Bão Conson mạnh lên và áp sát quần đảo Hoàng Sa
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 13:57, 10/09/2021
Bão Conson tiến sát quần đảo Hoàng Sa |
Bão mạnh lên, biển động rất mạnh
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ, đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ 24-48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 10 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, cường độ giảm xuống cấp 7-8, mỗi giờ đi được khoảng 10km và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay (10/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh.
Từ đêm 10/9, lượng mưa tăng dần trên đất liền
Sáng 10/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên xung quanh cơn bão Conson.
Về sự tương tác giữa bão Conson và bão Chanthu, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, theo lý thuyết về hiệu ứng Fujiwara, khi hai cơn bão trong khoảng cách 1.500km sẽ có tương tác với nhau. Khi bão Conson vào biển Đông thì cách bão Chanthu 1.100 km, tuy nhiên, thời điểm đó bão Chanthu tương đối nhỏ dù hoàn lưu rất mạnh nên không có tương tác với bão Conson.
Trong những giờ gần đây khi bão Chanthu có hiện tượng yếu đi và hoàn lưu mở rộng ra, bão Conson tăng cấp thì kích thước, cường độ hai cơn bão xấp xỉ nhau. Lúc này, đã xuất hiện tương tác nhưng tương đối yếu. Theo đó, bão Conson vẫn di chuyển ổn định về phía Tây còn bão Chanthu di chuyển sang hướng Bắc nên tác động đến nhau tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, khi hai cơn bão di chuyển sát nhau dưới 1.500 km, sẽ xảy ra tương tác hai cơn bão, khiến quỹ đạo và cường độ thay đổi khó lường. Cụ thể, trong 24 - 48 giờ tới các dự báo cho thấy, có khả năng xuất hiện tương tác giữa 2 cơn bão này. Khi cường độ kích thước tương đồng khoảng cấp 11 thì bão Conson di chyển chậm lại trc khi 2 cơn tách khỏi nhau.
Về câu hỏi liệu bão Chanthu có vào biển Đông, trở thành cơn bão số 6 hay không? Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão Chanthu sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc về phía đảo Đài Loan, sau đó, theo hướng Bắc nên khả năng vào biển Đông là rất ít.
Từ đêm 10/9, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão Conson đã vào biển Đông, thành cơn bão số 5. Cơn bão này sẽ tác động đến vùng ven biển trước, đặc biệt khu vực Quảng Trị cho đến Quảng Ngãi, theo đó, đêm 10/9, ven biển các tỉnh này bão sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7 sau đó, lên cấp 8 - 9 giật cấp 11.
Ngoài ra, khu vực đất liền từ đêm 10/9 đến rạng sáng 11/9, mưa tăng dần. Từ đêm 10/9 -13/9, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200 - 300 mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, ở Quảng Nam - Quảng Ngãi phổ biến 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt.
Từ ngày 12-14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sử dụng tất cả các sản phẩm dự báo của quốc tế cũng như các đơn vị dự báo khác trong và ngoài Tổng cục KTTV để dự báo cơn bão này khi hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Riêng Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia hiện đang chạy 4 phiên dự báo mỗi ngày; trong mỗi phiên chạy 32 mô hình khác nhau, kết hợp với các dự báo quốc tế để ra được dự báo tổ hợp của hàng trăm phương án khác nhau từ đó dự báo xác suất cường độ quỹ đạo của cơn bão. Dựa trên thông tin tổ hợp này các dự báo của trung tâm đưa ra các kịch bản khác nhau. Các dự báo đưa tới các cấp lãnh đạo như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai là dựa trên kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất.