Thủ tướng đã rất quyết liệt, các địa phương, bộ ngành sao còn đủng đỉnh?
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:16, 11/09/2021
Thủ tướng luôn theo dõi sát sao tình hình vaccine chống covid 19; Thủ tướng thị sát tới tận phường ở TP Hà Nội; tổ chức các cuộc họp với cấp xã phường trên toàn quốc… Và mới đây nhất, trong cuộc họp với các địa phương ven biển về tình hình khai thác thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp (IUU), Thủ tướng đặt câu hỏi tới tận cấp xã về tình hình khai thác thủy sản trái phép… tất cả đều nhận được những câu trả lời ấp úng, không trọn vẹn. Cách Thủ tướng tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề cho thấy một sự khẩn trương, quyết đoán ở người đứng đầu Chính phủ. Nhưng qua đây cũng cho thấy thực trạng ở nhiều địa phương cán bộ, lãnh đạo không biết "sốt ruột", rất chậm rãi, đủng đỉnh.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các DN châu Âu, EuroCharm tại Việt Nam diễn ra chiều 9/9, trong buổi họp báo sau đó, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: "Tôi thấy sự sẵn sàng, năng lượng của ngài Thủ tướng trong cam kết hỗ trợ DN. Điều quan trọng là phải xoá bỏ khoảng cách triển khai từ cấp Văn phòng Thủ tướng tới cấp tỉnh với các cấp chính quyền khác".
TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Quan điểm chỉ đạo thông suốt của Thủ tướng trong những tháng còn lại của năm 2021 là không để đứt gãy các chuỗi cung ứng mà các DN Việt Nam đang tham gia. Cố gắng hạn chế tối đa giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. “Đơn giản như hàng dệt may không sang kịp mùa Noel năm nay, đặc biệt vụ Xuân Hè sang năm, chắc chắn thị trường Mỹ không ngồi đợi chúng ta được mà sẽ tìm ở những nơi khác, chúng ta mất thị phần, DN gặp khó khăn trong năm 2022.
Chúng ta thấy, các biện pháp hành chính được ban hành gây phản ứng và các cơ quan quản lý đã lắng nghe, thay đổi. Ví dụ, TP.HCM, lúc đầu chống dịch thì cấm tất cả các loại hàng hóa, nhưng sau qua phản ánh thì thay đổi chỉ hàng cấm mới không được đi, cuối cùng phải lựa chọn giải pháp nếu lái xe được tiêm, có yêu cầu y tế thì được lưu thông đến cảng bình thường.
Theo EuroCham, đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực.
“Những gì các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; một giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, Việt Nam cần thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan” – Chủ tịch EuroCharm nói.
Không thể liên tục tắt - bật nền kinh tế
Phân tích rõ hơn về mối quan hệ giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế, TS Vũ Tú Thành – Phó Chủ tịch HĐ Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ cho rằng: Trong mùa giáng sinh tới đây, lượng hàng Việt Nam chuyển sang thị trường Mỹ và châu Âu sẽ không đáp ứng được như yêu cầu nên sẽ khiến giá cả tăng, tác động đến chỉ số lạm phát của Mỹ. Bản thân các DN Mỹ cũng đã kiến nghị tới Chính phủ của mình về việc phải tăng cường hỗ trợ Việt Nam chống dịch để đảm bảo chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Mỹ. Nếu Việt Nam từ góc độ của mình không đảm bảo kỳ vọng của các thị trường, không đáp ứng được các doanh nghiệp đứng đầu các chuỗi cung ứng như họ đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thì các DN Mỹ sẽ không thể hỗ trợ mãi một quốc gia không có hiệu quả đối với kinh tế của họ. Do đó, cái gì cũng có giới hạn, thời hạn. Việt Nam bắt buộc phải tính đến mở cửa hoạt động ngay từ bây giờ, có kế hoạch rõ ràng.
Việc tắt – bật nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, vì với đặc thù sản xuất kinh doanh thì thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định, khả năng dễ đoán định. Ví dụ, doanh nghiệp dệt may được hoạt động trở lại với công suất 50% thì DN sẽ căn cứ vào mức độ 50% đó để tính toán nhận đơn hàng như thế nào, sản xuất ra sao, chứ không phải căn cứ tình hình dịch bệnh mà tuần này cho 50, tuần sau cho 70%... dịch "té lên" lại giảm xuống 40%. Không doanh nghiệp nào có thể sản xuất được với cách như vậy.
"Nếu không có vaccine thì việc cứ tắt – bật nền kinh tế sẽ khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng rất lớn tới DN” – ông Kiên cho biết và đề nghị: “Vấn đề đặt ra với ngành y tế là phải tư vấn cho Thủ tướng với người tiêm 2 mũi vaccine như thế nào. Có dùng hộ chiếu vaccine không? Ngay như đoàn Chủ tịch Quốc hội sang EU họ cũng tiếp ngay, hội đàm ngay, còn về nước, trừ lãnh đạo ra, các anh em trong đoàn lại cách ly 1 tuần. Tôi hỏi rằng, với qui định của ngành y như thế thì kinh tế của chúng tôi làm như thế nào được. Vấn đề ở đây phải kết hợp hài hòa giữa chống dịch với các vấn đề về kinh tế thì mới hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được”./.