Chồng tốt kiếm 50 triệu/tháng mà vợ vẫn đòi ly hôn, bị chất vấn cô vén chân để lộ cảnh tượng khiến tất cả tái mặt
Gia đình - Ngày đăng : 07:26, 10/09/2021
Trong hôn nhân, điều quan trọng nhất là tình cảm, là cách người trong cuộc đối xử với nhau. Những gì được nhìn thấy từ bên ngoài nhiều khi chưa chắc đã là sự thật.
Cô vợ “dở người” đòi ly hôn chồng tốt kiếm nhiều tiền
Mai (32 tuổi) tâm sự cô và Trung cho đến thời điểm đường ai nấy đi là đã sống bên nhau được 6 năm. “Nhìn từ ngoài vào không ai là không ngưỡng mộ tôi có một người chồng tuyệt vời, kiếm ra nhiều tiền lại không chơi bời, sa đà vào tệ nạn xấu”, Mai nói.
6 năm chung sống, Mai và Trung sinh được hai đứa con, nếp tẻ đủ cả. Không ai ngờ được Mai đột ngột mời bố mẹ hai bên đến họp gia đình, rồi rành rọt nói ra ý định ly hôn.
“Cô dở người à?”, Trung buông một câu gọn lỏn. Mẹ ruột Mai lập tức kéo con gái ra một góc nhỏ giọng khuyên nhủ. Bà bảo tìm được người đàn ông như Trung rất khó, Mai ly hôn mang theo con riêng thì lấy được ai hơn? Bố mẹ chồng Mai im lặng nhưng ông bà suy nghĩ gì, thiết nghĩ cũng không khác lời Trung nói là mấy.
"Tôi nắm chặt tay bà nói rằng mình đã suy nghĩ kỹ rồi, trước nay tôi đâu phải người hồ đồ, bà biết rõ điều đó", Mai nói.
Thế rồi trước mặt tất cả mọi người, Mai nhẹ nhàng kéo vạt váy để lộ phần bắp chân nhìn qua đã thấy sợ. Đó là một vết rách kéo dài, phải đến 15 mũi khâu, giờ vẫn sưng đỏ, có chỗ còn rướm máu do cô đi lại nhiều không được nghỉ ngơi. Bố mẹ hai bên lập tức hỏi han, trách cô sao không nói cho ai biết.
Cách đó một tuần, Mai đi làm về muộn chẳng may bị va quệt xe. Đối phương nhân lúc trời tối trốn mất, cũng may có người tốt bụng đi qua đưa cô vào bệnh viện. Ở nhà còn hai con nhỏ, Mai gọi điện cho Trung báo tin, dặn anh chăm sóc các con, cô sẽ về muộn. "Đã nhờ đón con rồi giờ còn nhờ trông!", Trung hét lên, không một lời hỏi thăm vết thương của vợ.
Tối ấy Mai về nhà mang theo bên chân đã được xử lý, Trung đón vợ bằng vẻ mặt khó chịu, hằn học vì phải trông con. Mai xin nghỉ làm vài ngày, cô không đi xe được nên Trung vô cùng bất mãn khi là người đưa đón các con. Song Mai vẫn dậy làm việc nhà vì chẳng ai đỡ đần, đi lại nhiều nên vết thương mãi không thể liền.
"Vẫn thấy đi lại ầm ầm đấy thôi, có phải nằm liệt giường đâu mà, đừng đỏng đảnh đòi hỏi nữa!", Trung gắt lên khiến Mai chán chường tột độ. Cuộc hôn nhân của cô bên ngoài nhìn vào đẹp đẽ là thế nhưng thực ra nó chẳng khác gì một cuộc hôn nhân "chết".
Cuộc hôn nhân "chết"
"Đến với nhau qua mai mối, tôi nghĩ không phải tình yêu cuồng nhiệt thì ít ra chúng tôi cũng cảm mến nhau, chỉ cần có thành ý xây dựng nhất định sẽ hạnh phúc. Ai ngờ chồng tôi coi hôn nhân chẳng khác gì góp gạo thổi cơm chung, đã thế còn tự cấp quyền lợi đặc biệt cho bản thân, việc nhà và chăm con sẽ không làm", Mai chia sẻ.
Hàng tháng Trung góp 60% tiền chi tiêu trong nhà nhưng đó là mức anh tự đưa ra, so với thực tế thì số tiền Trung góp chỉ bằng khoảng 50%. Sau đó Trung không quan tâm tới bất cứ chuyện gì trong nhà, đôi lúc anh chơi đùa với con một chút gọi là có.
Nhiều lần Mai nghĩ phải chăng anh có người khác hay vẫn tương tư tình cũ song đều không phải. Trung chính là người như vậy, không thích chịu trách nhiệm với bất cứ ai, chỉ muốn ích kỷ sống cho riêng mình.
Trung thờ ơ tới mức nhẫn tâm, có lẽ kết hôn cũng là vì đến tuổi phải lấy vợ. Hết giờ làm, Trung dành thời gian cho riêng bản thân, chơi game, xem phim, gặp gỡ bạn bè, gia đình không nằm trong suy nghĩ của anh.
Nghe mai trút hết tâm sự, bố mẹ Trung và bố mẹ Mai đều ngỡ ngàng không thể tin nổi. Trung thật sự vô tâm tới mức "máu lạnh". Sống với 1 người chồng như thế mới là cực độ đau đớn, bỏ không được mà ở lại thì chỉ còn giày vò và uất ức.
"Lúc ấy chồng tôi có lên tiếng xin lỗi, hứa hẹn nhưng nhìn vào mắt anh ta thì biết chẳng có chút thành ý nào. Đã thuộc về bản chất và tư tưởng cố hữu thật khó mà thay đổi lắm. Tôi cương quyết ly hôn. Sau khi ra ngoài sống mới thấy quyết định của mình đúng đắn vô cùng, mọi thứ nhẹ nhõm, thư thái và vui vẻ hơn rất nhiều...", Mai tâm sự. Thiết nghĩ Mai đã làm đúng. Nếu hôn nhân không thể mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc, chỉ còn tủi thân và lạnh lẽo thì cách tốt nhất là đường ai nấy đi.
Theo Pháp luật và bạn đọc