giải trẻ Wimbledon 2018 và Raducanu giành chiến thắng. Nhưng 3 năm trước, Emma khi đó còn chưa chắc chắn sẽ theo quần vợt chuyên nghiệp mà mục tiêu là trường ĐH và sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính như bố mẹ. Cô gái này cũng chỉ vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào đầu năm nay, song song với việc chơi quần vợt ở các giải đấu cấp thấp. Thành tích đáng chú ý nhất của cô là giành quyền dự Wimbledon đầu năm nay, giải Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp nhưng bị loại từ vòng 1/16.
Cả nước Anh đang lên cơn sốt với Emma Raducanu. Nữ hoàng Elizabeth từ lâu đài Balmoral còn gửi thư chúc mừng có đoạn: “Đây là một thành tích đáng nể ở độ tuổi trẻ như vậy, và là minh chứng cho sự chăm chỉ và cống hiến của bạn. Tôi không nghi ngờ gì về màn trình diễn xuất sắc của bạn, và đối thủ của bạn, Leylah Fernandez, sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ vận động viên quần vợt tiếp theo. Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến bạn”.
Nhà tân vô địch vô cùng tự hào với lá thư này và khẳng định ngay với báo chí ngay ở lễ trao giải: “Tôi sẽ đóng khung bức thư của Nữ hoàng”.
Một đêm thành triệu phú, có thể kiếm 100 triệu bảng
Chức vô địch US Open giúp Emm từ vị trí 150 lên thứ 23 trên bảng xếp hạng nữ thế giới cùng một tấm séc 1,8 triệu bảng (2,5 triệu USD), nhiều gấp 6 lần tổng tiền thưởng đã từng kiếm được ở các giải đấu.
Nhà cái William Hill đã đưa ra tỉ lệ đặt cược cho Emma là VĐV của năm của đài BBC, vượt qua cả VĐV nhảy cầu Tom Daley và Adam Peaty, những người giành HCV Olympic. Còn hãng Betfred đã đặt Emma ở các hạng mục tương tự với tỷ lệ cược là 4/6 trong khi của Daley là 9/4 và Peaty với tỷ số 8/1.
Chuyên gia thương hiệu Jonathan Shalit, chủ tịch của InterTalent Group cho biết ngay từ khi chỉ mới vào bán kết US Open, có rất nhiều công ty muốn mời chào Emma quảng cáo và ông mạnh dạn dự đoán trong vòng 5 năm tới, nếu tiếp tục thành công, Emma có thể kiếm được đến 100 triệu bảng chỉ qua hoạt động thương mại.
Sức hấp dẫn của Emma ở sắc vóc và tài năng, được đánh giá vượt trội cả tay vợt người Nhật Naomi Osaka, từng kiếm được đến 43 triệu bảng nhờ quảng cáo, đã tuyên bố có thể giải nghệ sau khi thất bại ở US Open.
Giáo sư Simon Chadwick của Trường Kinh doanh Emlyon ở Lyon )Pháp), một chuyên gia về chiến lược kinh doanh thể thao và tiếp thị nhận định: “Ema Raducanu là một kiểu Gen Z đích thực với đặc trưng là hiểu biết về mạng xã hội, đầy khát vọng và có khuynh hướng tích cực đối với cuộc sống. Do đó, cô ấy có nhiều sức hút với các nhãn hàng”.
Chơi thể thao giỏi, học cũng giỏi
Sinh ra ở Toronto, có mẹ là người Trung Quốc và bố là người Romania, Emma Raducanu thường được bạn bè gọi là Radders. Khi Emma giành nhận cúp US Open ở New York thì cách đó 3500 dặm, ở Bromley phía Đông Nam London, mẹ cô bà Renee đang thay mặt con gái nhận giải thưởng tay vợt xuất sắc nhất trong năm của Kent tại CLB quần vợt Sundridge Park.
Đối với gia đình Emma, đó là một vinh dự và niềm tự hào không kém gì những giải thưởng cao nhất của môn thể thao, vì gia đình vẫn trung thành với những sinh hoạt ở các CLB phong trào, nơi có những người đã đưa Emma trở thành ngôi sao như hôm nay.
Renee, người phụ nữ gốc Hoa có tên thật là Dong Mei Zhai lớn lên ở Thẩm Dương, trước khi sang Toronto học Đại học và gặp người chồng Romania của mình. Cả hai chuyển đến Kent, Bromley khi Emma 2 tuổi và hiện đang sống trong một ngôi nhà trị giá 345.000 bảng.
Là một cô gái nhút nhát, Emma được cha khuyến khích tham gia thể thao và cô cũng là một vũ công ba lê tài năng, go-karter, vận động viên bơi lội và cưỡi ngựa. Bà Renee vẫn thường xuyên đưa Emma trở về Trung Quốc thăm quê ngoại nhiều lần trong năm. Thậm chí ở đây Emma còn tập bóng bàn và chơi cho đội thiếu niên của CLB bóng bàn chuyên nghiệp ở Thẩm Dương.
Lần đầu tiên Emma cầm một cây vợt khi lên 5 tuổi, một năm sau đó đã có tên trong bảng vinh danh của Trung tâm Quần vợt Bromley và có chức vô địch đầu tiên ở giải đấu cho các bé gái dưới 8 tuổi. Chẳng bao lâu, Emma thường xuyên tham gia các cuộc thi địa phương và khu vực.
Với điểm A* môn Toán A-level và A môn Kinh tế học từ trường Newstead Wood ở Orpington, Emma được khuyên nên theo đuổi các ngành liên quan đến hai môn này ở cấp Đại học. Dù thành công sớm, Emma vẫn giữ liên lạc với các giáo viên cũ của mình và thậm chí còn trở lại trường tiểu học Bickley, để tham gia ngày hội thể thao vào mùa Hè cùng các đàn em.
Rebecca Rodger, cô giáo cũ của Emma vẫn ấn tượng rằng dù học trò cũ thành công chóng mặt nhưng vẫn giữ nguyên phong thái của một học sinh ngày xưa. Nhà vô địch nói với tạp chí Vogue rằng niềm tin vào bản thân xuất phát từ người mẹ: “Mẹ tôi là người gốc Hoa, rất tự tin. Cả bố và mẹ đều xuất thân từ các gia đình học vấn và ở những đất nước khá khó khăn, tất cả những dấu ấn đó vẫn còn cho tới khi lớn lên. Bố mẹ muốn tôi có nhiều lựa chọn, họ nghĩ rằng việc học của tôi rất quan trọng cho tương lai của tôi.'