TPHCM: Phí vận chuyển đắt đỏ, khách "buốt đầu" sau mỗi lần thanh toán

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:19, 12/09/2021

Cước phí vận chuyển nội thành ở TPHCM hiện khá đắt đỏ, có trường hợp, khách phải trả cho mỗi cân thịt lợn là 30.000 đồng tiền vận chuyển.

Phí vận chuyển tăng cao

Chị Lưu Thị Dung (phường 11, quận 3) cho biết, cách đây 2 ngày, chị phải trả 150.000 đồng tiền phí vận chuyển cho 5 kg thịt heo mua qua mạng. Người bán ở quận 12, cách nhà chị hàng chục km đã khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh.

"Dù giá thịt heo tôi mua ở quận 12 rẻ hơn so với thị trường, nhưng mỗi ký thịt lại "cõng" thêm 30.000 đồng tiền vận chuyển. Bình thường, khi đặt 5 kg thịt tôi chỉ mất khoảng 80.000 đồng phí giao hàng" - chị Dung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (quận 10) cho hay, gia đình chị vừa nhận 2 thùng hàng của người thân gửi từ quê lên. Chi phí vận chuyển từ Quảng Nam vào TPHCM là 380.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển từ Bến xe An Sương (quận 12) đến quận 10 là 500.000 đồng.

Theo chị Tuyền, mỗi thùng xốp người thân của chị gửi vào nặng khoảng 20 kg nhưng phí vận chuyển là quá đắt, nhất là phí giao hàng trong nội thành TPHCM. Mức phí này đắt gấp 2,5 lần so với bình thường.

TPHCM: Phí vận chuyển đắt đỏ, khách buốt đầu sau mỗi lần thanh toán - 1

Mỗi thùng xốp có giá vận chuyển liên quận lên tới vài trăm ngàn đồng (Ảnh: Đại Việt).

Bà Huyền Trân - đại diện một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP Thủ Đức - chia sẻ, giá cước vận chuyển hàng hóa tại TPHCM vẫn còn rất cao. Do đó, bà chỉ nhận đơn hàng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Với những đơn hàng này, bà sẽ miễn phí tiền vận chuyển cho khách.

Theo bà Trân, doanh nghiệp đang sử dụng xe tải làm loại phương tiện chính để giao hàng nên có thể giao hàng liên quận. Bộ phận giao hàng cũng là nhân viên của công ty nên giá cước là do doanh nghiệp tự cân đối và quyết định.

Cũng theo bà Trân, giá cước vận chuyển của công ty vẫn ở mức cao là do doanh nghiệp đang phát sinh nhiều chi phí vận hành.

Cụ thể, giá thuê tài xế xe tải, người giao hàng (shipper) đều cao hơn so với bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải gồng gánh thêm chi phí phòng chống dịch, xét nghiệm cho nhân viên giao hàng, những chi phí này đã khiến phí vận chuyển tăng cao.

Hàng quán ở TP HCM vẫn cửa đóng then cài

Anh Ngô Phi Bay - chủ 2 quán cà phê ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 - cho biết 2 cửa hàng của anh vẫn "cửa đóng then cài" dù TPHCM cho phép các dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại.

Theo chủ quán, tiệm cà phê của anh khó đáp ứng được quy định "3 tại chỗ" vì không gian nhỏ, không có chỗ nấu ăn, không bố trí được chỗ ở lại cho nhân viên. Anh Bay cho rằng các điều kiện này chỉ phù hợp với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có không gian rộng rãi.

Chủ động tìm hiểu, tham khảo cách thức triển khai để mở quán, anh Bay nói chưa thấy chính quyền địa phương có những hướng dẫn cụ thể. Chủ quán cà phê lúng túng không biết phải xét nghiệm cho nhân viên 2 ngày/lần ở đâu.

"Nếu xét nghiệm 2 ngày/lần, nhân viên sẽ rất áp lực, xảy ra tâm lý lo sợ. Chi phí dành cho việc xét nghiệm cũng rất lớn" - anh Bay bày tỏ.

TPHCM: Phí vận chuyển đắt đỏ, khách buốt đầu sau mỗi lần thanh toán - 2

Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống tại TPHCM vẫn đóng cửa im lìm (Ảnh: Đại Việt).

Cũng theo anh Bay, việc được mở cửa kinh doanh trở lại nhưng chỉ bán qua các ứng dụng giao hàng, khiến chi phí vận chuyển đến tay người tiêu dùng cao.

Chủ 2 quán cà phê nói dù nhân viên của mình đã được tiêm vắc xin và sẵn sàng làm việc, nhưng cửa hàng vẫn chưa thể mở cửa hoạt động lại bởi các quy định còn khó. Anh bảo hàng chục bạn bè của mình trong giới kinh doanh cà phê đều "chào thua" với các điều kiện như hiện nay.

Dù gặp nhiều khó khăn, đóng cửa kéo dài nhưng anh Bay vẫn phải trả tiền mặt bằng mỗi tháng hàng trăm triệu đồng; trả lương cơ bản cho nhân viên để trang trải tiền sinh hoạt, thuê nhà trọ. Anh mong được hoạt động trở lại nhưng thấy bất cập quá nhiều.

Thu giữ lượng lớn bánh trung thu trôi nổi

Ngày 10/9, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), do ông N.Q.T. làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 11.130 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng sau đó đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện thu giữ nhiều lô hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, ngày 9/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Thanh Hà về hành vi kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tang vật là 1.524 cái bánh trung thu các loại.

Kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe "luồng xanh", Cục quản lý thị trường Gia Lai cũng phát hiện và tạm giữ 139 kg sản phẩm thực phẩm bánh trung thu được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 chiếc bánh trung thu các loại. Qua làm việc, chủ của số hàng hóa trên thừa nhận mua số bánh trung thu trên trôi nổi trên thị trường vận chuyển từ thành phố Pleiku qua huyện Đức Cơ để xuất qua nước Campuchia (qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) bán kiếm lời.

Cẩn trọng khi mua bánh trung thu trên mạng

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cảnh báo, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đa phần, sản phẩm này được rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư.

Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.

TPHCM: Phí vận chuyển đắt đỏ, khách buốt đầu sau mỗi lần thanh toán - 3

Loại bánh trung thu có giá siêu rẻ, chỉ từ 2.000 đồng/cái đang được rao bán rầm rộ trên mạng (Ảnh: Hoàng Dung).

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, cơ quan quản lý của Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

Trong đó, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Mọi người chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, khách hàng không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

An Chi (tổng hợp)